Thứ tư, 08/05/2024
Bắc giang 26 °C / 24 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Phát triển hệ thống cảng đường thủy nội địa: Tiềm năng còn bỏ ngỏ

Cập nhật: 11:24 ngày 22/02/2020
(BGĐT) - Bắc Giang có ba con sông lớn chảy qua là sông Thương, sông Lục Nam và sông Cầu với tổng chiều dài hơn 350 km. Toàn tỉnh có hàng nghìn tàu, thuyền đang hoạt động, đóng góp không nhỏ vào vận chuyển người, hàng hóa, phát triển KT-XH. Tuy nhiên tiềm năng, lợi thế lớn của vận tải đường thủy chưa được phát huy, hệ thống cảng, bến bãi còn nhiều bất cập.

Nhiều lợi thế

Vận tải đường thủy, cụ thể là vận tải đường sông đối với tỉnh Bắc Giang có nhiều ưu điểm, trước hết là cho phép vận chuyển hàng hóa với khối lượng, tải trọng, kích thước lớn, bên cạnh đó có lợi thế cạnh tranh do tiết kiệm nhiên liệu, chi phí, cước phí thấp. Do vậy ngày càng có nhiều doanh nghiệp (DN), cá nhân lựa chọn hình thức vận tải này, nhất là các ngành nghề liên quan đến công nghiệp, vật liệu xây dựng…

{keywords}

Cảng bốc xếp nguyên vật liệu và sản phẩm của Công ty TNHH Gạch ngói Trí Yên (Yên Dũng).

Tìm hiểu tại Công ty TNHH Gạch ngói Trí Yên (Yên Dũng) được biết, ngay từ khi xúc tiến đầu tư nhà máy sản xuất gạch ngói, DN đã tiến hành song song với việc xây dựng bến bốc xếp hàng hóa phục vụ vận chuyển nguyên, vật liệu, sản phẩm trên sông Thương. Anh Trần Thế Tùng, Giám đốc điều hành Công ty thông tin, DN đầu tư hơn 230 tỷ đồng xây dựng nhà máy với công suất hiện nay đạt 4 triệu viên/tháng, sản phẩm được tiêu thụ khá thuận lợi trên địa bàn tỉnh và nhiều tỉnh, TP khác như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Hải Dương… Thấy được ưu điểm của vận tải đường thủy, Công ty dành hơn 40 tỷ đồng xây dựng bến bốc xếp hàng hóa. Thực tế có đến 60-70% nguyên liệu đầu vào là đất, than và khoảng đó lượng sản phẩm xuất bán được vận chuyển qua đường sông. Năng lực của cả bến bốc nguyên liệu và bến xuống hàng đạt 400 tấn/ngày, qua đó tiết kiệm đáng kể chi phí, mang lại lợi nhuận và thuận tiện trong khâu vận chuyển cho DN.

Nhằm khai thác lợi thế vận chuyển hàng hóa trên sông Thương, Công ty TNHH Thương mại Công Minh đang đầu tư xây dựng Cảng thủy nội địa Đồng Sơn (TP Bắc Giang). Trước đó, Bộ Giao thông- Vận tải (GTVT) đã có văn bản đồng ý bổ sung cảng này vào quy hoạch chi tiết hệ thống cảng đường thủy nội địa quốc gia. Cảng thủy nội địa Đồng Sơn có vị trí tại Km 29+375 đến Km 29+655 bên bờ phải sông Thương thuộc xã Đồng Sơn. Về công năng là cảng hàng hóa tổng hợp với quy mô cảng loại III; cỡ tàu khai thác có trọng tải đến 1.000 tấn; năng lực thông qua từ 0,6 - 0,8 triệu tấn/năm.

Ngoài ra, trên sông Lục Nam và sông Cầu cũng đang hình thành nhiều cảng có quy mô lớn như Cảng nội địa Mỹ An (Lục Ngạn) vận chuyển các loại lâm sản, khoáng sản; cảng bốc xếp hàng hóa, container, trung chuyển xăng dầu khu vực các xã Quang Châu, Tiên Sơn, Vân Trung (Việt Yên)…

Theo Sở GTVT, trên địa bàn tỉnh hiện có gần 1,5 nghìn tàu, thuyền chở hàng và khoảng 60 phương tiện chở khách ngang sông hoạt động tại các bến đò. Việc các DN, cá nhân ngày càng dồn nhiều nguồn lực vào xây dựng bến cảng, đóng mới tàu thuyền, cá biệt có nhiều phương tiện vận tải lớn, có thể hoạt động pha sông biển, cho thấy xu hướng phát triển mạnh mẽ, sự chuyển dịch về phương thức vận chuyển từ đường bộ sang đường thủy. Với hệ thống sông hiện có, điều kiện tự nhiên thuận lợi, Bắc Giang có nhiều tiềm năng để phát triển mạnh mẽ GTVT đường thủy.

