Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 28 °C / 28 - 40 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Làm dịch vụ gieo cấy trọn gói- mô hình độc đáo, hiệu quả ở Bắc Giang

Cập nhật: 08:01 ngày 30/01/2021
(BGĐT) - Tốt nghiệp Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội với tấm bằng kỹ sư công nghệ ô tô song Nguyễn Văn Tuyên (SN 1991) ở xã Đoan Bái và Nguyễn Văn Tân (SN 1989) ở xã Hoàng An, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) quyết định trở về quê hương lập nghiệp với ngành nghề dịch vụ nông nghiệp.

Chọn nghề đam mê

Cùng quê lại học chung Khoa Công nghệ ô tô (Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) nên Tuyên và Tân chơi với nhau khá thân, có nhiều ý tưởng trùng hợp. Năm 2012, sau khi tốt nghiệp đại học, Tuyên xin vào làm ở một doanh nghiệp chuyên lĩnh vực máy nông nghiệp tại tỉnh Bắc Ninh, còn Tân làm tại TP Hà Nội nhưng công việc không ổn định. Hai bạn trẻ nhiều lần trăn trở mong muốn tìm việc làm đúng đam mê về nông nghiệp, đồng thời phát huy được kiến thức đã học về công nghệ. 

{keywords}

Khu vực sản xuất của Trung tâm Mạ khay, máy cấy Tân Tuyên.

Nhiều lần xem ti vi, mạng Internet thấy có những vùng sản xuất nông nghiệp trù phú, quy mô hàng nghìn ha ở Nhật Bản được bà con nông dân đưa cơ giới hóa vào sản xuất, mang lại thu nhập cao, Tuyên và Tân đều rất thích. Đầu năm 2017, hai bạn chung vốn mở dịch vụ gieo, cấy, chăm sóc nông nghiệp chuyên nghiệp trọn gói.

Do chưa tìm được vị trí thuê đất tại quê hương nên địa bàn khởi nghiệp được chọn tại huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.“Mới đầu có người chưa hiểu về công việc của chúng tôi còn bảo: “Bố mẹ nuôi cho ăn học đàng hoàng để thoát ly khỏi đồng ruộng thế mà lại quay về quê bốc đất". Kệ người ta nói chúng tôi vẫn chuyên tâm theo đuổi lĩnh vực kinh doanh dịch vụ nông nghiệp mình yêu thích" - Tuyên kể.

Mỗi lần về quê nhận thấy đồng ruộng quê mình đã cơ bản dồn điền đổi thửa, thuận lợi cho ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất song nhiều nơi vẫn còn tình trạng đất bỏ hoang, dịch vụ gieo, cấy tại nhiều địa phương chưa phát triển như ở tỉnh bạn. Vậy là vừa làm, vừa giới thiệu, quảng bá để bà con quê hương hiểu rõ tiện ích của dịch vụ và năm 2018, Tuyên và Tân về quê thành lập Trung tâm Mạ khay, máy cấy Tân Tuyên, đặt trụ sở tại thôn Bái Thượng, xã Đoan Bái. 

Để mạ đều đẹp, sinh trưởng tốt và không bị sâu bệnh, Tân và Tuyên không chỉ quan tâm đến 4 yếu tố "nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống" mà từ khâu chọn đất cũng được chuẩn bị kỹ lưỡng. Đất màu được Trung tâm tìm mua từ tỉnh Thái Nguyên đem về hong khô, nghiền nhỏ, trộn với mùn cưa, phân bón, thuốc xử lý nấm mốc, ủ trong 45 ngày mới đưa vào các giá cấy.

Đưa cơ giới vào đồng ruộng

Từ khi có dịch vụ nông nghiệp trọn gói, nhiều cánh đồng bỏ hoang ở các xã Lương Phong, Đoan Bái, Danh Thắng, Thái Sơn đã xanh trở lại. Đặc biệt trong các vụ xuân khi thời tiết rét đậm, rét hại nhưng nhờ có dịch vụ trọn gói từ khâu chọn giống, gieo và cấy kết hợp với tư vấn kỹ thuật chăm sóc nên đã hạn chế được tình trạng mạ chết, cây sinh trưởng nhanh. 

