Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 36 °C / 27 - 39 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Hiệp Hòa: Khắc phục hạn chế, khống chế dịch bệnh

Cập nhật: 10:27 ngày 19/04/2019
(GBĐT) - Sau gần một tháng huyện Hiệp Hòa phát hiện và công bố có bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) tại thôn Ngọc Cốc và Ngọc Lâm, xã Hoàng Thanh, đến nay, dịch bệnh đã lan ra toàn huyện. Mặc dù huyện Hiệp Hòa đã nỗ lực trong công tác phòng, chống và dập dịch nhưng vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục.
Chống dịch kiểu “xôi đỗ”

Gia đình ông Ngọ Văn An, thôn Bái Thượng, xã Đoan Bái (Hiệp Hòa) chăn nuôi lợn từ nhiều năm nay. Mỗi năm nuôi từ 200 đến 250 con lợn thịt. Hiện trong chuồng nhà ông có 120 con lợn thương phẩm sắp đến kỳ xuất bán. Mặc dù trong thôn đã có hàng trăm lợn bị mắc bệnh DTLCP phải tiêu hủy nhưng do ông tích cực rắc vôi bột, phun hóa chất, cách ly không để người lạ ra vào khu vực chăn nuôi nên đàn lợn của ông An vẫn được bảo vệ tốt. 

Cùng với hộ ông An, hiện các trang trại chăn nuôi tập trung trên địa bàn Hiệp Hòa, đàn lợn không có biểu hiện mắc bệnh dịch.

{keywords}

Đoàn công tác của BCĐ tỉnh và huyện Hiệp Hòa do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái dẫn đầu kiểm tra tình hình phòng, chống bệnh DTLCP tại hộ ông Ngọ Văn An.

Tuy nhiên không phải hộ chăn nuôi nào tại Hiệp Hòa cũng thực hiện nghiêm việc phòng, chống bệnh DTLCP như hộ ông An và các trang trại. Hộ ông Nguyễn Ngọc Dương, thôn Nga Trại, xã Hương Lâm vừa chăn nuôi vừa thu mua, cung ứng con giống lợn. Hộ này vừa có 60 con lợn bị chết rải rác, nghi mắc bệnh DTLCP nhưng việc xử lý ổ bệnh chưa được quan tâm (phun hóa chất, rắc vôi bột tiêu độc, khử trùng không đúng cách), nguy cơ phát tán mầm bệnh rất lớn. “Gia đình tôi không nắm được thông tin nên chưa ký cam kết phòng, chống bệnh DTCP. Lợn con chết chúng tôi tự đem chôn hủy bình thường, chỉ khi đàn lợn thịt mắc bệnh không tự xử lý được tôi mới báo cán bộ thú y xã”, ông Dương nói. 

Đáng tiếc là cán bộ thú y, chính quyền xã Hương Lâm còn xao nhãng trong quá trình chỉ đạo ngăn chặn, dập dịch. Khi đoàn công tác của Ban chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống bệnh dịch động vật tỉnh về kiểm tra (ngày 17-4), ông chủ tịch xã này và cán bộ thú y xã không nắm được tình hình, diễn biến dịch bệnh trên địa bàn, để người dân tự chôn hủy, vứt xác lợn bừa bãi.

{keywords}

Khu chuồng nuôi của hộ ông Nguyễn Ngọc Dương (ảnh) không được rắc vôi bột, vệ sinh tiêu độc, khử trùng đúng cách.

Không chỉ Hương Lâm, nhiều xã như Hoàng Thanh, Hoàng Lương, Đông Lỗ, Châu Minh… khi chôn hủy lợn vẫn chưa bảo đảm quy trình kỹ thuật gây ô nhiễm môi trường, phải xử lý lại. Thậm chí tại Đông Lỗ, khi lợn chết không có cán bộ xã, thú y cơ sở xuống xem xét, kiểm đếm, hướng dẫn cách chôn hủy… 

Đến ngày 18-4, xã Thường Thắng được coi là thực hiện phòng, chống dịch hiệu quả nhất cũng đã có 3 con lợn của hộ ông Nguyễn Văn Hoan và Lê Văn Cường, cùng thôn Tiến Bộ chết, nghi mắc bệnh DTLCP. 

Theo thống kê, đến hết ngày 18-4, toàn huyện Hiệp Hòa đã có hơn 3,2 nghìn lợn chết do mắc bệnh DTLCP, tai xanh và lở mồm long móng, thiệt hại hơn 7 tỷ đồng. Đáng lo ngại là dịch bệnh chưa ngừng lan rộng, uy hiếp đến các huyện Tân Yên, Việt Yên… là các vùng chăn nuôi trọng điểm của tỉnh. 

{keywords}

Một điểm chôn xác lợn mắc dịch tại thôn An Ninh, xã Hoàng Lương ngay cạnh mương nước và đường liên xã nối Hoàng Lương với Hoàng Thanh.

