Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 31 °C / 28 - 40 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Sản xuất nông nghiệp: Khắc phục khó khăn, bảo đảm tăng trưởng

Cập nhật: 08:49 ngày 24/05/2017
(BGĐT) - Năm nay, sản xuất nông nghiệp gặp nhiều trở ngại, nguy cơ khó đạt kế hoạch, mục tiêu đề ra. Làm thế nào để nông nghiệp vững vàng vượt qua “sóng cả”, không tăng trưởng âm, ông Vũ Đình Phượng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT trao đổi với phóng viên Báo Bắc Giang xung quanh vấn đề này.

{keywords}

Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp công nghệ cao nhằm tăng giá trị là một trong những giải pháp góp phần cho tăng trưởng ngành nông nghiệp. Ảnh: Mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại thôn Đồng Tâm, xã Thường Thắng (Hiệp Hòa).

Xin ông cho biết cụ thể những khó khăn mà sản xuất nông nghiệp gặp phải?

Sản xuất nông nghiệp liên tiếp gặp bất lợi từ đầu năm đến nay. Trước tiên đó là biến đổi khí hậu gây nên hiện tượng thời tiết khác thường so cùng kỳ nhiều năm. Các tháng 1, 2 có nền nhiệt độ cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 2,4-3,3 độ C. Thay đổi thời tiết đã ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phân hóa mầm hoa của vải thiều chính vụ. Do vậy, tỷ lệ vải ra hoa toàn tỉnh chỉ đạt từ 45-50% dẫn tới sản lượng giảm, dự kiến đạt khoảng 100 nghìn tấn, giảm 30 nghìn tấn so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, tiêu thụ sản phẩm, giá cả nông sản không ổn định ở cả rau, củ, quả và sản phẩm chăn nuôi. Giá lợn hơi xuống rất thấp, có thời điểm 13 nghìn đồng/kg khiến người sản xuất thua lỗ nặng.

Những trở ngại này ảnh hưởng như thế nào đến toàn ngành, thưa ông? 

Giá trị vải thiều và chăn nuôi lợn đóng góp quan trọng cho tăng trưởng ngành nông nghiệp, chiếm tới gần 35% tổng giá trị. Do vậy những khó khăn trong sản xuất vải thiều và chăn nuôi lợn ảnh hưởng rất lớn đến thực hiện nhiệm vụ, chỉ tiêu  kế hoạch năm 2017 của toàn ngành. 

Đến nay, chưa có số liệu cụ thể song tính toán sơ bộ, giá trị vải thiều giảm khoảng 20% so với năm 2016. Với điều kiện chăn nuôi gặp nhiều khó khăn thì tổng đàn cũng như sản lượng thịt hơi 6 tháng cuối năm dự báo giảm mạnh. Những yếu tố này làm giảm tăng trưởng của ngành so với năm trước.

Có ý kiến cho rằng, để xảy ra thiệt hại về sản xuất thời gian qua không hoàn toàn là yếu tố khách quan, ông nghĩ sao về vấn này?

Ngay từ đầu năm ngành đã xây dựng kế hoạch, đề ra nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành về sản xuất nông nghiệp. Mặc dù vậy vẫn xảy ra những điều không mong muốn. Tuy nhiên, tôi cho rằng thiệt hại về sản xuất vải thiều thì phần lớn là do biến đổi khí hậu. Chỉ có điều là trong hoàn cảnh ấy, vài cá nhân vẫn được mùa vải chính vụ riêng do sáng tạo, áp dụng biện pháp kỹ thuật đặc biệt để vải cho quả. Như vậy, cũng có thể nói rằng vải không ra hoa một phần do chúng ta chưa nghiên cứu, đưa ra biện pháp tiên tiến ứng phó với thời tiết xấu. 

Còn thiệt hại về chăn nuôi không hoàn toàn là yếu tố khách quan mà còn có một phần ý chí chủ quan của cả người chăn nuôi và các cơ quan quản lý. Đó là thông tin, dự báo thị trường tiêu thụ còn hạn chế; người chăn nuôi không quan tâm đến khuyến cáo của cơ quan quản lý vẫn tăng đàn ồ ạt dẫn đến cung vượt cầu. 

Được biết, năm 2017 toàn tỉnh phấn đấu thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác đạt khoảng 95 triệu đồng/ha; tốc độ tăng trưởng 3%. Vậy xin ông cho biết, ngành tập trung giải pháp nào để khắc phục khó khăn, hoàn thành kế hoạch đề ra?

Như đã nói ở trên, sản xuất vải thiều và chăn nuôi lợn giảm nên chúng tôi dự báo chỉ tiêu thu nhập trên một đơn vị diện tích và tốc độ tăng trưởng sẽ khó đạt kế hoạch. Thế nhưng với mục tiêu không để nông nghiệp tăng trưởng âm, thời gian tới, ngành tập trung đồng bộ các giải pháp để bù đắp những thiếu hụt.

Đối với trồng trọt, theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, sâu bệnh hại trên các loại cây trồng để tiến hành phòng trừ kịp thời; chủ động các phương án tưới, tiêu đối với diện tích có nguy cơ hạn hán và ngập lụt bảo vệ sản xuất. Hiện nay, lúa xuân bắt đầu cho thu hoạch nên nông dân khẩn trương huy động phương tiện, nhân lực gặt lúa, tránh thiệt hại bởi mưa lớn. 

Ngành cũng vừa rốt ráo tổ chức hội nghị sản xuất vụ mùa. Với tinh thần coi đây là vụ sản xuất có vai trò quan trọng, đóng góp vào tăng trưởng chung của ngành nên chúng tôi chỉ đạo các huyện ưu tiên ứng dụng công nghệ cao, từ đó tạo ra sản phẩm đủ tiêu chuẩn đưa vào hệ thống các siêu thị, tăng giá trị. Trên cây vải, tuyên truyền, hướng dẫn nông dân thu hoạch quả đúng độ chín, không thu hoạch vải khi còn xanh, chưa hết thời gian cách ly thuốc bảo vệ thực vật. 

Đối với chăn nuôi, ngành tham mưu các chính sách hỗ trợ người chăn nuôi để khắc phục khó khăn trước mắt; triển khai có hiệu quả Đề án nâng cao chất lượng giống gia cầm và chính sách hỗ trợ chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020. Đi liền với đó là theo sát tín hiệu thị trường, trên cơ sở đó khuyến cáo người dân phát triển quy mô đàn hợp lý. 

Hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, thức ăn, kỹ thuật chăm sóc nhằm hạ giá thành sản phẩm. Duy trì ổn định đàn gia cầm; nhân rộng diện tích cá thâm canh. Tổ chức xúc tiến thương mại, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở giết mổ, chế biến phát huy tối đa công suất để thu mua sản phẩm cho bà con.

Đi đôi với biện pháp trên, chúng tôi đồng hành cùng nông dân đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, đặc biệt ưu tiên liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Trong đó lấy doanh nghiệp làm trung tâm,  nòng cốt để dẫn dắt sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. 

Xin cảm ơn ông! 

Trịnh Lan (thực hiện)

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...