Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 27 °C / 27 - 40 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội / Hành động vì môi trường sạch
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Xây dựng lò đốt rác thủ công: Lợi bất cập hại

Cập nhật: 10:50 ngày 04/07/2017
(BGĐT) - Mấy năm gần đây, người dân nhiều nơi trong tỉnh Bắc Giang đã xây dựng hàng loạt lò đốt rác thủ công, công suất nhỏ ngay tại gia đình và trên cánh đồng. Phần lớn rác sinh hoạt, kể cả túi ni-lông, vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật đều đưa vào lò để đốt đã phát thải khói, mùi khét gây ô nhiễm môi trường.
{keywords}

Lò thủ công không bảo đảm kỹ thuật, khi đốt rác tỏa khói gây ô nhiễm môi trường.Ảnh: Một lò đốt rác thủ công tại xã Phi Mô (Lạng Giang).

Trở thành điểm ô nhiễm thứ phát

Việt Lập (Tân Yên) là một trong những xã có khá nhiều lò đốt rác thủ công. Ông Nguyễn Văn Đại, Chủ tịch UBND xã cho biết, cuối năm ngoái, Hội Người cao tuổi xã xây dựng Đề án làm lò đốt rác tại gia đình để xử lý chất thải sinh hoạt. Từ đó đến nay, tất cả 13 thôn đều vận động người dân xây hơn 100 lò đốt. UBND xã trích ngân sách hỗ trợ mỗi hộ xây lò 200 nghìn đồng. Các thôn có số lò đốt thủ công nhiều như: Đông Khoát, Cầu Cần, Lý… Các lò được xây bằng gạch, quây trụ tròn, cao chừng 1,2 m, đường kính lòng rộng 70 cm, dưới đáy lắp một số thanh sắt nhỏ chứa rác mỗi khi đốt. Tùy theo lượng rác thải, cứ 3-7 ngày, các hộ đốt một lần.

Kết luận số 43-KL/TU ngày 11-5-2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nêu rõ, các địa phương thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải nông thôn về bãi tập kết, đúng quy định.

Qua quan sát, do lò xây thấp nên mỗi khi đốt, khói bay mù mịt, thậm chí khét lẹt do túi ni-lông cháy nham nhở. Lo ngại hơn, các lò đều xây tại vườn nhà nên khi đốt rác, khói thường bay vào nhà ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng thôn Đông Khoát, như nhiều hộ có lò khác, trừ chai, lọ cứng, còn lại tất cả rác của gia đình đều được đưa vào đốt, kể cả bao bì, túi ni-lông, vỏ thuốc bảo vệ thực vật. Tại xã Phúc Sơn (Tân Yên) cũng có gần 100 hộ dân xây lò đốt rác thủ công. 

Đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện cho biết, ngoài Việt Lập, Phúc Sơn, người dân ở một số xã khác trên địa bàn cũng xây lò đốt rác thủ công với tổng số hơn 200 lò. Hầu hết người dân chưa phân loại rác đúng quy trình trước khi đốt mà cơ bản là đổ lẫn lộn tất cả vào lò để xử lý. 

Xây dựng lò đốt rác thủ công cũng khá phổ biến ở huyện Lạng Giang. Đơn cử như xã Nghĩa Hưng có hơn 100 lò; xã Phi Mô có khoảng 60 lò. Các lò đều được xây rất thấp, diện tích nhỏ, công suất đốt chỉ hơn 100 kg/lần. Không chỉ đốt lá cây khô, vỏ hoa quả mà vải vụn cắt may, bao dứa, bao tải, túi ni-lông đều được đưa vào xử lý. Nhà nhà đốt rác khiến không khí quanh làng, xã luôn có mùi khét. Được biết khi rác thải tại các lò không được đốt triệt để sẽ gây phản ứng hóa học tạo khí độc gây ô nhiễm môi trường.  

Không xây lò đốt rác tại gia đình

Ông Vũ Văn Tưởng, Phó Giám đốc Sở TN&MT cho rằng: “Việc xây dựng lò đốt rác tại gia đình, công suất nhỏ trước mắt sẽ xử lý được lượng rác khô, hạn chế rác phát thải. Tuy nhiên, do các lò này xây dựng không phù hợp với các tiêu chuẩn kỹ thuật, đốt thủ công, nhiệt độ dưới 1 nghìn độ C nên khi đốt, túi ni -lông sẽ tạo ra chất đi-ô-xin có thể gây ra một số bệnh nan y cho con người. Đó là chưa kể khói thường xuyên phát thải ở tầng thấp ngay sát nhà ở của người dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng”. 

Không chỉ vậy, hiện nay việc xây dựng lò đốt thủ công tràn lan, công suất nhỏ không phù hợp với quy hoạch nông thôn mới vì rác thải chưa được đưa về khu xử lý tập trung, bảo đảm vệ sinh môi trường. Đặc biệt, việc xây lò thủ công tại các xã trên địa bàn huyện Tân Yên, Lạng Giang thời gian qua chưa đúng theo nội dung chỉ đạo năm 2016 của Văn phòng Chính phủ, Bộ TN&MT về việc tăng cường quản lý, hạn chế sử dụng lò đốt rác cỡ nhỏ tại Việt Nam. Văn phòng Chính phủ và Bộ TN&MT yêu cầu các tỉnh không xây mới lò đốt chất thải rắn sinh hoạt công suất nhỏ hơn 300 kg/giờ. 

Để từng bước khắc phục tình trạng trên, không để phát sinh thêm các lò đốt thủ công gây ô nhiễm tại các thôn, bản, ngày 29-6 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Linh có văn bản yêu cầu UBND các huyện, TP chỉ đạo các xã, thị trấn không triển khai và hỗ trợ xây lò thủ công quy mô nhỏ ngoài cánh đồng và tại gia đình. Đồng thời khẩn trương kiện toàn, thành lập các tổ, đội vệ sinh, nâng cao hiệu quả công tác thu gom rác đưa về bãi xử lý tập trung. Đi đôi với đó, cấp ủy, chính quyền làm tốt công tác tuyên truyền để người dân, các tổ chức chủ động tham gia thu gom, phân loại rác tại nhà, chỉ đưa rác không tận dụng được về bãi xử lý. Tuyệt đối không đốt thủ công ni-lông, vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại vườn nhà và ngoài cánh đồng để giảm thiểu ô nhiễm. 

Thực hiện chỉ đạo trên, Sở TN&MT đang tập trung phối hợp, hướng dẫn các huyện, TP không khuyến khích xây lò quy mô cấp thôn, hộ gia đình, công suất nhỏ dưới 300 kg/giờ. Đại diện lãnh đạo UBND huyện Lạng Giang và Tân Yên cho biết, huyện yêu cầu các xã thực hiện nghiêm việc quản lý, không để phát sinh thêm lò mới. Đối với các lò đã xây, chỉ sử dụng để đốt rác là lá cây hoặc vỏ hoa quả khô, còn lại các chất thải khác thu gom vận chuyển đến bãi tập trung của xã, huyện để xử lý.

Linh Linh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...