Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 27 °C / 27 - 40 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Khắc phục tình trạng thiếu xi - măng: Điều chỉnh hỗ trợ giữa các địa phương

Cập nhật: 15:44 ngày 23/11/2017
(BGĐT) - Thực hiện Nghị quyết số 07 của HĐND tỉnh, đến nay, toàn tỉnh Bắc Giang cứng hóa được hơn 125 km đường giao thông nông thôn, đạt hơn 30% kế hoạch. Công ty cổ phần Xi măng Bắc Giang đã cung ứng gần 40 nghìn tấn xi - măng; bình quân đạt khoảng 1,2 nghìn tấn/ngày. Tuy nhiên, khối lượng trên vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu triển khai tại các địa phương. 

{keywords}

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lại Thanh Sơn chỉ đạo tại hội nghị.

Theo tổng hợp của Sở Giao thông - Vận tải, nhu cầu xi - măng của các huyện, TP mỗi ngày khoảng 1,8 nghìn tấn song đơn vị cung ứng chỉ cấp được 1-1,2 nghìn tấn/ngày. Ông Nguyễn Văn Nghĩa, Chủ tịch UBND huyện Lạng Giang thông tin: “Huyện đã cứng hóa được gần 14/50 km đường giao thông nông thôn và tiếp tục tập trung thực hiện vào những tháng cuối năm. Mỗi ngày lượng xi- măng cần 300-400 tấn trong khi đơn vị cung ứng chỉ đáp ứng được 60-70 tấn/ngày đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thực hiện của địa phương”. 

Tương tự, tại huyện Tân Yên có 118 thôn cứng hóa với chiều dài hơn 54 km, đạt 85% kế hoạch. Bà con các thôn, xóm đang huy động nhân lực, phương tiện hoàn tất phần còn lại song gặp khó khăn về xi - măng. Xe vận chuyển nguyên liệu đến nhà máy phải chờ từ 1-1,5 ngày mới có vật liệu chở về. Cao điểm từ trung tuần tháng 11 đến nay, mỗi ngày huyện cần 500 tấn xi - măng nhưng thực tế số lượng nhận được chỉ bằng một nửa so với nhu cầu. 

{keywords}

Ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xi măng Bắc Giang: "Do các địa phương cứng hóa không theo kế hoạch, có ngày Công ty cung ứng vài trăm tấn nhưng nhiều thời điểm lên khoảng 3 nghìn tấn/ngày song vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu".

Trước tình hình trên, ngày 23-11, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lại Thanh Sơn chủ trì hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 07 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ cứng hóa trục đường thôn, đường liên thôn và nội đồng gắn với giao thông liên thôn trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tình trạng thiếu xi - măng trong quá trình thực hiện được quan tâm thảo luận. Ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng Giám đốc Công ty Xi măng Bắc Giang lý giải: Nguyên nhân là do các địa phương thực hiện không theo kế hoạch, đồng loạt cứng hóa các tuyến đường trong tháng 10, tháng 11. Cụ thể, có ngày, Công ty cung ứng vài trăm tấn nhưng nhiều thời điểm lên đến khoảng 3 nghìn tấn/ngày. Nhu cầu sử dụng xi - măng rất lớn, vượt quá khả năng của đơn vị. Hơn nữa, Công ty đã chở gần 40 nghìn tấn sản phẩm đến các thôn, xã song thanh toán rất chậm, mới đạt ¼ khối lượng, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất của doanh nghiệp (DN).

Đến ngày 22-11, một số huyện đề nghị điều chỉnh giảm cứng hóa đường giao thông so với kế hoạch gồm: Yên Thế giảm 15,5 km, Việt Yên giảm 27,13 km, Sơn Động 2,74 km.

Để đáp ứng đủ nguyên liệu cho các địa phương, ông Thanh cho biết, DN thường xuyên tổ chức tăng ca, duy trì sản xuất 24/24 giờ. Những xe đến nhà máy của đơn vị vào thời điểm trước 22 giờ đều được giải quyết trong ngày. Cùng đó, Công ty cắt giảm, không cung ứng sản phẩm cho hai trạm trộn và 20 đại lý cấp 2. Số nguyên liệu từ đây sẽ được phân bổ, cấp cho các địa phương; đồng thời gửi lịch cấp xi - măng cho từng địa bàn. Hiện, Công ty đang đầu tư hàng chục tỷ đồng lắp đặt dây chuyền nghiền xi - măng 30 tấn/giờ; đóng bao 80 tấn/giờ để tăng công suất vào những năm tiếp theo.

{keywords}

Cứng hóa đường giao thông nông thôn tại xã Đồng Phúc (Yên Dũng).

Qua nắm bắt tình hình, đồng chí Lại Thanh Sơn cho rằng, để xảy ra tình trạng trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, như: Chương trình đề ra muộn; không nắm rõ được nguồn vốn đối ứng của người dân ra sao khiến các địa phương bị động trong quá trình thực hiện; sự phối hợp cung ứng chưa tốt, thực hiện tự phát, không theo kế hoạch, vì thế không thể đổ lỗi hết cho DN. Đồng chí chỉ đạo, để hoàn thành kế hoạch đề ra trong năm 2017, trước hết Công ty cổ phần Xi măng Bắc Giang tiếp tục tăng ca; rà soát các nguồn để bảo đảm nguồn cung sản phẩm cho các công trình. Trước ngày 25-11, cơ quan tham mưu, các địa phương phải hoàn tất kế hoạch điều chỉnh theo hướng tăng cường hỗ trợ xi - măng những nơi làm tốt, giảm nguyên liệu tại những nơi triển khai khó khăn. Cùng đó, tăng cường kiểm tra, quản lý chất lượng xi - măng, chỉ hỗ trợ những công trình bảo đảm đủ theo tiêu chí. Về kỹ thuật, đồng chí giao cho Sở Xây dựng, Sở Giao thông- Vận tải cử cán bộ bám sát cơ sở, đặc biệt chú trọng khuyến cáo người dân bắt buộc làm khe co giãn để bảo đảm độ bền của đường.

Đồng chí cũng yêu cầu Sở Tài chính hướng dẫn các thủ tục; đẩy nhanh tiến độ thanh toán, giải ngân vốn các công trình đã hoàn thành. Riêng năm 2018, các địa phương phải xây dựng kế hoạch sớm, dự kiến cụ thể thời điểm triển khai, tránh xảy ra tình trạng khan hiếm xi - măng như năm nay. 

Trịnh Lan

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...