Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 27 °C / 27 - 40 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Thu hút đầu tư 2018: Hiệu quả từ các dự án lớn

Cập nhật: 07:00 ngày 29/12/2018
(BGĐT) - Không thu hút đầu tư theo số lượng, thay vào đó là sự chọn lựa kỹ lưỡng chất lượng các dự án dựa trên tiêu chí về môi trường, công nghệ cao và khả năng đóng góp thiết thực vào sự phát triển bền vững của xã hội. Đây là bước chuyển rõ nét trong thu hút đầu tư của tỉnh Bắc Giang trong năm qua.

Mở rộng sản xuất, tăng vốn đầu tư

Vào những ngày này, khi năm 2018 sắp qua đi, cán bộ, nhân viên Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng nước DNP- Bắc Giang điểm lại chặng đường khởi động dự án xây dựng Nhà máy nước sạch DNP- Bắc Giang. Gian nan có nhưng thành công cũng được khẳng định với những con số ấn tượng so với các dự án đầu tư của công ty từ trước đến nay. Đó là xây lắp đường ống dẫn nước dài nhất, gần 40 km; thi công trong điều kiện tự nhiên khó khăn, phức tạp nhất; thời gian làm các thủ tục đầu tư cũng như thi công xây dựng ngắn nhất. Theo ông Vũ Đình Độ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn DNP CORP (Công ty mẹ của Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng nước DNP- Bắc Giang), đạt được kết quả trên, phần lớn có sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; sự vào cuộc tích cực của các ngành liên quan và chính quyền các địa phương có tuyến đường ống đi qua.

{keywords}

Nhà máy nước sạch DNP- Bắc Giang. Ảnh: Thành Đạt.

Ngược dòng thời gian, ngày 11-1-2017, Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng nước DNP- Bắc Giang được UBND tỉnh phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư xây dựng Nhà máy nước sạch DNP- Bắc Giang; nguồn nước lấy từ hồ Cấm Sơn (Lục Ngạn) để cung cấp cho cư dân TP Bắc Giang và một số vùng lân cận, tổng kinh phí đầu tư hơn 1 nghìn tỷ đồng. Sau gần 2 năm vừa hoàn thiện các thủ tục đầu tư, vừa triển khai thi công, đến ngày 18-8-2018, Nhà máy nước sạch DNP-Bắc Giang khánh thành. Hiện nay, giai đoạn 2 của dự án đang được nhà đầu tư khẩn trương triển khai, với số vốn hàng trăm tỷ đồng nhằm tiếp tục cung cấp nước sinh hoạt cho cư dân trên địa bàn huyện Lạng Giang.

Việc tỉnh quyết định dừng triển khai hợp đồng vay vốn từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đầu tư cho dự án xây dựng Nhà máy nước số 2 TP Bắc Giang để chuyển sang hình thức kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa xây dựng Nhà máy nước sạch DNP-Bắc Giang là rất hợp lý. Bởi qua đây không chỉ giúp tỉnh giảm áp lực do dùng vốn ngân sách, vốn vay nước ngoài mà còn giúp người dân được sử dụng nguồn nước sạch, bảo đảm chất lượng lấy từ thượng nguồn, giảm thiểu rủi ro ô nhiễm nguồn nước.

Cũng như Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng nước DNP- Bắc Giang, do sản xuất thuận lợi, tăng trưởng cao, đầu năm 2018, Công ty TNHH Vina Cell Technology (100% vốn đầu tư nước ngoài) tại khu công nghiệp Vân Trung (Việt Yên) tiếp tục điều chỉnh tăng quy mô, diện tích và tổng vốn đầu tư vào dự án xây dựng Nhà máy Sản xuất tấm tế bào quang điện Vina Cell Technology. Theo đó, vốn đầu tư tăng thêm 100 triệu USD, nâng tổng vốn đầu tư của dự án lên hơn 183 triệu USD. Năm qua, Công ty đã sản xuất khoảng 357 triệu tấm pin năng lượng mặt trời, tương đương với khoảng 1.500 MW. Khi tăng vốn, sản lượng của Công ty dự kiến sẽ tăng thêm 600 MW/năm.

