Thứ năm, 02/05/2024
Bắc giang 23 °C / 23 - 30 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Trồng rừng thất thu vì cây giống kém chất lượng

Cập nhật: 11:12 ngày 11/10/2018
(BGĐT) - Những năm gần đây, phong trào trồng rừng kinh tế trong tỉnh Bắc Giang phát triển mạnh. Nhu cầu sử dụng giống cây lâm nghiệp tăng cao. Một số hộ đã mua phải giống cây kém chất lượng dẫn tới thiệt hại cho sản xuất.

Mất công trồng rồi... bỏ

Ông Bế Mạnh Hùng, dân tộc Tày, hiện là Trưởng thôn Cổng Xanh, xã Nghĩa Phương (Lục Nam). Gia đình ông có 5 ha đất rừng. Năm 2011, ông đến huyện Lạng Giang mua gần 1 vạn cây giống bạch đàn về trồng. Do lô giống không bảo đảm chất lượng, cây còi cọc nên sau ba năm ông phải chặt bỏ. 

{keywords}

Vì sử dụng giống kém chất lượng, ông Bế Mạnh Hùng, thôn Cổng Xanh,

xã Nghĩa Phương vừa phá bỏ 5 ha rừng hơn 3 năm tuổi để trồng lại.

Đến năm 2014, ông sang tận huyện Yên Thế mua cây giống để trồng lại, tiện thể mua hộ cho các ông Hoàng Văn Chức, Bế Văn Bút và Trần Văn Lý cùng thôn, tổng số gần 2 vạn cây bạch đàn. Sau mấy năm chăm sóc, những khoảnh rừng bạch đàn vẫn lưa thưa, cây khẳng khiu, chậm phát triển. Dù rất tiếc công nhưng cuối năm 2017 và đầu năm 2018, cả 4 gia đình ở thôn Cổng Xanh đồng loạt phải phá bỏ gần chục ha. “Nếu chỉ tính giá 70 triệu đồng/ha khi thu hoạch thì 4 gia đình chúng tôi đã thiệt hại xấp xỉ 700 triệu đồng mà không biết kêu ai. Bởi lẽ, cây thu được chỉ để làm cọc hay củi đốt”, ông Hùng buồn bã nói.

Cũng giống như gia đình ông Hùng, đầu năm 2018, hộ bà Phạm Thị Hậu, thôn Hố Luồng, xã Tiến Thắng (Yên Thế) phá bỏ hơn 1,5 ha bạch đàn kém chất lượng chuyển sang trồng bằng giống keo lai BV10.

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 195 hộ gia đình, doanh nghiệp sản xuất và cung ứng cây giống lâm nghiệp. Mỗi năm, các cơ sở đưa ra thị trường hơn 25 triệu cây giống. Các loài cây chủ yếu là keo tai tượng ươm từ hạt, keo lai hom; bạch đàn lai; thông và cây bản địa. 

Ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: "Toàn tỉnh chỉ có 16 cơ sở đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp. Khoảng 22 triệu cây giống kiểm soát được còn lại hơn 3 triệu cây không rõ nguồn gốc. Như vậy mỗi năm sẽ có khoảng 1,7 nghìn ha rừng trồng mà không biết kết quả ra sao". Để kiểm chứng hiệu quả của một giống cây lâm nghiệp phải trải qua thời gian ba năm trở lên, thậm chí có loại hàng chục năm. Trồng phải cây giống kém chất lượng gây lãng phí đất, thiệt hại kinh tế cho người dân.

Nâng trách nhiệm của chính quyền sở tại

Huyện Yên Thế có 140 cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp, tập trung ở thị trấn Bố Hạ và xã Bố Hạ. Từ đầu năm đến nay, Hạt Kiểm lâm huyện Yên Thế đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn kiểm tra 63 hộ sản xuất cây giống trên địa bàn. Qua đó phát hiện 63/63 hộ không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh giống cây lâm nghiệp, không cắm biển ghi tên loài cây tại khu vực gieo ươm, vật liệu giống đưa vào sản xuất không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 195 hộ gia đình, doanh nghiệp sản xuất và cung ứng cây giống lâm nghiệp. Mỗi năm, các cơ sở đưa ra thị trường hơn 25 triệu cây giống.

