Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 36 °C / 27 - 34 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Đại biểu nhân dân với cử tri >> Tin tức thời sự
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Hải chỉ đạo: Kịp thời tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy cứng hóa đường nông thôn

(BGĐT) - Ngày 30-1, HĐND tỉnh tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 1-2018 cho ý kiến vào báo cáo giải trình kết quả cung ứng, thanh toán xi-măng và đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn (GTNT) theo Nghị quyết 07 của HĐND tỉnh. Đồng chí Bùi Văn Hải, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì. Cùng dự có các đồng chí Thường trực HĐND, UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành, UBND các huyện và đơn vị liên quan. 
{keywords}

Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Hải kết luận phiên họp.

Tiến độ chậm, nhiều vướng mắc

Trao đổi tại phiên họp, nhiều ý kiến cho rằng tiến độ triển khai Nghị quyết 07 của HĐND tỉnh chậm, chưa bảo đảm kế hoạch đề ra. Việc cung ứng xi-măng của Công ty cổ phần Xi măng Bắc Giang (Công ty Xi măng Bắc Giang) không kịp thời, nhiều địa phương đã chuẩn bị vật liệu, nhân lực nhưng không có xi-măng làm đường, các phương tiện phải xếp hàng, chờ đợi tại doanh nghiệp từ 2- 4 ngày làm tăng chi phí vận chuyển, đơn giá công trình. Một số tuyến đường đã thi công nền, tập kết đầy đủ cát, sỏi nhưng phải chờ xi-măng đến hai tháng gây bức xúc trong nhân dân... Ông Bùi Thế Sơn, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) nêu, ban đầu Công ty Xi măng Bắc Giang cam kết mỗi tháng có thể cung cấp khoảng 1 nghìn tấn xi-măng cho các địa phương làm đường nhưng thực tế chỉ đạt từ 500 - 600 tấn. Hơn nữa, do việc triển khai dồn vào cuối năm trong khi một số huyện tỏ ra nóng vội, có nơi chưa quan tâm thực hiện khiến việc cung ứng khó khăn.    

Đến nay, toàn tỉnh đã cứng hóa 266,3/374,15 km đường GTNT theo cơ chế hỗ trợ xi-măng của tỉnh, tương ứng với khối lượng xi-măng đạt khoảng 74% kế hoạch năm 2017. Tỷ lệ thanh toán so với khối lượng xi-măng của đơn vị cung ứng đạt 91,45%.

Bên cạnh đó, chất lượng các tuyến đường cũng được nhiều đại biểu quan tâm khi đa phần không bảo đảm thiết kế như hạng mục khe co giãn, lề đường, rãnh thoát nước. Để giảm chi phí đầu tư, nhiều địa phương đã tận dụng vật liệu tại chỗ như đá, cát, sỏi không đạt chuẩn, lẫn tạp chất. Nhiều tuyến đường chưa bảo đảm độ dày, chiều rộng theo quy định. Còn nhiều ý kiến người dân về chất lượng xi-măng khi một số tuyến đường tại các huyện: Lục Nam, Lạng Giang, Hiệp Hòa và Tân Yên xảy ra tình trạng xi-măng chậm đông kết khiến bà con lo lắng. Cụ thể, theo tiêu chuẩn quá trình xi-măng đông kết từ 45 phút đến 7 giờ nhưng có nơi kéo dài hơn 24 giờ, thậm chí 48 giờ sau thi công. Ông Nguyễn Thái Lai, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Yên đề nghị Sở Xây dựng sớm lấy nhiều mẫu, kiểm định rõ chất lượng tại các tuyến đường đã thi công, kịp thời thông tin để người dân yên tâm thực hiện thời gian tới. Công tác chi trả, thanh toán tiền xi-măng cho đơn vị cung ứng trong giai đoạn đầu còn chậm…

