Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 29 °C / 26 - 28 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Thị trường nông sản cuối năm: Tăng, giảm thất thường

Cập nhật: 14:04 ngày 05/01/2018
(BGĐT) - Chỉ còn hơn một tháng nữa là Tết Nguyên đán. Các hộ sản xuất, hợp tác xã nông nghiệp trong tỉnh Bắc Giang đang chủ động nguồn nông sản để cung ứng, đón bắt cơ hội thu nhập cao dịp cuối năm. Tuy nhiên, giá rau, củ, quả, thịt... diễn biến bất thường, khó dự báo.
{keywords}

Cam lòng vàng của một hộ dân ở xã Thanh Hải (Lục Ngạn).

Không theo quy luật

Hiện là thời điểm chính vụ đông, nguồn cung dồi dào nhưng giá rau, quả ngắn ngày vẫn ở mức cao. Ở những vùng có truyền thống trồng rau, quả vụ đông như: Thái Đào, Tân Thịnh, Hương Lạc (Lạng Giang); Chu Điện, Bảo Đài, Khám Lạng (Lục Nam); Song Mai, Dĩnh Trì (TP Bắc Giang)… nông sản thu hoạch đến đâu được thương nhân thu mua, vận chuyển tiêu thụ nhanh, không có tình trạng ùn ứ, giá bán cao. So với vụ đông năm trước, các loại rau có nguồn gốc ôn đới như: Su hào, bắp cải, cà chua, đậu Hà Lan… cao hơn từ 3- 5 nghìn đồng/kg. Nông dân, HTX sản xuất rau, củ, quả có thu nhập khá.

Trong khi đó, vụ cam này được đầu tư chu đáo từ khâu sản xuất đến tổ chức ngày hội xúc tiến thương mại, kỳ vọng tiêu thụ thuận lợi nhưng giá không tăng mà còn giảm so với năm trước. Thời điểm này, cam lòng vàng ở Lục Ngạn đã thu hoạch khoảng 70%, cam ngọt bắt đầu chín rộ. Nửa tháng nay, cam lòng vàng tiêu thụ chậm, giá từ 25- 30 nghìn đồng xuống còn 18- 20 nghìn đồng/kg, nay nhích lên hơn 20 nghìn đồng/kg.

Mấy ngày gần đây, giá lợn hơi tăng dần. Theo ông Ngô Xuân Lương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi lợn sạch Tân Yên, giá lợn thương phẩm hiện ở mức 32 - 34 nghìn đồng/kg. So với thời gian dài chạm đáy, giá lên chậm và cầm chừng, thậm chí nhiều hộ sản xuất, HTX cắt giảm quy mô nuôi, mức giá hiện nay người nuôi bắt đầu có lãi.

Tuy nhiên thị trường thiếu ổn định bởi vẫn phụ thuộc lớn vào nhu cầu nhập khẩu thịt lợn từ Trung Quốc, có thể dịp Tết Dương lịch, lượng lợn hơi xuất khẩu tăng mạnh đẩy giá trong nước lên. Giá gà ri lai, mía lai ở Yên Thế cũng lên cao, mức tương ứng 70- 73 nghìn đồng và 62-65 nghìn đồng/kg. Bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho rằng, việc tiêu thụ diễn ra thuận lợi do người tiêu dùng ngày càng quan tâm sử dụng sản phẩm đặc trưng “Gà đồi Yên Thế”, giá cao hơn so với cùng kỳ năm trước 5 - 7 nghìn đồng/kg...

{keywords}

Thu mua rau vụ đông tại một điểm cân ở xã Thái Đào (Lạng Giang). Ảnh: Trịnh Lan.

Hướng vào sản xuất sạch và có liên kết

{keywords}

Trước mắt, từ nay đến Tết Nguyên đán, các địa phương chú trọng bảo đảm an toàn dịch bệnh cho đàn vật nuôi, nhất là gà, lợn; thận trọng mở rộng quy mô chăn nuôi khi thị trường biến động khó lường. Bổ sung một số loại rau ngắn ngày, chăm sóc cây trồng vụ đông bảo đảm nguồn cung cho nhu cầu dịp này tăng cao. Đối với cây có múi ở Lục Ngạn, cần siết chặt quản lý theo quy hoạch, tránh mở rộng ồ ạt".