Có thể nói, trong năm nay, nhiều dự án đầu tư đi vào hoạt động, mở rộng sản xuất kinh doanh đã phát huy hiệu quả góp phần đưa chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của tỉnh năm 2018 bằng 131,5% so với năm 2017; trong đó ngành công nghiệp chế biến chế tạo bằng 135%, ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước bằng 132%, ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải bằng 110%, khai khoáng bằng 113%... Một số doanh nghiệp có giá trị sản xuất lớn và tăng trưởng khá như: Công ty Fuhong đạt hơn 29 nghìn tỷ đồng, tăng 31,8%, Công ty Hosiden Việt Nam đạt 13,6 nghìn tỷ đồng, tăng 35,3%, Công ty Si Flex đạt hơn 18 nghìn tỷ đồng, tăng 41,3%, Công ty Vina Solar đạt 7,5 nghìn tỷ đồng, tăng 36,1%; Công ty New Wing đạt 16,3 nghìn tỷ đồng, tăng 56,2% so với cùng kỳ năm ngoái...

{keywords}

Đường cao tốc Hà Nội - Bắc Giang đi qua địa bàn tỉnh tạo điều kiện thu hút đầu tư. Ảnh: Việt Hưng

Coi trọng chất lượng

{keywords}

"Mặc dù số dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư có giảm hơn so với năm 2017 nhưng chúng ta vẫn nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước về số dự án và số vốn thu hút đầu tư mới. Trong đó, vốn thực hiện các dự án FDI đạt 558 triệu USD, tăng 8,6% so cùng kỳ năm trước"


Ông Nguyễn Cường, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT.

Nhiều dự án quy mô lớn đi vào hoạt động hiệu quả đã khẳng định hướng đi đúng trong chủ trương thu hút đầu tư của tỉnh thời gian gần đây. Đó là việc xét duyệt chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án phải được tính toán kỹ lưỡng, thận trọng, trong đó có tính đến yếu tố hàm lượng công nghệ cao, bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường, có nhiều đóng góp cho sự phát triển chung của tỉnh. Ông Vũ Văn Cường, Trưởng Phòng Kinh tế đối ngoại (Sở Kế hoạch và Đầu tư - KH&ĐT) cho biết, từ đầu năm đến nay, số hồ sơ dự án đăng ký đầu tư trên địa bàn tỉnh tương đương như năm trước, khoảng 1 nghìn trường hợp. Qua xem xét, cơ quan chức năng đã tham mưu đề xuất UBND tỉnh không chấp thuận đầu tư nhiều dự án. Đơn cử như, dự án “Xây dựng Nhà máy sản xuất sản phẩm từ plastic” của Công ty TNHH Sơn Đông Bắc Giang; địa điểm dự kiến đầu tư tại cụm công nghiệp Cầu Gồ, xã Đồng Tâm (Yên Thế). Nguyên nhân không được chấp thuận đầu tư là do dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, không phù hợp với định hướng, chủ trương thu hút đầu tư của tỉnh. Hay như dự án “Xây dựng Nhà máy sản xuất thùng carton” của Công ty TNHH Bao bì TTTK, dự kiến đầu tư tại thôn Dĩnh Sơn và Sơn Hải, xã Trung Sơn (Việt Yên) do dự án xin đầu tư ở ngoài khu, cụm công nghiệp…

Năm 2018, một mặt yêu cầu khắt khe trong xem xét phê duyệt dự án chấp thuận đầu tư, mặt khác, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Trong đó có việc triển khai thành công hội nghị xúc tiến đầu tư phát triển du lịch năm 2018; Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; tổ chức rà soát, đánh giá tổng thể, toàn diện về các dự án đã đi vào hoạt động trên địa bàn, đồng thời triển khai xây dựng đề án nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư của tỉnh. Đặc biệt, tỉnh đã làm việc và tạo điều kiện cho các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong, ngoài nước đến tìm hiểu, khảo sát tìm kiếm cơ hội đầu tư, như Tập đoàn FLC, Vinfast, Samsung và nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia… Đáng chú ý là dự án của Tập đoàn FLC với gần 14 nghìn tỷ đồng đầu tư vào khu vực hồ Khuôn Thần (Lục Ngạn), quy mô dự kiến 497,29 ha, được thiết kế với hệ thống sân golf, khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng… Hiện nay, UBND tỉnh đang phối hợp với Tập đoàn FLC tiến hành các thủ tục cần thiết.