Tăng cường biện pháp dập dịch

     Chi cục Chăn nuôi và thú y, (Sở Nông nghiệp và PTNT) vừa phát 10 nghìn tờ rơi tuyên truyền về phòng, chống bệnh DTLCP cho các địa phương, trong đó, chủ yếu là huyện Hiệp Hòa. 
     Huyện thành lập 5 Đoàn, Tổ kiểm tra liên ngành, kiểm tra phòng, chống bệnh DTLCP; 15 chốt kiểm soát vận chuyển động vật; mua và được cấp 7.260 lít hóa chất, 125 tấn vôi bột tiêu độc, khử trùng.

Được biết, trước và khi có dịch, Hiệp Hòa đã triển khai và thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh DTLCP nhưng không đạt hiệu quả. Ông Ngô Tiến Dũng, Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa thừa nhận, nguyên nhân chính gây nên thực trạng chống dịch kiểu “xôi đỗ” trên là do BCĐ huyện, xã chưa thực sự quyết liệt trong triển khai, đôn đốc phòng, chống dịch, có biểu hiện chùng lại; năng lực đội ngũ cán bộ thú y yếu; công tác tuyên truyền chưa sâu sát khiến nhiều hộ chăn nuôi, người dân thiếu thông tin về bệnh DTLCP và các biện pháp phòng, chống. 

Tại buổi làm việc với Đoàn kiểm tra của BCĐ phòng, chống bệnh dịch động vật tỉnh ngày 17-4, ông Dũng khẳng định: “Chúng tôi sẽ thực hiện lại từ đầu quy trình phòng, chống dịch để dập tắt, hạn chế thấp nhất thiệt hại do bệnh DTLCP gây ra”. 

{keywords}

Phun thuốc khử trùng xe ra vào địa bàn tại chốt kiểm soát vận chuyển động vật thôn Hoàng Lại, xã Thanh Vân.

Ngay chiều 18-4, UBND huyện Hiệp Hòa đã tổ chức tập huấn về cách nhận biết, phòng, chống bệnh DTLCP cho các đối tượng là thành viên BCĐ, tổ công tác liên ngành phòng, chống bệnh DTLCP, Lãnh đạo UBND, trưởng thôn, cán bộ thú y các xã, thị trấn trong huyện. Đồng thời phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng kế hoạch chi tiết thời gian cao điểm dập dịch từ nay đến hết tháng Tư. Cụ thể, tổ chức vệ sinh tiêu độc, khử trùng địa bàn toàn huyện, trọng tâm dập dịch tại xã Hương Lâm, Châu Minh và Mai Đình; giao nhiệm vụ, nội dung công việc cụ thể, phân rõ trách nhiệm cho từng thành viên BCĐ huyện, xã.  

Ông Dũng cho biết, thời gian tới Hiệp Hòa tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Đặc biệt, yêu cầu lãnh đạo các xã, thôn, cán bộ thú y bám sát cơ sở, rà soát lại, tuyên truyền, ký cam kết với từng hộ chăn nuôi thực hiện các biện pháp phòng, chống, dập dịch; thường xuyên cập nhật diễn biến tình hình đàn lợn trên địa bàn để kịp thời xử lý; xem xét tiêu hủy đối với số lợn ốm không rõ nguyên nhân để ngăn chặn tối đa sự lây lan mầm bệnh; thực hiện nghiêm quy định về tiêu hủy lợn ốm, chết tránh lợi dung chính sách hỗ trợ; hướng dẫn người chăn nuôi tiêu thụ khi lợn đến tuổi xuất bán, không tái đàn trên địa bàn khi chưa công bố hết dịch; tiếp tục yêu cầu những đơn vị có bếp ăn tập thể, cửa hàng kinh doanh, dịch vụ ăn uống ký cam kết không sử dụng sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch; tăng cường hoạt động của các chốt kiểm soát động vật trong huyện, ngăn chặn lợn không rõ nguồn gốc ra, vào địa bàn.

{keywords}

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT kiểm tra hoạt động tại chốt kiểm soát vận chuyển động vật của huyện Hiệp Hòa trên QL37, xã Thanh Vân.

Ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Phó BCĐ phòng chống bệnh dịch động vật tỉnh cho biết, Sở vừa cấp bổ sung 3 nghìn lít hóa chất cho Hiệp Hòa để tiêu độc, khử trùng, tăng cường thêm một lãnh đạo Sở xuống giúp Hiệp Hòa dập dịch. “Hiệp Hòa cần chủ động lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện bệnh dịch để cơ quan chức năng sớm có biện pháp xử lý. Đồng thời, huyện cần chủ động tiêm phòng vắc xin cho đàn lợn để phòng, chống các bệnh dịch khác”, ông Tùng khuyến nghị. 

Thế Đại
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...