Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 30 °C / 26 - 30 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Tự hào người Bắc Giang
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Đảng viên, trưởng thôn 8X Giáp Văn Tùng: Làm việc nào chắc việc ấy

Cập nhật: 07:00 ngày 20/08/2017
(BGĐT) - Bảy năm về trước, khi mới nhận vai trò “Vác tù và hàng tổng” ở thôn Ngọc Trai, xã Việt Lập (Tân Yên), Giáp Văn Tùng ở tuổi 27, trẻ nhất trong đội ngũ hơn 300 trưởng thôn của huyện lúc bấy giờ. Sau ba khóa với nhiều dấu ấn, vừa qua, Tùng tiếp tục được tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn đồng thời là Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng Đài Truyền thanh xã Việt Lập. 

Có duyên với phong trào

{keywords}

Trưởng thôn Giáp Văn Tùng.

Sinh năm 1983 trong một gia đình nông dân, bố không may mất sớm khi Tùng vài tuổi. Mình mẹ tảo tần nuôi mấy anh em nên Tùng không có điều kiện thi đại học mà rẽ sang làm công nhân ở một doanh nghiệp chuyên về cao su ở Hà Nội. “Thời điểm năm 2002, với mức lương cứng 1,2 triệu đồng/tháng cơm nuôi là mơ ước của nhiều người’- Tùng nhớ lại. Nhận thấy mình có “máu phong trào”, lại làm khoán nên tuần nào Tùng cũng dành từ 1-2 ngày đi xe máy về nhà, vừa giúp mẹ việc đồng áng, vừa tranh thủ tham gia hoạt động đoàn thể ở thôn, nhất là của Đoàn thanh niên. Thấy mẹ vất vả nên sau ba năm làm công nhân, Tùng quyết định nghỉ việc về quê lấy vợ, đồng thời đảm nhận công tác Đội thiếu niên, nhi đồng. Qua 5 lần tham gia trại hè ở xã, thôn Ngọc Trai lần nào cũng giành giải Nhất. Từ thành tích và uy tín đó, Tùng được bầu làm Bí thư Chi đoàn thôn và vinh dự được kết nạp vào Đảng khi vừa tròn 24 tuổi. 

Năm 2010, Chi bộ thôn Ngọc Trai giới thiệu nhân sự bầu trưởng thôn, Tùng là ứng cử viên trẻ nhất. Tùng trúng cử bởi nhiều người cho rằng Tùng trẻ tuổi, năng động, nói được, làm được. “Để dẫn dắt một thôn hơn 150 hộ, khoảng 600 nhân khẩu đối với một đảng viên trẻ tuổi đời, tuổi Đảng như Tùng lúc ấy, em có lo không?”- Tôi hỏi. Tùng cười: “Không những lo mà còn sợ chị ạ. Sợ mình không làm được thì ngại với bà con lắm. Vì vậy, em tự nhủ phải luôn nỗ lực, chịu khó học hỏi, tranh thủ ý kiến của người cao tuổi và những người đi trước, làm sao để tạo được uy tín, niềm tin với bà con”.

Gương mẫu làm trước

{keywords}

Đồng chí Tùng có nhiều cách làm sáng tạo, đem lại kết quả tốt trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân. Xã Việt Lập đang hoàn thiện các thủ tục đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có phần đóng góp không nhỏ của thôn Ngọc Trai và cá nhân Trưởng thôn Giáp Văn Tùng”.


Ông Giáp Văn Hành, Bí thư Đảng ủy xã Việt Lập (Tân Yên)

Với tâm niệm muốn được dân tin, dân quý thì bản thân trước hết phải gương mẫu làm trước. Khi Viện Nghiên cứu giống cây trồng T.Ư đặt vấn đề triển khai nhân giống cây cà chua ở địa phương, để bà con tin tưởng làm theo, trên cương vị trưởng thôn, Tùng đăng ký đầu tiên, đồng thời vận động một số người thân cùng thực hiện. Vụ ấy, mỗi sào cà chua thu nhập gấp gần chục lần cấy lúa. Bà con tin tưởng, tới tấp đăng ký ở vụ sau. Trồng được 5 vụ cho hiệu quả kinh tế cao, khi cơ quan chức năng nhận thấy thị trường bão hòa, Tùng khuyến cáo bà con dừng lại và chuyển sang loại cây khác như: Dưa hấu, ngô ngọt, dưa bao tử. Lúa cũng được gieo cấy bằng giống mới là Thiên ưu và TBR 225 cho năng suất, chất lượng gạo hơn hẳn một số giống truyền thống bà con vẫn sử dụng.  

Trước làn sóng công nghiệp hóa, dân số trong độ tuổi lao động ở thôn đi làm công nhân chiếm khoảng 25%, trong số đó nhiều gia đình có ý định chuyển nhượng ruộng vĩnh viễn. Qua theo dõi báo, đài, xem ti vi được biết đi làm công ty cùng lắm cũng chỉ đến tuổi 35, sau này về làng không có ruộng thì lấy gì làm kế sinh nhai? Vì vậy Tùng khuyên bà con nên giữ lại ruộng hoặc cho thuê, khi cần thì lấy lại để sản xuất. Suy ngẫm thấy đúng, nhiều người tin tưởng nghe theo.

