Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 36 °C / 27 - 39 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Kịp thời dự báo, chủ động ứng phó thiên tai

Cập nhật: 10:52 ngày 22/03/2022
(BGĐT)- Thời gian qua, các hiện tượng thiên tai xảy ra với mức độ ngày càng thường xuyên và nguy hiểm hơn. Thực tế đó đòi hỏi cơ quan khí tượng thủy văn cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để đưa ra cảnh báo sớm; các cấp, ngành chủ động có biện pháp ứng phó với các tình huống thiên tai xảy ra. 

Nhiều thách thức

Hằng năm, vào thời điểm chuyển từ mùa đông sang mùa hè và ngược lại, đặc biệt vào chính mùa mưa bão, trên địa bàn tỉnh có những hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra như: Mưa lớn gây ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất... Bên cạnh đó, các loại thiên tai xảy ra với mức độ thường xuyên như giông sét, mưa đá, lốc xoáy kèm mưa lớn trong thời gian rất ngắn vào bất kỳ thời điểm nào trong năm có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của người dân khi tham gia giao thông hoặc sản xuất trên các cánh đồng không kịp tránh trú.

{keywords}

Cán bộ Trung tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh theo dõi thời gian nắng trong ngày.

Theo thống kê của Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, trong 10 năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh có 22 người thiệt mạng, 14 người bị thương nặng do bị sét đánh, đuối nước vì lũ cuốn; 80 ngôi nhà kiên cố bị sập đổ, cuốn trôi hoàn toàn; gần 3,9 nghìn ngôi nhà bán kiên cố bị tốc mái, hư hại nặng; hơn 41,6 nghìn ha lúa bị thiệt hại nặng; nhiều loại hoa màu và tuyến đường giao thông bị hư hại nghiêm trọng... Ước tính tổng thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. 

10 năm qua, thiệt hại nhiều nhất về người và tài sản là năm 2015 khi toàn tỉnh phải hứng chịu tác động từ hoàn lưu 2 cơn bão (số 1 và số 3); 6 đợt rãnh áp thấp qua Bắc Bộ bị nén bởi các đợt gió mùa Đông Bắc vào thời điểm giao mùa; 4 đợt rãnh áp thấp kèm hoàn lưu xoáy thấp gây ra những đợt mưa lớn và các trận giông sét. Hậu quả, toàn tỉnh có 8 người chết, 1 người bị thương; phải di dời 923 hộ dân ở các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam và Yên Thế đến nơi an toàn; 18 nhà cấp 4 bị đổ; 10.975 ha lúa, hoa màu, thủy sản bị ngập úng, nhiều tuyến đường bị ngập úng và sạt lở... Tổng thiệt hại ước hơn 40 tỷ đồng.

Những con số nêu trên từ hệ quả khôn lường do thiên tai gây ra phần nào cho thấy ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu. Biến đổi khí hậu đã tác động trực tiếp đến thời tiết, làm cho các hiện tượng thiên tai ngày càng khốc liệt và dị thường với mức độ ngày càng thường xuyên, nguy hiểm hơn. Bên cạnh đó, còn nguyên nhân kết hợp với yếu tố địa hình địa phương. 

Đặc biệt, với điều kiện địa hình vùng núi phía Đông tỉnh (gồm các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam) và một phần vùng núi cao Yên Thế rất phức tạp. Sông suối ở khu vực này nhỏ nhưng có độ dốc lớn, mỗi khi mưa lớn ở thượng nguồn, nước đổ về dồn dập trong thời gian ngắn, chảy xiết qua các con sông, suối nhỏ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất cục bộ. Đáng chú ý, những hiện tượng giông, lốc, sét kèm mưa lớn xảy ra ở hầu khắp các nơi trong tỉnh có chiều hướng gia tăng, thường xuất hiện vào buổi chiều tối và đêm rất nguy hiểm cho người dân.

Theo dõi chặt diễn biến thời tiết

Theo kết quả dự báo mới nhất, Đài Khí tượng Thủy văn nhận định thời tiết mùa hè năm 2022 tại Bắc Giang có khả năng dịu mát hơn mùa hè năm 2020, 2021. Nền nhiệt độ ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm, tổng lượng mưa toàn mùa cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 25 - 30%; khả năng mùa mưa đến sớm hơn khoảng một tháng, nửa cuối tháng 4 đã có thể xuất hiện các đợt mưa lớn diện rộng, đề phòng lũ sớm (tháng 5) cũng như lũ lớn trên sông Cầu, sông Thương và sông Lục Nam trong chính mùa lũ năm 2022 (tháng 7, 8 và đầu tháng 9). Nắng nóng nhiều khả năng xuất hiện muộn hơn so với trung bình, có khoảng 5- 6 đợt nắng nóng nhưng cường độ không gay gắt và thời gian không kéo dài như mùa hè năm 2020, 2021.

