Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 29 °C / 26 - 37 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Nhịp cầu bạn đọc
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017: Quy định rõ các vi phạm về môi trường

Cập nhật: 09:05 ngày 28/03/2018
(BGĐT) - Những năm gần đây, tình hình vi phạm pháp luật về môi trường diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng sức khỏe, tính mạng, tài sản của người dân và sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, việc xử lý các hành vi vi phạm trước đây quá nhẹ, nhiều trường hợp không thể xử lý được. Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 có nhiều quy định mới, xử lý nghiêm hơn đối với các vi phạm về môi trường.
{keywords}

Xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm là một trong những biện pháp quan trọng để bảo vệ môi trường. Ảnh: Thùy Ninh.

Các tội phạm trong nhóm về môi trường được quy định thành một chương riêng với 12 điều, tương ứng với 12 tội danh cụ thể, gồm: Tội gây ô nhiễm môi trường; vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại; vi phạm quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường; vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông; đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam; làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người; làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật; hủy hoại nguồn lợi thủy sản; hủy hoại rừng; vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm; vi phạm các quy định về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên; nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại. So với trước đây, nhóm tội phạm về môi trường đã được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp hơn, cụ thể là bổ sung một điều mới về tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông tại Điều 238. Cùng đó, 3 điều được chỉnh sửa về lỗi kỹ thuật, 7 điều được chỉnh sửa về mức độ hành vi phạm tội và mức hình phạt được xác định cho từng hành vi.

Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bổ sung quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại. Đồng thời việc quy định chủ thể của tội phạm là pháp nhân cũng tạo ra tính tương thích giữa pháp luật hình sự và pháp luật hành chính hiện nay, nếu doanh nghiệp (DN) có hành vi vi phạm pháp luật về môi trường ở mức xử phạt hành chính thì DN đó phải chịu quyết định xử phạt chứ không phải cá nhân người lao động hay “ông chủ” của DN. Tuy nhiên, việc pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân (Điều 74, Điều 75).

Quy định về tội phạm môi trường có nhiều điểm mới, nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn cho quá trình áp dụng nếu không có những hướng dẫn cụ thể. Vì vậy, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể nhằm đưa luật nhanh chóng đi vào cuộc sống.

Theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự đối với 9/12 tội trong nhóm tội phạm môi trường như các tội: Gây ô nhiễm môi trường; vi phạm phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường; vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông; đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam; hủy hoại nguồn lợi thủy sản; hủy hoại rừng; vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm; vi phạm các quy định về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên; nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại. Đối với ba tội: Vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại; làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người; làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật, thì chủ thể chịu trách nhiệm hình sự là cá nhân.

Hành vi phạm tội về môi trường trong Bộ luật Hình sự 2015 được sắp xếp hợp lý hơn, quy định chi tiết hơn so với Bộ luật Hình sự năm 1999. Cụ thể, các tội phạm môi trường đều dẫn chiếu tới việc điều chỉnh các hành vi nhằm đáp ứng quy định của các công ước quốc tế về môi trường mà Việt Nam đã tham gia, như Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy; Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; các hành vi bị truy cứu trách nhiệm hình sự được chia nhỏ với khung hình phạt tương ứng. Ngoài ra, Bộ luật đã nhập hai tội quy định tại Bộ luật Hình sự 1999 là tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng và tội hủy hoại rừng thành Tội hủy hoại rừng tại Điều 243.

Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có những thay đổi cách xác định hình phạt. Theo đó, hình phạt tiền là hình phạt chính được áp dụng chủ yếu đối với các tội phạm môi trường. Mức phạt tiền theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 cao hơn rất nhiều so với quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999. Đối với cá nhân phạm tội, hình phạt chính có thể bị áp dụng hình phạt tiền, cải tạo không giam giữ, hoặc phạt tù với mức cao nhất là 15 năm tù; ngoài ra còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định. Đối với pháp nhân thương mại, hình phạt chính chỉ áp dụng hình thức phạt tiền với mức thấp nhất là 50 triệu đồng, cao nhất là 15 tỷ đồng. Ngoài ra pháp nhân thương mại còn bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, cấm kinh doanh trong một số lĩnh vực, cấm hoạt động trong một thời hạn, cấm huy động vốn...

Quy định về tội phạm môi trường có nhiều điểm mới, nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn cho quá trình áp dụng nếu không có những hướng dẫn cụ thể. Vì vậy, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể nhằm đưa luật nhanh chóng đi vào cuộc sống.

Hoàng Văn Lợi

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...