Bằng hướng đi mới, hiện nay Trung tâm Mạ khay, máy cấy Tân Tuyên nhận gieo cấy gần 200 ha cho nông dân trong huyện và các tỉnh: Bắc Ninh, Thái Nguyên. Ông Trần Văn Giáp ở thôn Giữa, xã Lương Phong đến nay có 5 vụ hợp đồng với Trung tâm chia sẻ: "Gia đình tôi chọn mua thóc giống rồi giao cho Trung tâm gieo, cấy theo hợp đồng với số tiền 265 nghìn đồng/sào. 

Qua theo dõi thấy cây lúa khỏe, sinh trưởng tốt, không bị sâu bệnh nên vụ xuân năm nay gia đình tiếp tục sử dụng dịch vụ này". Hiện xã Lương Phong có hơn 52 ha được Trung tâm nhận gieo cấy thuộc các thôn: Giữa, Chùa, Đồng, Vân An.

Ông La Văn Tuấn, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hiệp Hòa cho biết: "Với đơn giá trọn gói 310 nghìn đồng/sào gồm chuẩn bị giống, gieo mạ khay và cấy; 265 nghìn đồng/sào nếu không bao gồm chi phí giống hoặc bán lẻ 20 nghìn đồng/khay mạ (mỗi sào cần 8-9 khay mạ) thì chi phí này rẻ và ổn định hơn rất nhiều so với thuê ngày công đơn lẻ hoặc công sức bà con bỏ ra mà chất lượng lúa, gạo vẫn bảo đảm. 

Đây là một trong các hình thức đưa cơ giới hóa vào sản xuất cho hiệu quả cao. Mới đây sau khi thẩm định, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã giới thiệu nhân dân các xã đã thực hiện xong dồn điền đổi thửa đến Trung tâm tham quan, học tập kinh nghiệm, tích cực đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm".

Nhờ kiến thức chuyên ngành học ở trường, những sự cố kỹ thuật của máy móc nông nghiệp đều được hai kỹ sư trẻ nhanh chóng khắc phục. Thậm chí, hai "ông chủ" còn sáng chế nhiều trang thiết bị, phương tiện cải tiến như: Ròng rọc kéo đất, máy sàng đất... 

Qua đó tiết kiệm chi phí và thời gian, tăng năng suất lao động. Hiện nay Trung tâm Mạ khay, máy cấy Tân Tuyên đã có cơ ngơi khang trang với nhà xưởng sơ chế, ủ đất phục vụ cho khâu gieo mạ diện tích gần 1 nghìn m2, 3 máy cấy 6 hàng, 1 máy gieo mạ tự động, 2,5 vạn khay, ô tô chuyên trở vật liệu cùng hơn 2 mẫu đất chuyên dùng để chăm sóc mạ mang lại thu nhập bình quân mỗi năm từ 800 đến 900 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động mức lương từ 5,5 đến 6 triệu đồng/tháng, cao điểm còn tạo việc làm cho 20 lao động thời vụ.

Thời gian tới, hai kỹ sư trẻ cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương trong huyện tuyên truyền để nhiều người biết đến dịch vụ nông nghiệp, đồng thời tích cực kết nối để mở rộng diện tích gieo cấy; tham khảo, triển khai một số mô hình sản xuất rau thủy canh để tạo việc làm thêm cho người lao động. 

Hải Vân - Khánh Hòa

Tôn vinh 68 Nhà khoa học của nhà nông lần thứ 3, năm 2020
Tối 29/12, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Lễ tôn vinh "Nhà khoa học của nhà nông" lần thứ 3, năm 2020.
Tôn vinh 56 nhà nông trẻ xuất sắc nhận Giải thưởng Lương Định Của lần thứ XV
Tối 11/12, tại Hà Nội, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức Lễ trao Giải thưởng Lương Định Của lần thứ XV năm 2020 tặng 56 thanh niên có đóng góp tích cực, hiệu quả vào quá trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới của đất nước.
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...