Thứ tư, 01/05/2024
Bắc giang 24 °C / 23 - 30 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế / Nông nghiệp an toàn
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Phát triển nông nghiệp CNC: Tháo gỡ vướng mắc về tín dụng, thị trường

Cập nhật: 16:06 ngày 03/04/2018
(BGĐT) - Ngày 3-4, UBND tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 130 -NQ/TU ngày 16-8-2016 của Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao (CNC) vào sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2016-2020.
{keywords}

Đồng chí Dương Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Đồng chí Dương Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì. Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành tỉnh; UBND các huyện, TP; đại diện một số xã, chủ mô hình ứng dụng CNC, doanh nghiệp (DN) sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản trong và ngoài tỉnh. 

Chủ trương đúng, nhiều cách làm sáng tạo

Thực hiện Nghị quyết 130, ngày 30-9-2016, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 211/KH - UBND tỉnh về đẩy mạnh ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp, tham mưu ban hành các chính sách hỗ trợ. Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với sở, ngành liên quan và các huyện, TP tổ chức thực hiện. Nhờ có chủ trương đúng, các đơn vị, địa phương tích cực vào cuộc tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và thực hiện. Đến nay, toàn tỉnh dành hơn 67 tỷ đồng đầu tư cho sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC. Trong đó ngân sách T.Ư hỗ trợ gần 3 tỷ đồng, ngân sách tỉnh gần 15 tỷ đồng, cấp huyện khoảng 13 tỷ đồng, còn lại là đối ứng của các tổ chức, cá nhân. Bắc Giang đã hình thành 21 mô hình ứng dụng CNC vào sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản, góp phần tăng năng suất, chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh cho sản phẩm. Điển hình là mô hình sản xuất rau an toàn, rau chế biến quy mô 30 ha tại xã Tiến Dũng (Yên Dũng); vùng rau 33 ha tại xã Đông Lỗ (Hiệp Hòa); sản xuất hoa cao cấp trong nhà màng tại xã Tân Mỹ, Dĩnh Trì, Song Mai (TP Bắc Giang)….

Nhiều đơn vị, địa phương nêu cách làm sáng tạo. Ví như ngoài chính sách của tỉnh, huyện Yên Dũng hỗ trợ vùng sản xuất tập trung quy mô từ 2 ha trở lên với mức tối đa 130 triệu đồng xây dựng giao thông nội đồng, đường điện, máy móc thiết bị; hỗ trợ 5 triệu đồng/ha mua vật tư nông nghiệp. Huyện Hiệp Hòa hỗ trợ 150 triệu đồng/mô hình, giúp in bao bì sản phẩm. Huyện Tân Yên giúp xây dựng mô hình xử lý ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học. HTX Rau sạch Yên Dũng áp dụng quy trình VietGAP luân canh cây trồng 4 vụ/năm, cung cấp nguồn rau an toàn cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Công ty cổ phần Tập đoàn T&T (Hà Nội) phối hợp với UBND huyện Tân Yên vận động người dân cho thuê, mượn ruộng triển khai dự án CNC quy mô lớn.

Còn bất cập từ khâu sản xuất đến tiêu thụ 

Nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù Nghị quyết, Kế hoạch được thực hiện bước đầu khẳng định hiệu quả, tạo bước chuyển đổi về quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh cho sản phẩm chủ lực của tỉnh nhưng việc phát triển và nhân rộng mô hình còn gặp khó khăn. Đại diện lãnh đạo Siêu thị Big C, UBND huyện Việt Yên… phản ánh, cơ bản diện tích mô hình CNC hiện nay còn nhỏ lẻ, phân tán, người dân còn tâm lý “giữ ruộng”, không muốn cho DN, tổ chức cá nhân thuê, mượn. Quy mô lượng nông sản còn ít; mẫu mã, chất lượng không đồng đều, khó cung cấp ổn định cho siêu thị. Vì vậy, chính quyền các địa phương quan tâm hỗ trợ mở rộng mô hình CNC theo quy hoạch vùng, vận động bà con dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất, hỗ trợ bao tiêu sản phẩm. 

{keywords}

Mô hình trồng đậu Hà Lan theo tiêu chuẩn VietGAP trong nhà màng của Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Dĩnh Trì, TP Bắc Giang.  Ảnh Minh Ngọc.

Bên cạnh đó, nhiều DN, HTX, chủ mô hình đề nghị các ngân hàng thương mại (NHTM) tháo gỡ khó khăn về thủ tục thế chấp vay vốn phát triển nông nghiệp CNC. Ông Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Việt Nam (Agribank) Chi nhánh tỉnh Bắc Giang cho rằng, việc cho vay vốn thực hiện theo quy trình, thủ tục, quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Agribank. Vì vậy, trường hợp khi tiếp cận vốn vay có vướng mắc, các DN, HTX, chủ mô hình cần thông tin ngay cho đơn vị theo đường dây nóng (ĐT: 0912021587 - PV) để kịp thời được tháo gỡ.

