Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 31 °C / 28 - 40 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Lập lờ chất lượng thức ăn chăn nuôi

Cập nhật: 08:25 ngày 30/07/2018
(BGĐT) - Giá lợn hơi tăng, giá gia cầm ổn định đã khuyến khích người dân tăng đàn. Đây cũng là thời điểm thị trường thức ăn chăn nuôi khá sôi động song chất lượng hàng hóa lại khiến người tiêu dùng lo ngại.
{keywords}

Lực lượng chức năng kiểm tra hoạt động kinh doanh thức ăn chăn nuôi tại xã Ngọc Thiện (Tân Yên).

Phát hiện nhiều vi phạm

Theo cán bộ ngành nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi (TACN) chiếm khoảng 70% giá thành sản phẩm. Với đàn vật nuôi lớn, mỗi ngày nông dân trong tỉnh Bắc Giang sử dụng hàng chục tấn TACN. Đặc biệt, thời gian gần đây, mặt hàng này khá sôi động do nhu cầu vào đàn lợn mới tăng mạnh đã đẩy giá TACN nhích lên. Tính riêng từ tháng 4 đến nay, kể từ khi giá lợn hơi dần tăng, các hãng sản xuất TACN đều điều chỉnh tăng giá với mức bình quân khoảng 7-8 nghìn đồng/bao 20 kg.

Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, lực lượng chức năng của tỉnh đã lấy mẫu một số sản phẩm tại các đại lý, cửa hàng kinh doanh trên địa bàn gửi đơn vị chuyên môn phân tích chất lượng và phát hiện nhiều vi phạm. Cụ thể, thức ăn hỗn hợp cho lợn siêu nạc từ 15 - 30kg, mã 121S, ngày sản xuất 19-5-2018 của Công ty cổ phần Dinh dưỡng Quốc tế Việt Thái, thôn Lịm Xuyên, xã Song Khê (TP Bắc Giang) chỉ có hàm lượng protein 15,74 %, đạt 87% so với tiêu chuẩn công bố. 

Tương tự, Công ty TNHH Dinh dưỡng Quốc tế M-Tvina, phường Thị Cầu, TP Bắc Ninh (Bắc Ninh) có mẫu thức ăn hỗn hợp cao cấp cho gà lông màu từ 22 ngày tuổi đến xuất chuồng, mã DR 511, ngày sản xuất 19-5-2018 và thức ăn hỗn hợp cao cấp cho lợn siêu nạc từ 12-30 kg, mã DR 02S ngày sản xuất 19-5-2018 vi phạm về chất lượng.

Công ty cổ phần Tập đoàn dinh dưỡng Miền Bắc, thôn Đồng Phương, xã Ngọc Thiện, (Tân Yên) có lô thức ăn hỗn hợp dạng viên dùng cho gà từ 22 ngày tuổi đến xuất bán, mã MB-211, ngày sản xuất 18-5-2018 không bảo đảm hàm lượng protein như công bố trên bao bì. Trong đợt kiểm tra, đoàn phát hiện lô hàng mã AP-051S của Công ty Cổ phần nông sản thực phẩm An Phú, phường Ngô Quyền, TP Bắc Giang vi phạm chất lượng. 

Ông Vũ Đắc Biên, Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: “Làm việc với đoàn công tác, chủ cơ sở sản xuất đều lý giải là sơ suất không kiểm tra kỹ trước khi xuất xưởng và hứa nghiêm túc khắc phục. Tuy nhiên đoàn công tác vẫn chiểu theo Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản, lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, TACN, quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản để xử lý. Ngoài phạt tiền, chúng tôi yêu cầu các doanh nghiệp thu hồi tái chế toàn bộ sản phẩm và hoạt động này được giám sát chặt chẽ”.

Nghị định 64, ngày 7-5-2018 của Chính phủ quy định: Phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi vi phạm sản xuất, gia công sản phẩm TACN, thủy sản có hàm lượng định lượng mỗi chỉ tiêu chất lượng không phải chất chính thấp hơn mức tối thiểu hoặc cao hơn mức tối đa từ 5% đến dưới 15% so với tiêu chuẩn đã công bố hoặc ghi trên nhãn hàng hóa; phạt tiền từ 10-15 triệu đồng đối với hành vi vi phạm sản xuất, gia công sản phẩm TACN, thủy sản có hàm lượng định lượng mỗi chỉ tiêu chất lượng không phải chất chính thấp hơn mức tối thiểu hoặc cao hơn mức tối đa từ 15% đến dưới 30% so với tiêu chuẩn đã công bố hoặc ghi trên nhãn hàng hóa.

Xử lý nghiêm

Trên thực tế, số cửa hàng, đại lý kinh doanh TACN trên địa bàn tỉnh lên đến hàng nghìn đơn vị, nằm nhỏ lẻ, phân tán song việc kiểm tra, lấy mẫu phân tích gặp khó khăn. Do kinh phí hạn hẹp, lực lượng mỏng, đoàn kiểm tra chỉ có thể chọn lọc, lấy một số mẫu. Trong khi đó nông dân khó nhận biết sản phẩm không bảo đảm. Đây là yếu tố khiến người dân lo ngại, nguy cơ cao mua phải cám “rởm”.

Hơn chục năm nay, trang trại của gia đình ông Nguyễn Văn Được, thôn Khánh, xã Lương Phong (Hiệp Hòa) thường xuyên nuôi khoảng một nghìn con lợn thương phẩm theo phương pháp công nghiệp, mỗi ngày tiêu thụ gần 3 tấn cám. Ông Được cho biết, TACN nuôi ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả chăn nuôi. 

Theo ông Được, thức ăn kém chất lượng, đồng nghĩa thời gian nuôi kéo dài mà tỷ lệ thịt không đạt như thông thường trong khi vẫn phải bỏ ra khoản kinh phí để mua tương đương với sản phẩm đạt chuẩn. Như vậy, người chăn nuôi thiệt đơn, thiệt kép. “Tôi đề nghị cơ quan chức năng xử lý nghiêm đơn vị sản xuất, cung ứng sản phẩm không đúng với quy định, bảo đảm quyền lợi người dân”- ông Được nói.

Thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và PTNT), toàn tỉnh hiện có khoảng 13 triệu con gà, hơn một triệu con lợn và các loại gia súc khác; diện tích thủy sản thâm canh ngày càng tăng. Qua đây cho thấy, Bắc Giang là địa bàn “màu mỡ” để các hãng sản xuất TACN khai thác thị phần. 

Để lành mạnh thị trường TACN, đại diện Đoàn liên ngành kiểm tra chất lượng vật tư nông nghiệp tỉnh thông tin, thời gian tới, đoàn tiếp tục bám sát thị trường, tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm nếu phát hiện sai phạm; đồng thời công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.

Để hạn chế rủi ro, một số chủ trang trại đã liên kết trực tiếp với các hãng sản xuất TACN cung cấp đầu vào, bảo hành và cam kết thời điểm lợn được xuất chuồng mới hoàn tiền. Cơ quan chuyên môn khuyến cáo người chăn nuôi cần cảnh giác trước những chiêu trò quảng cáo, tiếp thị của một số cá nhân, chú ý tìm hiểu rõ sản phẩm trước khi dùng. Nếu phát hiện dấu hiệu bất thường cần báo ngay cho chính quyền địa phương, lực lượng chức năng để nắm bắt, xử lý.

Trường Sơn - Văn Thế

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...