Theo Sở KH&ĐT, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã cấp mới và điều chỉnh cho hơn 200 dự án đầu tư, tổng số vốn đăng ký quy đổi đạt 627 triệu USD. Trong đó có 117 dự án đầu tư trong nước; hơn 100 dự án đầu tư nước ngoài (FDI). “Điểm mới trong thu hút dự án đầu tư năm nay là nhiều dự án xin điều chỉnh bổ sung vốn đầu tư, nhất là các dự án FDI. Điều này chứng tỏ môi trường đầu tư của Bắc Giang tốt, các nhà đầu tư tiếp tục dồn nguồn lực mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh”, ông Nguyễn Cường, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT nói. Tuy nhiên, theo ông Cường, việc thu hút các dự án đầu tư mới chỉ tập trung vào lĩnh vực công nghiệp; còn các lĩnh vực khác như dịch vụ, du lịch và nông nghiệp còn ở mức khiêm tốn. Nhiều tỉnh, TP trên cả nước đang triển khai mạnh mẽ những cơ chế, chính sách nhằm thu hút nhà đầu tư. Trong khi đó, diện tích các khu, cụm công nghiệp có hạ tầng đầy đủ tại Bắc Giang còn ít; nhà đầu tư còn gặp khó khăn về thủ tục hành chính…

Khép lại năm 2018, Bắc Giang nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước về số dự án và số vốn thu hút đầu tư mới. Riêng vốn thực hiện các dự án FDI đạt 558 triệu USD, tăng 8,6% so cùng kỳ năm trước. Đây là bước chuyển mới về chất trong thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh, hứa hẹn nhiều cơ hội mới cho phát triển KT-XH của tỉnh trong năm 2019 và những năm tiếp theo khi mà chúng ta tiếp tục quan tâm làm tốt công tác cải cách thủ tục hành chính và hoàn thiện cơ sở hạ tầng liên quan.

Yên Dũng: 13 dự án được chấp thuận đầu tư
(BGĐT) - Với chủ trương khuyến khích, tạo điều kiện thu hút mạnh mẽ các dự án đầu tư vào địa bàn, năm 2018, đã có 13 dự án được chấp thuận đầu tư vào huyện Yên Dũng với tổng diện tích đất 71,45 ha và tổng vốn đăng ký là 544,7 tỷ đồng. 
 
Bàn giao công trình nước sạch cho doanh nghiệp: Tăng hiệu quả vốn đầu tư
(BGĐT) -  Trước thực trạng trên địa bàn có nhiều công trình cấp nước sinh hoạt dở dang, bỏ không hoặc “đắp chiếu”, tỉnh Bắc Giang đã thu hút, kêu gọi doanh nghiệp (DN) có tiềm lực vào đầu tư, khai thác. Nhờ vậy, nhiều công trình đã phát huy hiệu quả, có nguồn nước bảo đảm phục vụ cuộc sống người dân.
 
Huy động các nguồn lực đầu tư cho nông thôn
(BGĐT)- Từ khi bắt tay vào thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Việt Yên (Bắc Giang) đã tập trung huy động các nguồn lực, thu hút đầu tư cho công tác này. Kết quả, trong giai đoạn từ năm 2011 đến nay đã có gần 3 nghìn tỷ đồng dành cho xây dựng NTM, làm thay đổi toàn diện bộ mặt nông thôn, góp phần quan trọng để huyện về đích.
 

Đỗ Thành Nam

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...