Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 31 °C / 26 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Lục Nam >> Đất và người Lục Nam
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

"Cho đi khi còn có thể"

Cập nhật: 07:00 ngày 11/03/2018
(BGĐT) - Tham gia và gắn bó với việc làm từ thiện như một cái duyên, nhiều năm nay, chị Phạm Thị Liên, giáo viên Trường Mầm non Nghĩa Phương 1, huyện Lục Nam (Bắc Giang) được mọi người biết đến như người khởi xướng, tổ chức nhiều chương trình nhân đạo ý nghĩa. Từ tấm lòng nhân ái của chị, nhiều mảnh đời khó khăn, bất hạnh có thêm điều kiện vươn lên trong cuộc sống. 
{keywords}

Chị Phạm Thị Liên (ngoài cùng bên trái) và các thành viên Hội Thiện tâm Lục Nam trao quà cho bà Giáp Thị Bi, thôn Chản Làng, xã Yên Sơn (Lục Nam).

Cô giáo Phạm Thị Liên bắt đầu câu chuyện với chúng tôi bằng một kỷ niệm đáng nhớ cách đây ba năm. Khi ấy, trong buổi tổng kết năm học của nhà trường, một phụ huynh học sinh kể với chị về hoàn cảnh một gia đình đặc biệt khó khăn ở thôn Tó, xã Nghĩa Phương. Nghe xong, như có điều gì đó thúc giục, chị bỏ cả bữa trưa để ngồi máy tính viết ngay bài kêu gọi ủng hộ trường hợp này. “Tôi nhớ như in cảm xúc của mình lúc ấy, vừa gõ bàn phím vừa cay cay sống mũi bởi suy nghĩ sao trên đời vẫn còn người khổ đến vậy”, nữ giáo viên chia sẻ. Thời điểm đó, bài viết xúc động của chị nhận được hơn 1 nghìn lượt chia sẻ và hộ nghèo ấy được nhận hơn 100 triệu đồng hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân hảo tâm.

Với tâm niệm "hãy cho đi khi mình còn có thể", sau khi giúp đỡ gia đình trên, cô giáo Phạm Thị Liên bắt đầu tham gia Hội Thiện tâm Lục Nam và cùng các tình nguyện viên trẻ tuổi tìm đến những mảnh đời bất hạnh để chia sẻ, giúp đỡ. Thời gian đầu, qua các trang mạng xã hội, chủ yếu là facebook, biết có hoàn cảnh khó khăn ở đâu, chị đến và dành tặng họ chút gạo, sữa hay bộ quần áo từ khoản thu nhập dạy học của mình. Sau đó, chị nhận ra nếu cứ hỗ trợ như vậy thì hiệu quả không cao và thiếu bền vững. Vậy là mỗi khi nắm bắt trường hợp nghèo khó, cô giáo có dáng người nhỏ bé lại đến từng nhà “mục sở thị”, ghi lại hình ảnh, tìm hiểu thông tin chính xác. Rồi bằng cảm xúc của mình, Phạm Thị Liên viết thành những bài kêu gọi cụ thể. Thông qua lượt chia sẻ trên facebook của Hội Thiện tâm Lục Nam và các trang cá nhân, những “Mạnh Thường Quân” đã biết đến và góp sức để chia sẻ phần nào sự thiếu thốn. 

Ví như trường hợp cháu Nguyễn Phương Anh (SN 2016) ở thị trấn Lục Nam. Từ khi sinh ra, Phương Anh đã không may mắc bệnh tim bẩm sinh và viêm phổi nặng. Mẹ cháu- chị Nguyễn Thị Hạnh đơn thân nuôi con, bản thân cũng không khỏe nên rất khó khăn để lo chi phí điều trị cho con. Trong “cơn bĩ cực” ấy, sau gần hai tuần chia sẻ bài, chị Liên đã vận động được số tiền hơn 15 triệu đồng giúp đỡ cháu. Món quà dù giá trị vật chất không lớn nhưng là sự động viên, sẻ chia ấm áp tình người với những số phận không may.

{keywords}

Chị Phạm Thị Liên trong một lần hiến máu tình nguyện.

Trước khi trở thành thành viên chủ chốt của Hội Thiện tâm Lục Nam, ngày còn là sinh viên Trường Cao đẳng Ngô Gia Tự Bắc Giang, Phạm Thị Liên đã tích cực tham gia Câu lạc bộ (CLB) Máu Bắc Giang. Đến nay, ngoài tích cực vận động mọi người tham gia hiến máu tình nguyện, bản thân chị đã 17 lần “hiến giọt máu đào”- là nữ tình nguyện viên đứng vị trí số hai trong tỉnh về số lần hiến máu. Anh Trần Đình Hiếu, Chủ nhiệm CLB cho biết: “Dường như ở bất cứ hành trình thiện nguyện nào do CLB  hoặc các nhóm tình nguyện khác tổ chức đều có dấu ấn của Phạm Thị Liên. Cô ấy là tấm gương sáng của người trẻ vì cộng đồng mà chúng tôi thường nhắc tới trong mỗi buổi sinh hoạt hay khi vận động thành viên mới tham gia”. Quả vậy, sau nhiều năm gắn bó với công tác từ thiện, hiện cá nhân chị và CLB Máu Bắc Giang, Hội Thiện tâm Lục Nam, CLB Lục Ngạn yêu thương đã giúp đỡ được hàng trăm trường hợp khó khăn, bệnh tật, bất hạnh… sửa chữa nhà ở, có tiền đóng viện phí hay thêm kinh phí, sách vở để được đến trường. Hơn thế, dù con nhỏ, chồng công tác xa, đặc thù công việc eo hẹp về thời gian nhưng chị vẫn nỗ lực hết  mình để ngày càng có thêm nhiều hoàn cảnh khó khăn được tiếp sức.

Khi được hỏi về động lực giúp chị tích cực tham gia hoạt động thiện nguyện, cô giáo mầm non bày tỏ: “Có những khi bị sốt vi rút nặng nhưng tôi vẫn không rời được chiếc điện thoại để tìm thông tin, viết bài vận động hay rà soát, thống kê nhà hảo tâm đóng góp. Mỗi khi hoàn thành một chương trình kêu gọi, tôi cảm thấy cuộc đời mình thêm ý nghĩa”.

Tường Vi

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...