Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 31 °C / 26 - 37 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Khoa học - Công nghệ
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Bảo quản cam đường Canh bằng màng sinh học Chitosan

Cập nhật: 10:23 ngày 23/02/2018
(BGĐT) - Cam đường Canh có thể kéo dài thời gian bảo quản khoảng hai tháng nhưng vẫn giữ được màu sắc, độ tươi, bảo đảm chất lượng... Đây là kết quả thử nghiệm của các chuyên gia Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội bằng biện pháp sử dụng màng sinh học Chitosan.
{keywords}

Các chuyên gia Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội phổ biến kỹ thuật bảo quản cam đường Canh bằng màng sinh học Chitosan cho các hộ tại xã Thanh Hải (Lục Ngạn).

Nghiên cứu thử nghiệm

Tháng 6-2016, UBND tỉnh phê duyệt đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh "Nghiên cứu ứng dụng màng sinh học Chitosan kết hợp với axit axetic để bảo quản cam đường Canh tại tỉnh Bắc Giang". Dự án do Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội chủ trì, thời gian thực hiện 24 tháng. Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) là đơn vị được giao trực tiếp ký hợp đồng, theo dõi, kiểm tra. Mục tiêu chính của dự án nhằm kéo dài thời gian bảo quản cam  tối đa 70 ngày, giữ được đặc tính đặc trưng, tăng hiệu quả kinh tế, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và thân thiện với môi trường bằng màng sinh học Chitosan kết hợp với axit axetic  (dấm ăn).

Mùa thu hoạch cam đường Canh ở huyện Lục Ngạn thường vào cuối năm và chỉ kéo dài trong thời gian ngắn, việc bảo quản sau thu hoạch rất khó, cam hái 1-2 tuần đã héo, xuống mã, ảnh hưởng đến chất lượng, bán không được giá. Từ thực tế đó, các nhà nghiên cứu nhận thấy, màng phủ Chitosan thích hợp để bảo quản cam đường Canh. Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang Tùng, Chủ nhiệm đề tài, hiện nay, phương pháp bảo quản cam đường Canh bằng màng sinh học Chitosan kết hợp axít axetic có rất ít cơ sở nghiên cứu.

Chitosan là một trong số các polyme sinh học nguồn gốc thiên nhiên phổ biến nhất. Nó được chế tạo từ vỏ của các loại hải sản như tôm, cua, trai, mực... Màng sinh học Chitosan sau khi hòa tan trong môi trường axit axetic tạo ra một dạng dung dịch nhớt, khi nhúng quả cam, chúng sẽ bám xung quanh quả, tạo thành một lớp màng bảo vệ, ức chế quá trình hô hấp, hoạt động của các vi sinh vật; hạn chế bay hơi nước và các thành phần dinh dưỡng khác, không gây hại sức khỏe cho người sử dụng.

Theo đó, các chuyên gia tiến hành nghiên cứu ảnh hưởng của nồng độ Chitosan đến độ hao hụt khối lượng, màu sắc, độ cứng và vỏ quả cam trong phòng thí nghiệm với các công thức đối chứng lần lượt là: Không nhúng qua dung dịch Chitosan; nhúng qua dung dịch nồng độ 1%, 1,5%, 2%; số lượng cam thí nghiệm mỗi công thức khoảng 6 kg; thời gian theo dõi là 45 ngày. Kết quả cho thấy, bảo quản cam ở nồng độ 1,5% giữ được hàm lượng dinh dưỡng tốt nhất, màu sắc và hàm lượng đường ít biến đổi. Với công thức này, có thể bảo quản quả cam thời gian khoảng hai tháng.

Hứa hẹn nhiều triển vọng

Mới đây, các chuyên gia  Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã về xã Thanh Hải (Lục Ngạn) tiến hành làm thử nghiệm tại chỗ, tập huấn cho 60 hộ dân trồng cam đường Canh quy mô lớn trên địa bàn huyện. Cách pha chế dung dịch và bảo quản cũng rất đơn giản, dễ làm; chi phí bảo quản cho 1 tấn quả chỉ vài trăm nghìn đồng. Gia đình ông Bùi Xuân Chỉnh, thôn Đồng Quýt, xã Tân Mộc trồng khoảng 10 ha cam các loại, mỗi năm thu gần 100 tấn quả, trong đó 1/3 là cam đường Canh. Ông bộc bạch, hễ năm nào cam được mùa, cả thôn, xã đều phấn khởi nhưng bà con vẫn lo vì cam hái xuống không để được lâu (từ 7-10 ngày); đôi khi phải bán rẻ vì sợ hỏng. "Được tận mắt quan sát, theo dõi, tập huấn về công nghệ  bảo quản cam bằng màng sinh học Chitosan, chúng tôi cảm thấy vui, hy vọng trái cam sẽ giữ được lâu hơn, bảo đảm mẫu mã, chất lượng", ông Chỉnh nói.

Huyện Lục Ngạn là một trong những địa phương có diện tích trồng cam lớn nhất khu vực miền núi phía Bắc với gần 3.300 ha, riêng cam đường Canh khoảng 1.200 ha. Lâu nay, bài toán kéo dài thời gian bảo quản trái cây luôn là nỗi trăn trở của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng và người nông dân. Ông Tăng Văn Huy, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện chia sẻ: Việc ứng dụng màng sinh học Chitosan để bảo quản cam đường Canh là tín hiệu tốt đối với người trồng, khắc phục tình trạng cam hư hỏng nhanh sau khi thu hái.

Bà Trương Thị Hồng Minh, Trưởng phòng Quản lý khoa học, Sở KH&CN cho biết: Đến thời điểm này, mô hình thử nghiệm đã mang lại kết quả khả quan. Hiện cán bộ của đơn vị thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình và kiểm tra tiến độ thực hiện dự án, dự kiến trong tháng 6 năm nay sẽ nghiệm thu. Cơ quan chuyên môn sẽ đánh giá, phân tích kỹ lưỡng hơn; xem xét để ứng dụng, nhân rộng ở những vụ cam tới.

Công Doanh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...