Là đảng viên “3 trong 1”, với vai trò Trưởng thôn, Phó Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng Đài truyền thanh xã Việt Lập, Tùng nhận thấy có nhiều lợi thế khi tổ chức triển khai thực hiện. Mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước khi được tiếp thu ở xã, huyện, Tùng đều triển khai ngay đến chi bộ và hộ dân. Trên cơ sở thu thập, lắng nghe ý kiến bà con, Tùng cùng tập thể Chi bộ tham gia xây dựng nghị quyết sát thực tế, chọn việc phù hợp với đặc điểm tình hình cũng như tài chính của thôn; không đăng ký tràn lan; làm việc nào chắc việc đó. Mặt khác, khi đã đưa vào Nghị quyết của Chi bộ thì phải thực hiện bằng được. 

Chẳng hạn, để xây dựng thôn nông thôn mới, yếu tố “công khai, dân chủ, minh bạch, có lợi cho dân” luôn đặt lên hàng đầu. Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, Tùng cùng Ban lãnh đạo thôn vận động bà con hiến đất mở rộng đường; đóng góp tiền, ngày công. Đối với những hộ còn lưỡng lự, Tùng đến tận nhà tuyên truyền: “Ông bà cứ ngẫm mà xem, nhìn lại hai mươi năm về trước, cả thôn chỉ có vài chiếc xe đạp. Giờ đây cả thôn nhà nào cũng có vài xe máy. Cứ đà phát triển thế này, khoảng chục năm nữa thôi, có khi nửa làng sắm ô tô ấy chứ. Cho nên bây giờ làng ta phải mở rộng đường, con cháu sau này mới đỡ lo tai nạn, đi lại thuận lợi. Các ông, các bà cứ tin lời cháu Tùng đi”. Giờ đây, 95% đường liên thôn, nội thôn ở Ngọc Trai đã đổ bê tông, mở rộng từ 2-2,5 m lên 4-6m mà không tốn đồng nào giải phóng mặt bằng. Số còn lại khoảng 0,6km, thôn đã đăng ký với xã cứng hóa trong thời gian tới theo Kết luận 43 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về hỗ trợ xi măng. Tùng tâm sự: Năm 2014, thôn giải phóng 10.000m2 mặt bằng, gần 20 hộ đã hiến đất bìa đỏ cho thôn để làm sân bóng đá. Ngày ấy nếu không chớp thời cơ, chậm trễ thì đến bây giờ khó giải phóng được. 

Với nỗ lực không ngừng của Ban lãnh đạo thôn, đứng đầu là Trưởng thôn Giáp Văn Tùng và sự đồng lòng của nhân dân, đời sống bà con ngày càng nâng cao, thu nhập bình quân đầu người đạt 35 triệu đồng/năm. Thôn chỉ còn 9 hộ nghèo (chiếm 6%). Các phong trào đều phát triển mạnh. Ngọc Trai đạt chuẩn thôn nông thôn mới.

{keywords}

Hầu hết đường giao thông ở thôn Ngọc Trai đã được mở rộng, đổ bê tông.

Trưởng thôn phải biết làm kinh tế

Cơ ngơi của gia đình Trưởng thôn Giáp Văn Tùng nổi bật giữa thôn với thiết kế biệt thự đẹp mắt, nhiều tiện nghi sinh hoạt đắt tiền. Vườn cây ăn quả xanh mướt, hệ thống chuồng trại nuôi gà, lợn, trâu được bố trí khoa học. Thấy tôi trầm trồ, Tùng cho biết: “Trưởng thôn cũng phải biết làm kinh tế chị ạ. Có kinh tế mới bảo đảm đời sống cho gia đình, như vậy mới yên tâm làm công tác xã hội được. Mình không am hiểu quy trình kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi thì tuyên truyền, hướng dẫn bà con thế nào đây”. Vì vậy, Tùng luôn chịu khó học hỏi, tìm tòi; tận dụng lợi thế đất đai để phát triển nông nghiệp trên chính mảnh đất quê mình. 

Với hơn mẫu ruộng, gia đình luân canh lúa-rau màu. Một năm thả hai lứa gà, mỗi lứa 300 con; trong chuồng lúc nào cũng có 6 lợn nái và hàng chục lợn thịt; ngoài ra còn trâu và trang trại cá... Mỗi năm thu hàng trăm triệu đồng. Vợ là công nhân đi sớm về muộn, mẹ cũng đã có tuổi, hai con gái đang đi học nên công việc đồng áng dồn nhiều lên đôi vai Tùng. Để có thời gian tham gia công tác xã hội, Tùng luôn tranh thủ dậy sớm để làm. Việc thôn nhiều khi làm cả buổi tối. Cách đây hai tháng, Tùng được giao nhiệm vụ Trưởng Đài truyền thanh xã, bà con quý mến gọi anh bằng tên thân mật là "nhà báo" của làng. Công việc xã hội càng thêm bận rộn nhưng Tùng chủ động bố trí thời gian để vào cuối buổi chiều mỗi ngày, bà con có thêm thông tin qua hệ thống loa truyền thanh.

Bận rộn như vậy nhưng Tùng vẫn sắp xếp thời gian theo học khóa I, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (hệ tại chức) chuyên ngành quản lý nhà nước mở tại Trường Chính trị tỉnh. Hơn ba năm miệt mài sáng đi tối về trên quãng đường gần 20km, ở tuổi 34, Tùng xúc động khi chuẩn bị nhận bằng tốt nghiệp đại học. Đây là hành trang quan trọng cho quãng đường tiếp theo cũng là viết tiếp giấc mơ đại học dở dang khi xưa của Tùng.

Thu Phong

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...