Một số công ty, doanh nghiệp tư nhân như: Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Hưng Thịnh (Yên Thế); Doanh nghiệp tư nhân Qúy Thế và Nga Họa (Sơn Động) khi được kiểm tra, mặc dù có giấy chứng nhận hoạt động sản xuất, kinh doanh song vẫn còn những vi phạm khác.

Sau khi phát hiện vi phạm, đoàn kiểm tra đã lập biên bản, yêu cầu cơ sở vi phạm khắc phục, bổ sung đầy đủ về điều kiện vật chất vườn ươm và các hồ sơ, tài liệu liên quan còn thiếu. Vậy nhưng chưa cơ sở nào bị xử phạt. Nhiều chủ hộ, doanh nghiệp không hợp tác, khắc phục vi phạm. Theo bà Tăng Thị Ngoạn, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Bố Hạ, sở dĩ không xử phạt được là do hầu hết các hộ sản xuất cây giống đều viện cớ là quy mô vườn gieo ươm nhỏ lẻ vài vạn cây/năm, lợi nhuận thấp.

Theo Hạt Kiểm lâm huyện Yên Thế, đơn vị đã tham mưu, đề nghị xử lý một số trường hợp vi phạm song điều này không đồng quan điểm với UBND huyện và UBND các xã, thị trấn. Chính quyền địa phương chỉ ủng hộ việc tuyên truyền, nhắc nhở là chính. “Nếu không xử phạt nghiêm, cho dù hàng năm Hạt Kiểm lâm huyện có tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền về quản lý giống cây lâm nghiệp cho các chủ cơ sở sản xuất cây giống thì hành vi vi phạm vẫn diễn ra”, ông Nguyễn Văn Thành, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Yên Thế nói.

Có ý kiến đề xuất: Việc kiểm tra, xử phạt trong sản xuất và cung ứng giống cây lâm nghiệp nên giao cho ngành lâm nghiệp bởi cơ quan này có trọng trách chính trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Tuy nhiên, Quyết định số 85/2016/QĐ-UBND ngày 29-1-2016 của UBND tỉnh Quy định phân công, phân cấp kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và kiểm tra, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản... lại không quy định vị trí, vai trò của hạt kiểm lâm trong việc kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp ở địa phương. Ngay cả Nghị định số 31/2016/NĐ-CP của Chính phủ Quy định xử lý vi phạm trong lĩnh vực giống cây trồng... cũng không có chế tài mà Hạt Kiểm lâm được xử phạt. Chính vì vậy, các Hạt Kiểm lâm rất khó kiểm soát giống cây lâm nghiệp ở cơ sở.

Từ thực tế trên cho thấy, chính quyền cơ sở có vai trò quan trọng trong quản lý chất lượng giống cây lâm nghiệp tại địa bàn song đã không làm hết trách nhiệm; còn cả nể, xử lý thiếu kiên quyết. Để hoạt động sản xuất, cung ứng giống cây lâm nghiệp đi vào nền nếp, chính quyền địa phương cần nêu cao vai trò, trách nhiệm; xử phạt nghiêm vi phạm nhằm tăng sức răn đe. Cơ quan chức năng tham mưu, xem xét điều chỉnh một số quy định về quản lý giống cây lâm nghiệp sát với tình hình thực tế ở cơ sở, bảo đảm khả thi.

Tiến độ trồng rừng chậm so với kế hoạch
(BGĐT)- Theo kế hoạch, năm 2018, huyện Yên Dũng (Bắc Giang) phấn đấu trồng mới hơn 110 ha rừng (tăng 2,5 ha so với năm 2017) tại các xã: Yên Lư, Nội Hoàng, Tân Liễu, Tiền Phong với 68 hộ dân tham gia trồng, dự kiến hoàn thành ngày 30-5-2018.
 
Mùa trồng rừng năm 2018: Chọn giống rõ nguồn gốc
(BGĐT) - Ngay sau Tết Nguyên đán, khi mưa xuân bắt đầu xuất hiện cũng là thời điểm nông dân bước vào mùa trồng rừng mới. Bằng kinh nghiệm đã có, đa số các hộ lựa chọn những giống cây lâm nghiệp có năng suất, chất lượng cao.
 
Trồng rừng theo hộ gia đình cần chú trọng giống cây lâm nghiệp
Theo các chuyên gia trồng trọt, giống cây lâm nghiệp là một khâu quan trọng và có tính quyết định đến toàn bộ chuỗi sản xuất hàng hóa đối với ngành lâm nghiệp.
 

Thế Đại

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...