Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 31 °C / 26 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Lục Ngạn >> Tin tức - Sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Hướng đi đúng của Tân Lập

Cập nhật: 07:00 ngày 22/10/2017
(BGĐT) - Với 52% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, dân trí không đồng đều, thu nhập chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nên trước đây, Tân Lập từng được biết đến là một xã nghèo nhất huyện Lục Ngạn (Bắc Giang). Nhưng nay, bằng sự nỗ lực của nhân dân, Tân Lập đã có bước chuyển mình mạnh mẽ với tỷ lệ hộ nghèo giảm “sâu” nhất trong 12 xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn.
{keywords}

Trường Tiểu học Tân Lập được đầu tư xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh địa phương.

Theo giới thiệu của cán bộ khuyến nông xã, chúng tôi đến thăm gia đình anh Lại Văn Pèng (SN 1974), thôn Khả Lã 2, một tấm gương điển hình trong sản xuất, khắc phục khó khăn vươn lên thoát nghèo. Vừa tiếp chuyện khách, anh vừa chỉ tay về phía khu vườn bạt ngàn màu xanh của cây trái với vẻ mặt tràn đầy hy vọng. Được biết, sau thời gian đi xuất khẩu lao động, anh trở về quê hương và mong muốn gắn bó, làm giàu chính nơi mình được sinh ra. Năm 2011, vợ chồng anh đầu tư vốn liếng cải tạo 6 ha đất đồi trồng cam. Hai năm đầu do chưa tìm hiểu kỹ thuật nên cây bị chết rút, không ra quả, thiệt hại hàng trăm triệu đồng.

Không nản chí, anh Pèng dành thời gian đi thăm các mô hình thành công ở nhiều xã lân cận, rồi tìm mua giống cây ở các địa chỉ uy tín. Đặc biệt, qua nghiên cứu đặc điểm thổ nhưỡng, anh tập trung lên luống trồng cao hơn để thoát nước nhanh, tránh thối rễ, vàng lá. Không phụ công người, cây cam phát triển tốt, vụ trước, gia đình thu hơn 40 tấn quả, trị giá hơn 1,2 tỷ đồng.

Trao đổi với ông Lại Văn Bình, Chủ tịch UBND xã được biết, gia đình anh Pèng chỉ là một trong nhiều hộ dân của xã nỗ lực vươn lên thoát nghèo nhờ trồng cây ăn quả, từng bước trở thành hộ khá, giàu. Qua khảo sát các hộ nghèo của xã thấy, phần lớn là do thiếu vốn, thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật dẫn tới việc duy trì các mô hình sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, chất lượng sản phẩm kém, đầu ra bấp bênh nên thu nhập không cao. 

Trên cơ sở đó, Ban chỉ đạo giảm nghèo xã đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện giúp người dân có điều kiện tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi lãi suất thấp; lựa chọn những hộ có đất, nhân lực và quyết tâm để hỗ trợ. Cùng đó, phối hợp với Trạm Khuyến nông và các hội, đoàn thể như: Nông dân, phụ nữ, đoàn thanh niên đẩy mạnh tuyên truyền khắc phục “bệnh” ỷ lại trong ý thức thoát nghèo của người dân, đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật để thay đổi tập quán sản xuất bảo đảm kết quả giảm nghèo thực sự bền vững.

{keywords}

Anh Lại Văn Pèng thu hoạch cam Vinh.

Được biết, ngoài kinh phí của Đề án hỗ trợ giảm nghèo với các xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%, hằng năm, Ban chỉ đạo giảm nghèo xã cân đối, lồng ghép các nguồn vốn từ Chương trình 135, Quyết định 102, Dự án TB1... tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn, công trình thủy lợi. Trong đó, ưu tiên thi công các tuyến đường có nhiều thôn cùng hưởng lợi và nơi khó khăn nhất.

Năm nay, xã đang đẩy nhanh tiến độ thi công hơn 8km đường giao thông nội thôn với tổng kinh phí gần 4 tỷ đồng. Công trình hoàn thành sẽ tạo điều kiện đi lại, giao thương cho nhân dân 4 thôn: Cà Phê, Lại Tân, Tân Bình, Hoàng Hoài. Bên cạnh đó, xác định mục tiêu giảm nghèo bền vững phải xuất phát từ tiêu chí nâng cao thu nhập, xã quan tâm xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp điều kiện tự nhiên, canh tác của địa phương. Như hộ nghèo các thôn Khuôn Vố, Cà Phê ngoài được hỗ trợ 80% giá giống và một phần phân bón còn được cán bộ khuyến nông đến hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi khi tham gia mô hình trồng cam Vinh, cam xoàn, nuôi gà lai Hồ...

Nhờ nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong xã, từ thu nhập bình quân đầu người thấp (năm 2010, chỉ đạt khoảng 6 triệu đồng/người/năm) đến nay, đã đạt gần 20 triệu đồng/người/năm, vượt kế hoạch đề ra. Đời sống ngày càng khấm khá nên công tác văn hóa, giáo dục, y tế được quan tâm. Năm 2016, tỷ lệ gia đình văn hóa đạt hơn 80%. Trường mầm non, tiểu học, THCS đều được công nhận chuẩn quốc gia; tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi mầm non ra lớp đạt 100%; không còn học sinh bỏ học. Trạm Y tế xã từng bước nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân...Rà soát theo tiêu chí đa chiều, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã năm 2016 hiện còn 36,06%, giảm 8,81% so với năm 2015.

Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015-2020, Tân Lập phấn đấu giảm bình quân từ 5 đến 8%/năm, hướng tới kết thúc nhiệm kỳ, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn dưới 20%. Mục tiêu cụ thể nhưng không ít khó khăn đòi hỏi lãnh đạo và nhân dân trong xã phải chung sức, đồng lòng. Hy vọng hướng đi đúng trên con đường giảm nghèo sẽ giúp đời sống người dân Tân Lập ngày càng no ấm.

Tường Vi

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...