Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 36 °C / 27 - 39 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Khoa học - Công nghệ
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Việt Nam có thể dự báo được giông lốc, vòi rồng, mưa đá từ năm 2020

Cập nhật: 14:02 ngày 28/02/2018
“Bão là một trong những loại hình thiên tai khó lường mà Việt Nam và thế giới đang phải đối mặt với tần suất ngày càng lớn. Trong thời gian tới, những cơn bão mạnh sẽ tiếp tục xảy ra, thậm chí xuất hiện thêm cả những cơn siêu bão”.
{keywords}

Lực lượng cứu hộ tập trung khắc phục hậu quả lũ lụt (tháng 10-2017) giúp người dân tỉnh Hòa Bình ổn định cuộc sống.

Nhận định trên được giáo sư (GS) Petterri Talaas, Tổng Thư ký Tổ chức khí tượng Thế giới đưa ra tại Tọa đàm “Vai trò của ngành khí tượng thủy văn trong phát triển bền vững” do Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia tổ chức chiều 27-2, tại Hà Nội.

Thời tiết cực đoan ngày càng phổ biến

Chia sẻ tại cuộc tọa đàm, GS Trần Thục, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn của Ủy ban quốc gia về Biến đổi khí hậu (BĐKH) cho biết, do ảnh hưởng của BĐKH, thời tiết của Việt Nam đang ngày trở nên khắc nghiệt hơn, đặc biệt là nhiệt độ cao, tăng khô hạn và mưa lớn diện rộng gây trượt lở, lũ quét. 

Bên cạnh đó, BĐKH cũng đang làm tăng cả về số lượng, cường độ và tính chất cực đoan của các cơn bão trên toàn cầu. Trong bối cảnh BĐKH đang diễn ra ngày càng khó lường như hiện nay, trong tương lai gần, Việt Nam sẽ tiếp tục phải đối mặt với các hiện tượng cực đoan như gia tăng hạn hán, tần suất số cơn bão mạnh, thậm chí những cơn siêu bão cũng có thể sẽ xảy ra.

Có chung nhận định, ông Trần Hồng Thái, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, những năm gần đây, xu thế diễn biến của thiên tai ngày càng khốc liệt, phức tạp, khó lường, khí hậu ngày càng nóng, khô, mưa bão nhiều... Chỉ tính riêng năm 2017, Việt Nam đã bị ảnh hưởng bởi 20 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, đạt con số kỷ lục trong nhiều năm qua.

Bên cạnh đó, hàng loạt vấn đề liên quan đến thời tiết, khí hậu bất thường như băng giá xuất hiện ở các tỉnh phía Bắc; hạn hán, ngập mặn và biển xâm thực sâu vào đất liền ở các tỉnh phía Nam...đòi hỏi ngành khí tượng thủy văn cần phải đầu tư hơn nữa về công nghệ quan trắc, dự báo nhằm giảm tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra.

Về chất lượng dự báo, ông Thái cho biết, theo khách quan nhìn nhận, chất lượng dự báo của Việt Nam hiện nay đã từng bước nâng lên và dần tiệm cận với các nước phát triển. Hiện tại, ngành khí tượng thủy văn của Việt Nam đang tiếp cận các công nghệ tiên tiến trên thế giới, đã và đang xây dựng mạng lưới ra đa, cảnh báo dông sét, tăng dầy mạng lưới quan trắc và tỷ lệ các trạm tự động, các mô hình dự báo tổ hợp giúp dự báo tốt hơn.

Tuy nhiên, ông Thái cũng thừa nhận, khó khăn hiện nay đó là mạng lưới quan trắc còn thưa, chỉ đạt mật độ 20-30 % so với các nước phát triển. Trong đó, hệ thống tự động đo gió, dòng chảy cao nhất cũng chỉ bằng khoảng 40% so với các nước trong khu vực. “Vì vậy, chúng ta cần tăng cường nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cường các bản tin dự báo, cảnh báo lũ quét và sạt lở đất, chi tiết hóa các dự báo điểm. Điều này rất cần có sự chung tay của các bộ, ngành, địa phương để làm sao đưa ra các bản tin gần thực tế, dễ sử dụng hơn” - ông Thái nhấn mạnh.

Hai năm nữa có sẽ dự báo được thiên tai cực đoan

Ông Thái cũng cho biết, theo Luật Phòng, chống thiên tai, Việt Nam hiện có 21 loại hình thiên tai khác nhau. Nhưng đến nay, các loại hình thiên tai như giông lốc, vòi rồng và mưa đá vẫn chưa thể dự báo sớm được.

Hiện tại, các dự báo sớm mới chỉ giúp cảnh báo được trước khi các hiện tượng trên xảy ra từ 15-30 phút. Vì thế, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia đang xúc tiến đầu tư thêm các mô hình tổ hợp công nghệ cao hơn, gồm các rađa, trạm quan trắc tự động. “Theo dự kiến, khi tổ hợp công nghệ này đi vào vận hành, vài năm nữa (tức đến năm 2020), Việt Nam có thể sẽ dự báo được giông lốc, vòi rồng, mưa đá để cảnh báo sớm cho người dân phòng tránh, giảm thiểu được thiệt hại do các loại hình thiên tai cực đoan gây ra” - ông Thái nhấn mạnh.

Khẳng định việc đầu tư công nghệ cũng như nâng cao chất lượng dự báo là cấp thiết, song GS Trần Thục - Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn của Ủy ban quốc gia về BĐKH cũng kiến nghị, ngành khí tượng cần chú trọng cải thiện công tác truyền thông, làm sao đưa thông tin đến người dân một cách ngắn gọn, dễ hiểu và dễ sử dụng hơn.

Có chung quan điểm, GS Petterri Talaas - Tổng Thư ký Tổ chức khí tượng Thế giới (WMO) cho rằng, hiện nay việc giảm nhẹ rủi ro thiên tai vẫn đang là thách thức lớn đối với Việt Nam và các nước trên thế giới. Vì thế, ông Talaas kiến nghị Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn cho hệ thống quan trắc, nâng cao năng lực cũng như trình độ dự báo. Đồng thời cần có những sản phẩm dự báo, và truyền tải thông tin dự báo một cách phổ biến và gần gũi hơn. Ông Talaas cũng cho biết, trong chiến lược phát triển của Tổ chức Khí tượng thế giới giai đoạn 2016-2019, các hoạt động của WMO sẽ ưu tiên giảm nhẹ rủi ro thiên tai và ứng phó BĐKH, sử dụng hiệu quả nguồn nước.

“Chúng tôi mong muốn sẽ kết nối các quốc gia thành viên của WMO hợp tác cùng hỗ trợ, chia sẻ dữ liệu khí hậu, thời tiết toàn cầu, đặc biệt là đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Những thông tin cảnh báo, dự báo với độ tin cậy cao sẽ trợ giúp đắc lực cho các nhà hoạch định chính sách trong quá trình ra quyết định, góp phần nâng cao chất lượng dự báo và cảnh báo sớm” - ông Talaas nói.

Theo Hùng Võ/Vietnam+


Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...