Tập trung quy hoạch để khai thác hiệu quả

Tuy có nhiều lợi thế nhưng GTVT đường thủy vẫn chưa khai thác hiệu quả. Đại diện lãnh đạo Sở GTVT trao đổi, trong tổng số hơn 350 km của ba tuyến sông chỉ có hơn 220 km được khai thác. Hơn 130 km còn lại trên các sông có nhiều bãi cạn, ghềnh đá, mùa khô lòng sông hẹp, mực nước thấp; đến mùa mưa lũ nước chảy xiết, không thể xây dựng bến, cảng, mở tuyến khai thác phục vụ GTVT đường thủy nội địa.

Quy hoạch chi tiết hệ thống cảng đường thủy nội địa khu vực phía Bắc đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của Bộ GTVT cho thấy, trên địa bàn tỉnh có nhiều cảng lớn như Cảng Á Lữ (TP Bắc Giang) công suất 600 nghìn tấn/năm, cảng xăng dầu Hà Bắc, cảng Nhà máy Đạm Hà Bắc, cảng Nhà máy nhiệt điện An Khánh, xã Vũ Xá (Lục Nam) đều có công suất 400 nghìn tấn/năm… Hiện các đơn vị đã đầu tư mở rộng, nâng cao năng lực vận chuyển hàng hóa qua cảng.

Về phía quản lý nhà nước, hiện tỉnh chưa có quy hoạch chi tiết phát triển GTVT đường thủy nội địa, do vậy trong triển khai thực hiện còn lúng túng, thiếu định hướng và bố trí nguồn lực đối với lĩnh vực này.

Một khó khăn khác nhiều chủ đầu tư xây dựng cảng đường thủy nội địa phản ánh là vận tải đường thủy nội địa hiện phải chịu sự cạnh tranh quyết liệt của vận tải đường bộ với ưu thế nhanh, đến trực tiếp nhiều địa phương xa nguồn hàng, không phải chuyển đổi phương thức vận chuyển. Nhiều bến hàng hóa, cảng chưa thể cấp hoặc cấp lại giấy phép hoạt động do chưa có quyết định đầu tư hoặc giấy tờ xác nhận quyền sử dụng đất, quá trình thực hiện thủ tục thuê đất chậm, vướng nhiều thủ tục…

Để giải quyết, theo ông Hoàng Văn Thanh, Phó Giám đốc Sở GTVT, Sở đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ giao đất đối với các dự án xây dựng bến thủy nội địa để chủ đầu tư thực hiện dự án, hoàn thiện các thủ tục để cấp giấy phép hoạt động bến thủy nội địa. Xem xét bố trí kinh phí để xây dựng quy hoạch phát triển hệ thống bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh trong năm nay, khắc phục thiếu sót trong công tác quản lý. Đồng thời đề nghị Bộ GTVT điều chỉnh cảng hàng hóa Á Lữ thành cảng hành khách và bổ sung 6 cảng đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh theo đề án phát triển cảng, bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2020-2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt.

ATGT đường thủy: Bắc Giang tập trung xử lý phương tiện không bảo đảm an toàn
(BGĐT) - So với nhiều địa phương khác, hoạt động giao thông đường thủy nội địa ở Bắc Giang bình lặng hơn. Tuy nhiên do lòng sông có nhiều tuyến nhỏ, hẹp, cong, cua, nước chảy xiết nên nguy cơ tai nạn luôn hiện hữu, nhất là trong mùa mưa bão.
Phê duyệt Đề án bảo đảm trật tự ATGT đường thủy nội địa
(BGĐT) - Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án “Các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa trong tình hình mới”.
Phòng Cảnh sát giao thông ký cam kết với chủ phương tiện đường thủy
(BGĐT) - Ngay sau khi Báo Bắc Giang đăng bài “Sông Thương lại “nóng” vì khai thác cát trái phép”, ngày 29-3, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) đã tổ chức ký cam kết với các chủ phương tiện đường thủy. 

Quốc Phương


Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...