Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 29 °C / 26 - 28 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Giữ màu xanh cho rừng

Cập nhật: 09:05 ngày 26/12/2017
(BGĐT) - Là địa phương có diện tích rừng lớn, giáp ranh với tỉnh Lạng Sơn và Quảng Ninh nên công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn huyện Sơn Động (Bắc Giang) gặp nhiều khó khăn. Đóng vai trò tiên phong, lực lượng kiểm lâm tăng cường bám địa bàn, kịp thời ngăn chặn, xử lý nhiều vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng.
{keywords}

Lực lượng kiểm lâm của Ban Quản lý bảo tồn Tây Yên Tử tuần tra, bảo vệ rừng.

Diện tích đất lâm nghiệp lớn lại giáp ranh với 5 huyện, trong đó có 3 huyện của tỉnh ngoài gồm: Ba Chẽ, Hoành Bồ (Quảng Ninh), Đình Lập (Lạng Sơn) nên công tác quản lý, bảo vệ rừng của huyện Sơn Động có những yếu tố phức tạp. Ông Nguyễn Văn Điệp, Phó Giám đốc Ban Quản lý bảo tồn Tây Yên Tử cho biết: “Khu bảo tồn nằm ở hai khu vực cách biệt, trong khi lực lượng mỏng, một số đối tượng vì tư lợi cá nhân lén lút phát vén nên có thời điểm rừng vẫn bị xâm hại”.

Xuất phát từ quan điểm giữ rừng phải dựa vào dân, lực lượng kiểm lâm tăng cường nhân lực về các xã, củng cố hàng chục tổ, đội quần chúng bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng ở cơ sở. Thực tế, để giữ màu xanh cho rừng, Ban Quản lý bảo tồn Tây Yên Tử bố trí 6 trạm kiểm lâm địa bàn tại các khu vực được giao quản lý, đồng thời phân công cán bộ phụ trách. Hằng năm, lực lượng cùng với trưởng thôn, bản, người có uy tín ở địa phương đến từng hộ tuyên truyền, vận động không đốt phá rừng làm nương rẫy, không tiếp tay cho "lâm tặc"; chủ động tham mưu, phối hợp với chính quyền xã, các tổ, đội bảo vệ rừng tăng cường kiểm tra, kiểm soát vùng trọng điểm ở khu vực giáp ranh như xã Long Sơn, Tuấn Mậu, thị trấn Thanh Sơn, Hữu Sản; sâu sát cơ sở, nắm bắt thông tin, phát hiện kịp thời các tụ điểm chặt phá rừng, khai thác, vận chuyển, chế biến lâm sản trái phép.

{keywords}

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Động thống kê lượng gỗ vi phạm bị bắt giữ.

Bằng những giải pháp trên, năm 2017, Hạt Kiểm lâm huyện đã phát hiện, ngăn chặn, xử lý 165 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, tịch thu hơn 78 m3 gỗ các loại, thu nộp ngân sách hơn 1,5 tỷ đồng. Cùng thời gian, Ban Quản lý bảo tồn Tây Yên Tử phát hiện, xử lý 47 vụ việc, tịch thu hơn 24 m3 gỗ. Đặc biệt, lực lượng kiểm lâm phối hợp với công an huyện xác minh, điều tra, khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm để xử lý. Mới đây, Hạt Kiểm lâm khu bảo tồn Tây Yên Tử ra quyết định khởi tố vụ án vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng xảy ra tại phân khu phục hồi sinh thái, phân ban Khe Rỗ, xã An Lạc.

Song song với quản lý, bảo vệ, Hạt Kiểm lâm huyện thực hiện tốt kế hoạch trồng rừng, tổ chức cho các địa phương đăng ký diện tích và tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng cho các chủ rừng. Vì vậy rừng trồng sinh trưởng và phát triển tốt. Năm 2017, toàn huyện đã trồng 3.200 ha rừng tập trung, hơn 1 triệu cây phân tán, nâng tổng diện tích rừng trồng của cả huyện lên hơn 26 nghìn ha. Ông Nguyễn Văn Hiệu, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện nói: “Nghị quyết 249 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng vừa được ban hành đã khắc phục nhiều bất cập trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng hiện nay. Theo đó, cấp ủy, chính quyền địa phương phải đứng ra tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác này, kịp thời phát hiện và tổ chức lực lượng ngăn chặn, xử lý tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng. Với chức năng, nhiệm vụ được giao, chúng tôi tập trung lực lượng bảo vệ rừng, nhất là rừng tự nhiên; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng trong điều tra, xác minh, khởi tố các vụ việc có dấu hiệu hình sự”.

Dương Sơn

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...