Ngày Khí tượng thế giới năm nay được Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) phát động với chủ đề: "Cảnh báo sớm để hành động sớm - Thông tin khí tượng thủy văn và khí hậu phục vụ hiệu quả giảm nhẹ rủi ro thiên tai".

Mùa bão năm 2022 trên khu vực Biển Đông có xu hướng hoạt động sớm hơn so với trung bình nhiều năm; có khoảng 8 - 10 xoáy thuận nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông, trong đó có khoảng 4-6 cơn bão (xấp xỉ trung bình nhiều năm) đổ bộ vào đất liền nước ta. 

Tại tỉnh có khả năng ảnh hưởng từ 2-3 cơn bão và chủ yếu đề phòng mưa lớn từ hoàn lưu sau bão hoặc áp thấp nhiệt đới có khả năng gây ra lũ, lũ lớn, úng ngập diện rộng ở vùng thấp trũng. Mực nước cao nhất trên các sông dự báo ở mức báo động số II, III, thời gian xảy ra tập trung trong tháng 7, 8.

Trong bối cảnh các hiện tượng thời tiết cực đoan có nhiều khả năng xảy ra trong mùa mưa năm nay, để giảm thiểu thiệt hại đòi hỏi các cấp, ngành chức năng tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống thiên tai, không chủ quan, mất cảnh giác. 

Đài Khí tượng Thủy văn chủ động theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để đưa ra cảnh báo sớm các hiện tượng thời tiết thủy văn cực đoan có khả năng xảy ra trên địa bàn tỉnh. Cung cấp thông tin dự báo, cảnh báo kịp thời cho Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, huyện, TP, các cơ quan truyền thông, đặc biệt là các đầu mối đài phát thanh thôn, xã để thông tin nhanh nhất đến người dân.

Nhằm thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trên, góp phần mang lại sự an toàn về tính mạng cũng như bảo vệ tài sản của người dân, với chức năng nhiệm vụ được giao, mỗi cán bộ, viên chức công tác trong lĩnh vực khí tượng thủy văn không ngừng học hỏi, làm chủ khả năng ứng dụng công nghệ, nâng cao chất lượng các bản tin dự báo, cảnh báo phục vụ công tác phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai, đáp ứng yêu cầu chất lượng nguồn nhân lực trong Chiến lược phát triển ngành Khí tượng Thủy văn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 23/11/2021.

Để công tác phòng, chống lụt bão - tìm kiếm cứu nạn đạt kết quả cao, ngoài bám sát các thông tin dự báo, cảnh báo thời tiết thủy văn nguy hiểm để bảo đảm công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai các phương án phòng, chống kịp thời, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh tiếp tục quán triệt phương châm chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục quyết liệt, khẩn trương, hiệu quả. 

Trong đó, lấy phòng tránh là chính; chú trọng thực hiện phương châm “4 tại chỗ”. Đặc biệt, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để mỗi người dân nâng cao ý thức trong phòng, chống thiên tai, thường xuyên theo dõi thông tin dự báo thời tiết để chủ động ứng phó. Có như vậy mới giảm nhẹ được thiệt hại mỗi khi có tình huống xảy ra.

Bùi Thị Thu Hiền, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bắc Giang

Nhân Ngày Khí tượng Thế giới 23/3: Cải tiến phương pháp đo, nâng chất lượng dự báo thủy văn
(BGĐT) - Lũ lụt luôn là một trong những thiên tai nguy hiểm hàng đầu đối với con người và xã hội. Vì vậy dự báo thủy văn có vai trò quan trọng trong công tác phòng tránh lũ lụt cũng như khai thác và quản lý nguồn nước, góp phần giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.
Bắc Giang: Chủ động nắm tình hình, nâng cao chất lượng dự báo khí tượng thủy văn
(BGĐT) - Chiều 14/12, Đài khí tượng thủy văn (KTTV) tỉnh Bắc Giang phối hợp với Đài KTTV khu vực Đông Bắc tổ chức hội thảo dự báo KTTV. Dự hội thảo có đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT; Văn Phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tỉnh, các huyện, TP và viên chức KTTV tại 9 trạm trên địa bàn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ Kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống ngành Khí tượng Thủy văn Việt Nam
Chiều nay (3/10), tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự chương trình Kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống ngành Khí tượng Thủy văn Việt Nam 3/10 (1945-2020).
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...