Xung quanh thị trường tiêu thụ sản phẩm của mô hình nông nghiệp CNC, nhiều HTX, chủ mô hình chưa thường xuyên nắm bắt được thông tin giá cả, nhu cầu đối với loại nông sản phẩm của mình để có kế hoạch sản xuất hiệu quả. Cơ quan chức năng cần làm tốt công tác thông tin dự báo về giá và thị trường nông sản, quản lý chặt chẽ chất lượng, công bố nhãn hiệu hàng hóa, tránh tình trạng hàng kém chất lượng trà trộn, lợi dụng thương hiệu trục lợi, gây khó khăn trong tiêu thụ nông sản. Đại diện HTX Dịch vụ Nông nghiệp Phương Nam (TP Bắc Giang) đề nghị tỉnh, ngành chức năng quan tâm, định hướng cho người dân sản xuất loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với lợi thế của địa phương, có sức cạnh tranh cao... 

Tiếp tục có cơ chế hỗ trợ mới  

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Dương Văn Thái nhấn mạnh, sau hơn một năm triển khai Nghị quyết 130, các ngành, địa phương đã tích cực quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc. Nhiều nơi có cách làm sáng tạo, bước đầu hình thành nhiều mô hình hiệu quả, làm thay đổi nhận thức của người dân về sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC. Tuy nhiên, nhiều huyện, TP tổ chức chưa bài bản, nhất là phòng Nông nghiệp và PTNT một số nơi thiếu tích cực, chưa tham mưu làm tốt về quy hoạch, cơ chế khuyến khích.

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, đồng chí đề nghị lãnh đạo UBND các huyện, TP quan tâm nắm rõ Kế hoạch số 211 của tỉnh nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu, khẩn trương ban hành cơ chế hỗ trợ về kinh phí cho mô hình ứng dụng CNC, lồng ghép vốn từ các chương trình mục tiêu để tăng nguồn lực. Các đơn vị, địa phương rà soát, mở rộng mô hình gắn với xây dựng nông thôn mới; phát huy lợi thế, tạo ra sản phẩm mới có sản lượng lớn, chất lượng đồng đều. Đồng thời quan tâm thành lập HTX kiểu mới ở lĩnh vực này, làm cầu nối giữa người sản xuất và DN trong tiêu thụ nông sản.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái yêu cầu, Sở Nông nghiệp và PTNT sớm nghiên cứu tham mưu cho tỉnh ban hành cơ chế về thuê, mượn ruộng; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia ứng dụng CNC trong nông nghiệp gắn với tăng cường đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu sản xuất. Sở phối hợp với ngành Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp mô hình đủ điều kiện, bảo đảm có đủ vốn để hỗ trợ theo quy định. Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các địa phương đẩy mạnh dồn điền đổi thửa, gỡ vướng trong tích tụ ruộng đất. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, các sở: Nông nghiệp và PTNT, Khoa học và Công nghệ, Công Thương tăng cường hỗ trợ lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp ứng dụng CNC trong sản xuất gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm, nhãn hàng hóa, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ và mở rộng kênh tiêu thụ. Về khó khăn trong tiếp cận vốn vay, NHNN tỉnh, các NHTM thực hiện nghiêm Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân.

Ông Đoàn Thế Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Hạt giống và Nông sản Năm Sao (Hà Nội): Doanh nghiệp là nòng cốt trong ứng dụng CNC

{keywords}

Qua thực tế tham gia xây dựng nhiều mô hình nông nghiệp CNC, tôi nhận thấy “4 nhà” gồm: Nhà nước, DN, nông dân và nhà khoa học đều giữ vai trò quan trọng, Trong đó, DN phải giữ vai trò nòng cốt, xuyên suốt quá trình tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Bởi hiện nay, phần lớn người sản xuất vẫn làm theo kiểu tự phát, không theo định hướng thị trường. Đặc biệt là nông dân vẫn gặp khó khăn về kinh phí đầu tư cho sản xuất nông nghiệp CNC. Muốn thành công, DN định hướng cho nông dân sản xuất theo yêu cầu của thị trường và liên kết với họ để mở rộng quy mô, xây dựng vùng nguyên liệu, phát triển thương hiệu nông sản. DN phải liên kết đầu tư kinh phí để có mô hình quy mô lớn, tập trung.

Ông Hà Quốc Hợp, Chủ tịch UBND huyện Lục Nam: Ưu tiên công nghệ sinh học, tự động hóa sản xuất

{keywords}

Thời gian qua, ứng dụng CNC trong nông nghiệp mới tập trung chủ yếu đưa kỹ thuật vào xây dựng nhà lưới, nhà màng, áp dụng giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản mới. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, tự động hóa sản xuất, công nghệ sinh học, quy trình canh tác tiên tiến nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng cao, an toàn vệ sinh còn ít. Vì thế, bên cạnh việc tiếp tục quy hoạch các vùng sản xuất bảo đảm tính ổn định về đất đai, huyện tăng cường phối hợp với ngành chức năng, đơn vị nghiên cứu khoa học trong và ngoài tỉnh lựa chọn công nghệ tiên tiến, ưu tiên kinh phí hỗ trợ lắp đặt thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất, nhân rộng các mô hình phù hợp nhằm phát huy lợi thế của địa phương.

Minh Ngọc - Minh Linh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...