Thứ bảy, 04/05/2024
Bắc giang 25 °C / 25 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Tư vấn phản biện đề án “Đổi mới mô hình phát triển kinh tế tỉnh Bắc Giang đến năm 2030”

Cập nhật: 14:52 ngày 15/11/2018
(BGĐT)- Ngày 15-11, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh tổ chức hội nghị tư vấn phản biện Đề án “Đổi mới mô hình phát triển kinh tế tỉnh Bắc Giang đến năm 2030” do Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì soạn thảo. Tham dự có các giáo sư, nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài tỉnh. 
{keywords}

Thành viên tổ tư vấn phản biện phát biểu ý kiến tại hội nghị.

Mục tiêu đề án nhằm đánh giá thực trạng mô hình phát triển kinh tế tập thể của Bắc Giang giai đoạn 2011-2017 trên các vấn đề về tăng trưởng, cơ cấu, thể chế kinh tế và chất lượng cuộc sống; các yếu tố tác động đến mô hình phát triển kinh tế ở Bắc Giang. Dự báo xu hướng phát triển trong tương lai có tác động đến sự phát triển kinh tế của tỉnh và đề xuất các nhóm giải pháp đến năm 2030. 

Trên cơ sở nghiên cứu dự thảo, các thành viên tổ tư vấn, phản biện cho biết: Tên đề án chưa sát với mục tiêu, nội dung và giải pháp thực hiện; nội dung không thống nhất với khung tiếp cận nghiên cứu và đánh giá về mô hình phát triển kinh tế theo góc độ tại địa phương. Các số liệu dẫn chứng về sự phát triển KT-XH của tỉnh như: Tổng đàn vật nuôi, thu hút đầu tư, an ninh chính trị, số lượng lao động trong các lĩnh vực… cao hơn so với thực tế. Phần bài học kinh nghiệm cần bổ sung thêm việc đúc kết những thành công và thất bại của những địa phương đi trước để học tập, có giải pháp phù hợp. 

PGS. TS Dương Văn Sao, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Công đoàn (Hà Nội) đánh giá: “Đề án nêu phần nguyên nhân của những hạn chế rất sơ sài, thiếu tính khoa học. Sở Kế hoạch và Đầu tư cần tập trung làm rõ hơn nguyên nhân chủ quan, khách quan từ đó đề xuất ra giải pháp sát thực tiễn... Việc lựa chọn tỉnh Bắc Ninh và Quảng Ninh làm hai mô hình điểm để rút ra định hướng, giải pháp phát triển cho mô hình kinh tế của tỉnh Bắc Giang là chưa phù hợp bởi không có sự đồng nhất về điều kiện tự nhiên, KT-XH”. 

Một số ý kiến cũng cho rằng, 10 giải pháp đề án nêu ra khá dài nhưng lại thiếu tính thực tiễn. Để thực hiện hiệu quả đề án, đơn vị chủ trì cần chia rõ lộ trình theo giai đoạn từ nay đến 2025 và 2025-2030 nhằm cụ thể hóa các chính sách về thu hút đầu tư, tháo gỡ khó khăn, huy động vốn, đào tạo phát triển nguồn nhân lực…

Sau khi lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp của các thành viên, ông Nguyễn Văn Thi, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu các ý kiến đóng góp, chỉnh sửa hoàn thiện dự thảo trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.   

Hoàng Phương


Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...