Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 32 °C / 26 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Chấn chỉnh hoạt động của hợp tác xã dùng nước

Cập nhật: 11:52 ngày 18/04/2018
(BGĐT) - Hiện nay, nhiều hợp tác xã (HTX) dùng nước được thành lập và hoạt động theo Luật HTX năm 2012. Tuy nhiên, những đơn vị này chỉ ra đời với chức năng tiếp nhận, quản lý, sử dụng khoản tiền hỗ trợ cấp bù thủy lợi phí mà không sản xuất kinh doanh, tạo ra của cải, thu nhập.
{keywords}

Sau nhiều năm hoạt động, HTX Dùng nước và Dịch vụ nông nghiệp Việt Lập, xã Việt Lập (Tân Yên) chỉ tưới tiêu phục vụ sản xuất.

Hoạt động bằng tiền hỗ trợ

HTX Dùng nước và Dịch vụ nông nghiệp Việt Lập, xã Việt Lập (Tân Yên) thành lập năm 2011 với 15 thành viên. Đơn vị chỉ bơm nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, hoạt động bằng nguồn tiền hỗ trợ cấp bù thủy lợi phí (TLP) từ ngân sách. Các thành viên tham gia không phải góp vốn điều lệ. Ông Nguyễn Văn Hào, Giám đốc HTX cho biết, trung bình mỗi năm, đơn vị tiếp nhận khoảng 800 triệu đồng tiền cấp bù TLP cho 535 ha đất nông nghiệp. Tùy năm, HTX trích khoảng 40-60% để cứng hóa kênh mương; số còn lại dùng chi trả, duy trì hoạt động bơm nước như: Tiền điện, duy tu bảo dưỡng, dẫn nước cho xã viên và lương của Ban quản trị HTX. Tùy chức vụ, các thành viên được hưởng từ 8,4 đến hơn 20 triệu đồng/người/năm. “Do chỉ có nguồn hỗ trợ hoạt động nên chúng tôi phải cân đối chi tiêu hợp lý. Năm mưa ít, chi nhiều tiền cho vận hành; bơm, dẫn nước thì giảm các khoản chi khác và ngược lại”, ông Hào nói.

Mỗi năm, huyện Tân Yên được bố trí từ 8 đến 9 tỷ đồng tiền cấp bù TLP. Huyện thành lập 24 HTX dùng nước để tiếp nhận, quản lý, chi tiêu nguồn hỗ trợ này. Các đơn vị chỉ có nhiệm vụ bơm nước theo chính sách cấp bù TLP, dịch vụ công ích không sinh lợi nhuận. Tiền công và lương của thành viên được chi từ tiền hỗ trợ của Nhà nước; quy định về mức chi trả do HTX tự thống nhất đưa ra. Để dễ quản lý nguồn tiền, các xã lựa chọn cán bộ, lãnh đạo thôn, xã tham gia. Một số nơi cán bộ kế toán xã trực tiếp làm kế toán HTX. Một người kiêm nhiệm nhiều chức danh, có thêm thu nhập nên không đơn vị nào có ý định mở rộng thêm ngành nghề kinh doanh.

Tương tự, từ 93 tổ hợp tác dùng nước, đầu năm nay, UBND huyện Hiệp Hòa đã chỉ đạo thành lập mới 20 HTX dùng nước nhằm phân bổ tiền cấp bù TLP, tránh chuyển về nhiều tài khoản cá nhân trong mô hình tổ hợp tác trước đây.

Theo Luật HTX năm 2012, HTX là tổ chức kinh tế tập thể (KTTT), đồng sở hữu, do ít nhất 7 thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong sản xuất, kinh doanh; tạo việc làm, đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý. Các cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân tự nguyện thành lập, gia nhập, ra khỏi HTX... Thực tế, các HTX dùng nước chủ yếu do UBND các xã thành lập nên, các cá nhân tham gia cũng được chỉ định, kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác nên chỉ tham gia cho đủ thành phần nhằm giải ngân nguồn tiền hỗ trợ. Bản thân lãnh đạo, Ban quản trị các HTX không tìm tòi hướng đi mới, phát triển thêm ngành nghề. Đáng ngại hơn, ở một số xã có diện tích đất nông nghiệp lớn, số tiền được cấp cao như: Cao Xá, Ngọc Vân (Tân Yên), mỗi đơn vị thành lập 2 HTX dùng nước, thực hiện nhiệm vụ tưới tiêu.

Cần đổi mới cách làm

Kết luận buổi đối thoại với các HTX diễn ra mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái, Trưởng Ban Chỉ đạo phát triển KTTT tỉnh giao các sở, ngành thành viên, UBND các huyện, TP rà soát, chấn chỉnh, kiên quyết giải thể những HTX hoạt động kém hiệu quả. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng, tham mưu với UBND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ, nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, toàn tỉnh hiện có 145 HTX dùng nước, tập trung ở 10 huyện, TP. HTX này hoạt động đơn điệu, kém hiệu quả, chỉ thực hiện cấp nước theo mùa vụ. Các đơn vị này vẫn ra đời và tồn tại bởi hằng năm, ngân sách tỉnh phân bổ 50-60 tỷ đồng cấp bù TLP. Khoản tiền này không được giao cho UBND xã mà chuyển về tài khoản của các HTX phát sinh hoạt động tưới tiêu. Tạo thuận lợi cho việc quản lý, sử dụng nguồn tiền trên, UBND các huyện, TP đã chỉ đạo, thành lập HTX dùng nước do cán bộ, lãnh đạo thôn, xã trực tiếp tham gia.

Bà Nguyễn Thị Thúy Dung, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết, Luật HTX năm 2012 quy định, sau khi thành lập, các đơn vị sản xuất kinh doanh kém hiệu quả, sai luật sẽ được vận động giải thể hoặc giải thể bắt buộc. Mô hình HTX dùng nước hiện nay hoạt động yếu kém, chỉ làm nhiệm vụ cấp nước là không đúng với quy định hiện hành; ảnh hưởng tới phong trào KTTT của tỉnh, gây khó khăn cho nghiên cứu, tham mưu ban hành chính sách hỗ trợ phát triển HTX. Để từng bước khắc phục tình trạng này, Liên minh HTX tỉnh đã kiến nghị UBND các huyện, TP không thành lập mới HTX dùng nước, đồng thời từng bước giải thể, chuyển dịch vụ dùng nước cho các HTX dịch vụ nông nghiệp có sẵn trên địa bàn.

Nhiều ý kiến cho rằng, đối với đơn vị đã thành lập có triển vọng mở rộng dịch vụ, UBND các huyện, xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, định hướng, bổ sung thêm ngành nghề sản xuất kinh doanh hiệu quả, tạo ra lợi nhuận. Bản thân các HTX cũng chủ động đổi mới cách làm, đáp ứng và phù hợp với yêu cầu phát triển KTTT của tỉnh, không nên chỉ vì giải ngân kinh phí hỗ trợ cấp bù TLP mà "đẻ" thêm HTX, ảnh hưởng đến hiệu quả KTTT trên địa bàn.

Hồng Dương - Hoàng Phương

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...