Ông Dương Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT

Dịp cuối năm nay, giá một số loại nông sản chủ lực của tỉnh không theo diễn biến của thị trường những năm trước. Lý giải vấn đề này, ông Dương Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho rằng, do ảnh hưởng mưa lũ ở một số tỉnh, TP tác động đến giá nông sản chủ lực của tỉnh. Nguồn cung rau, củ, quả ngắn ngày các nơi giảm trong khi quy mô sản xuất tại Bắc Giang cũng thu hẹp.

Không những ở tỉnh ta, một số vùng trọng điểm cam của miền Bắc được mùa, thời tiết gần đây lạnh khiến nhu cầu sử dụng giảm, giá xuống thấp, phù hợp quy luật thị trường. Riêng cam Lục Ngạn giảm giá còn do hệ quả của việc mở rộng diện tích ồ ạt, sản lượng tăng nhanh tạo sức ép lên khâu tiêu thụ. Cũng giống như vải thiều trước đây, cam sẽ dần trở về giá trị thực với quy mô sản xuất hợp lý, giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích đất vườn đồi tương đương với một số cây trồng chủ lực khác.

Khó dự báo nhất vẫn là giá sản phẩm chăn nuôi chủ lực của tỉnh. Mặc dù quy mô chăn nuôi lợn giảm, nguồn giống ít nhưng thị trường đầu ra chưa ổn định. “Vì giá lợn giống rẻ nên dịp này bán gần 35 nghìn đồng/kg lợn hơi vẫn có lãi, bình thường phải hơn giá đó mới có thể tái đàn. Nguồn hàng trong nước còn nhiều, dự báo Tết Nguyên đán, giá lợn chỉ tăng nhẹ. Chúng tôi chưa mở rộng quy mô sản xuất”, ông Ngô Xuân Lương cho biết.

Đối với đàn gà đồi Yên Thế, quy mô nuôi hợp lý, chất lượng nâng lên, một số lô hàng được gắn tem truy xuất nguồn gốc cung cho thị trường. Năm qua, lần đầu tiên, UBND huyện Yên Thế phối hợp tổ chức hội nghị xúc tiến tiêu thụ sản phẩm này nên ngày càng được nhiều khách hàng quan tâm sử dụng. Cũng theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, gà Yên Thế đang cung cấp ổn định cho nhiều siêu thị, nhu cầu sản phẩm này dịp Tết Nguyên đán rất lớn nên giá còn tăng cao, gà ri lai có thể đạt 80 nghìn đồng/kg.

Mặc dù giá nông sản chủ lực khó lường nhưng đối với các hộ, HTX, hội sản xuất quy mô lớn, bảo đảm an toàn, có hợp đồng bao tiêu sản phẩm vẫn kinh doanh ổn định và lãi lớn. Đơn cử, Hội Chăn nuôi lợn sạch Tân Yên hợp đồng cung cấp cho các bếp ăn tập thể của DN, trường học 10 con lợn (khoảng 500 - 700 kg)/ngày nên vẫn duy trì quy mô nuôi không thay đổi ở các hộ thành viên, có lãi. Tại Lục Ngạn, vùng cam sản xuất theo quy trình VietGAP, có tem truy xuất, tiêu thụ thông qua liên kết với tổ hợp tác, HTX và DN “được” giá cao hơn, dễ bán...

Theo ông Dương Thanh Tùng, qua diễn biến giá nông sản chủ lực gần đây cho thấy, để tránh thiệt hại trong sản xuất, người dân, HTX vẫn phải bám sát chỉ đạo, định hướng của ngành nông nghiệp và dự báo thị trường từ Sở Công Thương. Nhu cầu người tiêu dùng đã thay đổi theo hướng sử dụng sản phẩm an toàn, có nguồn gốc rõ ràng, vì thế cần thay đổi thói quen, sản xuất theo quy trình an toàn, liên kết giữa các hộ, tổ hợp tác, HTX và DN.

Cao Minh Ngọc

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...