Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 36 °C / 27 - 39 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

zzz-Nhộn nhịp mùa vải thiều-20199
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Vải thiều Lục Ngạn “lên” máy bay

Cập nhật: 17:41 ngày 20/06/2018
(BGĐT) - Vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) đã hội tụ đầy đủ nhất tinh túy của đất và trời để tạo nên thương hiệu quả vải thiều với chất lượng vượt trội “quả to, vỏ đỏ, hạt nhỏ, cùi dầy” có vị ngọt mát và hương thơm đặc trưng. Từ giữa tháng 6, hãng hàng không Vietnam Airlines đã đưa món tráng miệng vải thiều lên máy bay tại các chặng bay nội địa và quốc tế xuất phát từ Hà Nội. 

{keywords}

Vải thiều Lục Ngạn có mã vạch truy xuất nguồn gốc rõ ràng.

Đây là nỗ lực của hãng trong việc mang thêm một món đặc sản ngọt ngào, mang đậm hương vị truyền thống của Việt Nam đến với các hành khách trong và ngoài nước. 

Vụ vải năm nay, toàn tỉnh Bắc Giang có hơn 28 nghìn ha vải thiều, ước sản lượng đạt khoảng 150 – 180 nghìn tấn. Với sự quan tâm đổi mới từ sản xuất đến xúc tiến thị trường tiêu thụ, năm nay, vải thiều không còn đi liền với câu cửa miệng hằng năm: “Được mùa mất giá”, khi lượng vải thiều theo các tiêu chuẩn chất lượng VietGAP, GlobalGAP đều đã được đặt hàng tiêu thụ ổn định.
Chọn nâng cao chất lượng vải thiều là ưu tiên hàng đầu để tăng sức cạnh tranh, vải thiều vượt ngoạn mục thử thách “được mùa mất giá” để tự tin vươn ra thế giới hay phục vụ các doanh nghiệp dịch vụ có yêu cầu cao.  
Trong tổng diện tích trên, có 13.500 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, ước sản lượng đạt 90 nghìn tấn; 218,5 ha theo tiêu chuẩn GlobalGAP đã được cấp mã vùng trồng, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Mỹ, sản lượng đạt 10 nghìn tấn. 
{keywords}
Vải thiều Lục Ngạn được mùa nhất trong 10 năm trở lại đây.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Dương Văn Thái cho biết, năm 2018, các thị trường xuất khẩu được tỉnh duy trì ở cả 30 nước mà quả vải thiều đang có mặt như Mỹ, Australia, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia…, đặc biệt tập trung cao thị trường truyền thống là Trung Quốc, đồng thời đẩy mạnh mở rộng xuất khẩu vào thị trường mới tiềm năng như Thái Lan, Singapore, Canada….
Theo Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang Trần Quang Tấn, vụ vải thiều năm 2018 của tỉnh Bắc Giang có chất lượng cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, ngoài đẩy mạnh xuất khẩu, tỉnh còn chú trọng cả việc phân phối lượng vải chất lượng cao ra thị trường trong nước. Thị trường trong nước được tiếp tục duy trì tại các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhất là các thành phố lớn Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, đồng thời quan tâm, hướng sâu hơn thị trường Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ. 
Tuy nhiên, quan trọng hơn cả là việc Bắc Giang đã kết hợp được với rất nhiều kênh phân phối bán lẻ cũng như các doanh nghiệp dịch vụ chất lượng cao trong nước trong việc tiêu thụ các sản phẩm vải thiều chất lượng của mình.
Việc vải thiều bắt đầu “bước lên” máy bay của hãng hàng không Vietnam Airlines được xem là một trong những hợp đồng quan trọng để tiêu thụ vải thông qua các công ty dịch vụ chất lượng cao. Theo dự kiến, món tráng miệng vải thiều sẽ được hãng hàng không Vietnam Airlines phục vụ hành khách trong khoảng 15 - 20 ngày với tổng lượng vải cung cấp trên các chuyến bay vào khoảng 2.000 kg.
Vào thời điểm chính vụ, từ thời điểm ngày 15-6 trở đi, vải thiều sẽ là món tráng miệng trên các chuyến bay có phục vụ suất ăn trên khay và khởi hành từ Hà Nội của Vietnam Airlines. 
{keywords}

Suất ăn có vải thiều của Vietnam Airlines.

Với một hợp đồng như vậy, số lượng vải tiêu thụ có thể không nhiều, nhưng quan trọng hơn cả là sự lan tỏa của hương vị đặc sản truyền thống đến rất nhanh với các hành khách trong và ngoài nước. Đặc biệt những quả vải chất lượng cao từ vùng vải thiều Lục Ngạn được tuyển chọn khắt khe sẽ lưu lại ấn tượng khó quên trong lòng các hành khách quốc tế.
Việc đưa được vải thiều vào thực đơn của Vietnam Airlines cũng khắt khe không kém việc bảo đảm chất lượng cho các nguồn hàng xuất khẩu. Vải được phục vụ cho hành khách có nguồn gốc từ quê hương của vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang), được trồng bón và thu hoạch theo tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP, được theo dõi từ khi còn trên cành.
Kể từ thời điểm thu hái, hành trình của quả vải thiều để lên tới khay thức ăn của các hành khách tiếp tục trải qua quy trình cấp vải và kiểm định ba bước hết sức nghiêm ngặt. 
Quả vải thiều được thu hái từ sáng sớm, ngay khi ngắt khỏi cây trong vòng một giờ, sau đó được nhúng vào nước lạnh có nhiệt độ từ 2-4 độ C trong thời gian 2 phút. Ở công đoạn thứ hai, vải sau khi làm lạnh, sẽ được sơ chế (bỏ cành, loại bỏ quả sâu), phân loại và đóng ngay vào trong thùng xốp cách nhiệt có đá giữ lạnh, vận chuyển đến Công ty Suất ăn hàng không Nội Bài (NCS). 
Tại Công ty NCS, vải thiều tiếp tục được tiến hành lọc loại một lần nữa, ngâm khử trùng và giữ lạnh, cấp lên chuyến bay. Đây sẽ là quy trình quan trọng để đưa đến những quả vải không chỉ ngon, mát về chất lượng mà còn bảo đảm các tiêu chí sạch, tươi, vệ sinh an toàn thực phẩm - tiêu chí hàng đầu khi đưa bữa ăn tới bàn cho hành khách của Vietnam Airlines.

Trong thời gian tới, các đặc sản vùng miền khác như nhãn lồng sẽ tiếp tục theo các chuyến bay của Vietnam Airlines, làm phong phú thực đơn các bữa ăn, tăng cường hơn nữa những trải nghiệm mới lạ của mỗi hành khách về dịch vụ của hãng. 
Lương Tuấn Hùng
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...