Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 32 °C / 26 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội / Hành động vì môi trường sạch
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Thiếu chế tài, thu phí vệ sinh đạt thấp

Cập nhật: 15:04 ngày 26/07/2017
(BGĐT) - Hiện nay, lượng rác thải xả ra môi trường ngày càng lớn song nhiều nơi, việc thu gom, xử lý chưa triệt để dẫn đến tình trạng rác tồn đọng, gây ô nhiễm. Nguyên nhân là do các địa phương thu phí vệ sinh đạt tỷ lệ thấp, khó duy trì hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải.
{keywords}

Rác tồn lưu tại thôn Nội, xã Nội Hoàng (Yên Dũng).

Thất thu gần một nửa

Theo quy định tại Nghị quyết số 10/2014/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, tất cả các hộ dân, tổ chức kinh tế có hoạt động xả rác phải có trách nhiệm nộp phí vệ sinh. Mức thu quy định đối với các hộ trong ngõ và ngoài mặt đường ở thành phố từ 12-20 nghìn đồng/hộ/tháng; nông thôn 10-15 nghìn đồng/hộ/tháng. Hộ kinh doanh, nhà hàng, khách sạn 100 nghìn đồng/tháng. Khoản thu này được sử dụng để chi trả cho hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý rác.

Quy định là vậy nhưng theo số liệu thống kê sơ bộ của ngành chức năng, toàn tỉnh mới có khoảng 160/204 xã (không kể 10 phường và 16 thị trấn) tổ chức thu phí, tỷ lệ thu bình quân đạt khoảng 56%. Nhiều địa phương có tỷ lệ thu rất thấp như: Sơn Động, Yên Thế, Lục Ngạn, Hiệp Hòa, Tân Yên. Trong đó huyện Sơn Động, Yên Thế chỉ có 1/3 số xã; Lục Ngạn gần một nửa số xã thu được phí song tỷ lệ chỉ đạt 20-30%, thậm chí có xã còn “bỏ trắng” khoản thu này. Ông Nguyễn Quang Lượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Yên cho biết, mặc dù năm 2013, Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với việc bảo đảm vệ sinh môi trường nhưng đến nay, tỷ lệ thu phí vệ sinh toàn huyện chưa đạt 60%. Huyện còn 4/24 xã chưa tổ chức thu loại phí này gồm: Đại Hóa, Tân Trung, Cao Xá, An Dương. Tìm hiểu được biết, tại các xã tổ chức thu được phí song mức thu cơ bản thấp hơn so với quy định, phổ biến 5 -10 nghìn đồng/hộ/tháng. Hay tại thôn Hương Ninh, xã Hợp Thịnh (Hiệp Hòa) có khoảng 300 hộ dân nhưng chỉ có 80% nộp phí với tổng số tiền gần 2,4 triệu đồng/tháng, không đủ chi trả cho gần chục thành viên thu gom rác hằng tháng.

Tỷ lệ thu phí vệ sinh đạt thấp trước hết là do người dân phớt lờ trách nhiệm của mình. Nhiều hộ viện đủ lý do như gia đình tự xử lý nên không nộp phí nhưng trên thực tế chỉ đốt thủ công để lại đám cháy tại rìa làng khiến các tổ vệ sinh phải thu dọn. Đó là chưa kể có hộ không nộp phí nhưng vẫn tranh thủ sáng sớm hoặc đêm tối vứt rác bừa bãi ra đường. Bà Phan Thị Ngọc, Giám đốc Công ty TNHH Vệ sinh môi trường thị trấn Đồi Ngô (Lục Nam) phản ánh, doanh nghiệp đang thu gom rác cho một số xã. Tuy nhiên, việc thu phí gặp không ít trở ngại, nhân viên phải đi lại nhiều lần vẫn không thu được. Trong khi đó, hiện nay tỉnh chưa có chế tài xử lý vấn đề này (tương tự như việc các hộ không nộp tiền sẽ bị cắt điện, nước). Lo ngại hơn, chính quyền cấp huyện, xã được giao trách nhiệm thu phí nhưng nhiều nơi chưa tích cực vào cuộc, còn tình trạng buông lỏng quản lý, không thực hiện. Hầu hết, các xã thường giao cho thôn hoặc tổ vệ sinh thu và tự chi trả ngày công.

Phấn đấu nâng tỷ lệ thu phí lên 90%

Một số xã ở huyện Lạng Giang đang áp dụng cách thu phí vệ sinh và quản lý, sử dụng khá hiệu quả, có thể nhân rộng. Điển hình như ở xã Mỹ Hà. UBND xã thành lập các đội thu phí do các ban, ngành, đoàn thể phụ trách, xã trực tiếp quản lý tiền phí, điều hành công việc, trả thù lao cho lao động. Hai xã Tân Dĩnh, Xuân Hương gắn việc thu phí với thu các loại thuế nông nghiệp thành hai đợt trong năm sau vụ thu hoạch lúa.

Những năm trước đây, trong tỉnh đã có khá nhiều tổ vệ sinh môi trường được thành lập trên cơ sở quyết định của UBND các xã, thị trấn. Mỗi thôn, khu phố có 1-2 tổ vệ sinh môi trường, mỗi tổ có từ 2-10 người. Các tổ có trách nhiệm thu gom, vận chuyển rác về bãi tập kết để xử lý, hạn chế ô nhiễm. Tuy nhiên, do kết quả thu phí đạt thấp đã làm ảnh hưởng đến việc duy trì hoạt động. Qua khảo sát, phổ biến là một lao động thu gom lượng rác nhiều, trong môi trường độc hại từ 8-12 ngày/tháng nhưng thu nhập chỉ vài trăm nghìn đến hơn một triệu đồng. Nhiều tổ trưởng tổ vệ sinh môi trường phản ánh do mức thù lao rất thấp nên phải dành thời gian đi làm thuê để lo cho cuộc sống. Thậm chí cũng bởi thiếu kinh phí, nhiều nơi không thành lập được tổ vệ sinh hoặc có thì cũng “chết yểu”, hoạt động cầm chừng. Hậu quả là rác tràn lan khắp nơi, gây ô nhiễm môi trường. Đơn cử như tại xã Tiền Phong, Nội Hoàng (Yên Dũng), xã Cao Xá (Tân Yên), xã Phương Sơn (Lục Nam)...

Ông Vũ Văn Tưởng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở đang phối hợp, đôn đốc các huyện thực hiện nghiêm Đề án thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải nông thôn giai đoạn 2015-2020. Đồng thời đề nghị các huyện, TP có giải pháp, xây dựng lộ trình thu phí, phấn đấu nâng tỷ lệ thu phí vệ sinh lên 90% khi đề án kết thúc. Sở tham mưu với UBND tỉnh giao chỉ tiêu thu phí cho các huyện, TP nhằm duy trì hoạt động của các tổ thu gom rác”.

Cùng đó, UBND cấp huyện cần khẩn trương kiểm tra, rà soát kết quả thu phí tại tất cả các xã, thị trấn để có biện pháp kiên quyết trong chỉ đạo; có thể xem xét quy trách nhiệm cho người đứng đầu và đưa việc thu phí vào nội dung bình xét thi đua, xét gia đình, làng văn hóa. Hộ không nộp phí thì nhắc nhở trên loa truyền thanh kết hợp tăng cường kiểm tra, xử phạt nghiêm nếu đổ rác bừa bãi.

Minh Linh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...