Gỡ khó để phát triển phong trào

Các ý kiến khẳng định, với cách triển khai hiện nay rất khó hoàn thành kế hoạch cứng hóa đường GTNT năm 2018 và thời gian tiếp theo. Nhiều đại biểu cho rằng cần lựa chọn thêm đơn vị cung ứng xi-măng. Thực tế, ngày 25-1, UBND tỉnh đã có văn bản cho phép UBND các huyện: Tân Yên, Việt Yên, Hiệp Hòa và Lục Ngạn chủ động làm việc, thống nhất với đơn vị cung cấp xi-măng hiện tại về khả năng, tiến độ cung ứng, cân đối lựa chọn thêm các đơn vị cung cấp xi-măng để đáp ứng yêu cầu tiến độ thi công trên thực tế. Theo ông Cao Văn Hoàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Lục Ngạn, thực hiện chủ trương này, mấy ngày gần đây, Lục Ngạn đã lựa chọn đơn vị cung cấp, sử dụng thêm xi-măng Hải Dương với khối lượng khoảng 300 tấn/ngày để bảo đảm kế hoạch làm đường năm 2017 xong trước Tết Nguyên đán năm 2018.

Tuy vậy, theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lại Thanh Sơn, 2018 là năm cao điểm với hơn 130 nghìn tấn xi-măng được hỗ trợ để người dân làm đường. Theo đó, sau Tết Nguyên đán, UBND tỉnh sẽ tổng kết, rút kinh nghiệm, hạn chế thấp nhất vướng mắc hiện nay. Quan điểm của UBND tỉnh là tiếp tục lựa chọn Công ty Xi măng Bắc Giang là đơn vị cung ứng nhưng sẽ điều hành linh hoạt, có thể lựa chọn thêm các đơn vị cung cấp tại các thời điểm thích hợp để bảo đảm tiến độ đề ra. Lãnh đạo Sở Xây dựng khẳng định sẽ tiếp tục lấy mẫu kiểm tra, bảo đảm chất lượng xi-măng trong thời gian tới. 

{keywords}

Người dân xã Xương Lâm (Lạng Giang) làm đường bê tông.

Kết luận nội dung này, đồng chí Bùi Văn Hải khẳng định, hỗ trợ xi- măng cứng hóa đường GTNT là chủ trương lớn, đúng và trúng, được người dân đồng tình hưởng ứng, trở thành phong trào sôi nổi, rộng khắp. Những vướng mắc gặp phải hiện nay là do phong trào phát triển quá nhanh và lan rộng, cần sớm được quan tâm khắc phục trong thời gian tới. Đồng tình với quan điểm tiếp tục lựa chọn xi-măng Bắc Giang, đồng chí cho rằng công tác triển khai thời gian qua còn ngắn, dồn vào cuối năm, việc thi công các tuyến đường do người dân tự thực hiện nên chất lượng, quy mô chưa đồng đều. Vì thế, UBND các huyện cần sớm lập kế hoạch từ đầu năm, thông tin rõ khối lượng, diện tích thực hiện từng tháng đối với các thôn, xã giúp chủ động hơn trong cung ứng. Trong các thời điểm nhất định, UBND tỉnh cần điều hành linh hoạt, có thể lựa chọn thêm đơn vị cung cấp nhằm bảo đảm tiến độ thi công đường. 

Đồng chí Bùi Văn Hải đề nghị, vẫn giữ nguyên quy mô chiều rộng các tuyến đường là 3,5 m, trường hợp đặc biệt không thể giải phóng mặt bằng thì có thể nhỏ hơn nhưng không quá 3 m. Đối với thôn, xã miền núi quá khó khăn, Sở GTVT, UBND các huyện cần nghiên cứu chính sách đặc thù, kịp thời hỗ trợ, điều chỉnh quy mô phù hợp thúc đẩy phong trào phát triển rộng khắp. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, hướng dẫn bảo đảm kết cấu, thiết kế các công trình. Các sở, ngành tập trung tuyên truyền, cổ vũ để phong trào làm đường GTNT phát triển mạnh hơn trong năm 2018, phấn đấu hoàn thành chương trình hỗ trợ vào năm 2019.

Nhóm PV Kinh tế

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...