Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 31 °C / 26 - 37 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Khoa học - Công nghệ
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Lúa Nihonmai bội thu trên đất Lạng Giang

Cập nhật: 09:22 ngày 15/06/2017
(BGĐT) - Gieo cấy được trên nhiều chân ruộng, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, năng suất có thể đạt 3 tạ/sào, giá bán cao hơn so với các giống thông thường... là ưu điểm nổi trội của giống lúa Nihonmai (Nhật Bản). Kết quả này dựa trên những nghiên cứu, thử nghiệm do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Giang) thực hiện tại huyện Lạng Giang. 
{keywords}

Hội thảo đầu bờ đánh giá kết quả sản xuất lúa Nihonmai (Nhật Bản) tại xã Tân Hưng.

Triển khai thí điểm

Thời gian qua, nhiều địa phương đã mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để cải thiện năng suất, chất lượng. Tuy nhiên, việc sản xuất chưa ổn định và đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Để giúp nông dân yên tâm sản xuất, bảo đảm đầu ra ổn định, năm 2016, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ đã triển khai dự án “Xây dựng mô hình chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ lúa Nhật (Japonica) trên địa bàn huyện Lạng Giang”.  

Dự án xây dựng mô hình sản xuất khép kín theo chuỗi giống lúa Nihonmai (thuộc dòng Japonica có nguồn gốc từ Nhật Bản nhưng được sản xuất tại Việt Nam) với tổng diện tích 3 vụ là 150 ha, thực hiện ở 4 xã gồm: Phi Mô, Nghĩa Hưng, Tân Hưng và Tân Thịnh, thời gian từ tháng 1-2016 đến tháng 11-2017. Đây là giống lúa mới được cơ quan nghiên cứu khoa học trồng thử nghiệm lần đầu tiên trên địa bàn tỉnh. Tham gia dự án, nông dân được hỗ trợ 80% giá giống, một phần chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tập huấn quy trình canh tác... Sau một thời gian triển khai thực hiện, hiệu quả kinh tế bước đầu của giống lúa này được đánh giá cao. 

Khẳng định năng suất, chất lượng

Thôn Quảng Mô, xã Phi Mô có 30 ha cấy lúa Nihonmai với hơn 200 hộ tham gia. Theo đánh giá của các hộ dân, giống lúa Nihonmai dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, năng suất cao (bình quân đạt 2,6 tạ/sào). Ông Dương Văn Thanh là một trong những hộ đầu tiên đăng ký tham gia mô hình với quy mô 1 mẫu. "Vụ đầu tiên do chưa có nhiều kinh nghiệm canh tác nên năng suất không được như mong muốn. Vụ này, thời tiết thuận lợi nên năng suất tương đối cao, khoảng 2,6 tạ/sào trở lên", ông Thanh chia sẻ. 

Không chỉ ông Thanh, nhiều hộ khác như các chị: Dương Thị Thắng, Ngô Thị Minh, thôn Quảng Minh cấy giống lúa trên cũng cho năng suất từ 2,8 đến 3 tạ/sào; mỗi sào trung bình cho thu nhập khoảng 1,7 triệu đồng, lại không mất công phơi thóc nên bà con rất phấn khởi. Qua hai vụ triển khai, theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, từ khảo sát ở những nơi trồng thí điểm cho thấy giống lúa Nihonmai có nhiều ưu điểm như: Thời gian sinh trưởng ngắn, khoảng 90-95 ngày, đẻ nhánh khỏe, thấp cây, gọn lá, trỗ bông tập trung, thoát cổ bông, khả năng chịu rét tốt, chịu sâu bệnh khá, hạt gạo sau khi xát trắng trong, cơm mềm, hàm lượng dinh dưỡng cao. Đặc biệt, giống lúa này có thể gieo cấy được trên nhiều chân đất ruộng và công thức luân canh cây trồng khác nhau song vẫn bảo đảm năng suất, mang lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với định hướng phát triển gieo cấy các giống lúa chất lượng cao của tỉnh. 

Anh Đỗ Đặng Lộc, Chủ nhiệm dự án cho biết: Đến nay, dự án đã hỗ trợ bà con sản xuất 136 ha. Tuy nhiên, diện tích thực tế canh tác có thể lớn hơn nhiều, riêng diện tích vụ xuân hè năm 2017 là 160 ha (100 ha hỗ trợ từ dự án, 60 ha tự nhân rộng). Lợi ích lớn nhất từ dự án là đưa giống mới, hỗ trợ tập huấn quy trình canh tác; đồng thời liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm đầu ra cho bà con nông dân.

Mặc dù có nhiều ưu điểm vượt trội song theo bà con nông dân, khi trồng và chăm sóc cần lưu ý, do lúa chín rất sớm nên trong quá trình gieo trồng cần bố trí thời vụ hợp lý (thời gian gieo mạ muộn hơn) để lúa chín đại trà. Ngoài ra, hạt thóc bám vào bông chắc hơn các giống khác nên cần thu hoạch bằng phương tiện chuyên dụng. Nếu thu hoạch thủ công, sử dụng máy tuốt hoặc máy phụt sẽ sót hạt thóc. 

Ông Lương Đức Tịnh, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Lạng Giang thông tin: Từ hiệu quả sản xuất, vụ mùa tới, ngoài 14 ha tiếp tục được hỗ trợ theo dự án, bà con nông dân trong huyện đã đăng ký mua giống để sản xuất thêm 186 ha tại các xã Phi Mô, Tân Thịnh và Tân Hưng. Để hỗ trợ người dân tham gia sản xuất có hiệu quả, cơ quan chủ trì dự án sẽ tiếp tục phối hợp với Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện tập huấn quy trình canh tác. Ký kết hợp đồng với Công ty TNHH An Đình - nhà sản xuất và phân phối các mặt hàng gạo Nhật Bản cao cấp hàng đầu tại Việt Nam bao tiêu sản phẩm với giá cao.

Hoàng Thoa

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...