Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 34 °C / 27 - 34 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Giáo dục
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Nhiều nhà vệ sinh trường học không đạt chuẩn

Cập nhật: 15:37 ngày 18/09/2018
(BGĐT)- Nhà vệ sinh (NVS) là hạng mục không thể thiếu trong trường học, góp phần chăm sóc, bảo vệ sức khỏe học sinh. Thế nhưng ở vùng nông thôn, miền núi hay khu vực trung tâm huyện, TP hiện vẫn có tình trạng một số NVS bẩn, không mái che, nền ẩm thấp, đường ống bục vỡ, rò rỉ...

Tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh 

Theo tổng hợp của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Bắc Giang, năm học 2017-2018, trong số hơn 3,4 nghìn NVS tại các cơ sở giáo dục thì chỉ có 2,3 nghìn công trình xây dựng kiên cố (chiếm 67,3%), còn lại 830 NVS bán kiên cố, 190 NVS tạm. Tình trạng NVS xuống cấp, hư hỏng xảy ra ở tất cả các cấp học.

Trường Mầm non Sao Mai, phường Trần Phú (TP Bắc Giang) có 10 lớp, hơn 350 học sinh. Từ năm 2008, các phòng học xây dựng theo quy chuẩn mới bao gồm phòng học, phòng ngủ, hiên chơi, NVS  trong một khu vực khép kín. Sau nhiều năm sử dụng, đa số thiết bị vệ sinh chuyển màu ố vàng; đường ống vỡ, rò rỉ nước thải ra ngoài môi trường và bốc mùi hôi rất khó chịu. Theo bà Nguyễn Liên Tỉnh, Hiệu trưởng nhà trường, năm nào nhà trường cũng trích kinh phí thuê thợ xử lý thông tắc nhưng tình trạng trên vẫn chưa được khắc phục hoàn toàn.

{keywords}

Nhà vệ sinh ở điểm Trường Mầm non, Tiểu học bản Suối Chạc, xã Phong Vân (Lục Ngạn) không bảo đảm vệ sinh. Ảnh chụp ngày 17-9.

 Tại Trường Tiểu học và THCS Tân Hiệp (Yên Thế), NVS ngăn thành 2 khu nam - nữ riêng nhưng diện tích quá nhỏ, bốc mùi hôi hám. NVS ở khu dành cho học sinh THCS, cửa ra vào làm bằng gỗ lâu ngày đã mục ruỗng, không có then cài, rác thải lưu cữu mất vệ sinh nghiêm trọng. Còn tại khu tiểu học, nền NVS trũng thấp, nước thải tràn cả ra ngoài, chậu rửa tay cáu bẩn. Em Nguyễn Hồng N, học sinh lớp 9 cho biết em hạn chế uống nước để tránh phải đi vệ sinh ở trường. Quan sát tại đây nhận thấy NVS thiếu xà phòng rửa tay, khăn lau, nước tẩy rửa. Còn ở Trường Tiểu học Đông Sơn, tại thôn Đồi Lánh, NVS không có mái che, bể chứa nước vệ sinh nổi váng, rêu xanh, cáu bẩn. 

Theo quy định, NVS trường học theo quy chuẩn phải bảo đảm 100 học sinh có một bồn cầu, 50 học sinh có một mét dài hố tiêu, nền nhà cao ráo, không ứ đọng nước; có bồn rửa tay, cửa, mái che kín đáo. Với các trường từ THCS trở lên, NVS phải có nhà tắm hoặc phòng thay đồ cho học sinh nữ. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, NVS bẩn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của học sinh bởi nơi đây là ổ dịch lây bệnh truyền nhiễm, phổ biến là chân tay miệng, tả, tiêu chảy, sỏi thận; giun sán. Nguy hại hơn, tâm lý học sinh sợ, nhịn đi vệ sinh ở trường học dẫn đến lười uống nước, ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất trong cơ thể... 

Không còn là công trình phụ

Trước thực trạng báo động về NVS xuống cấp thời gian qua, Sở GD&ĐT, UBND tỉnh, các huyện, TP và nhà trường đã tích cực kêu gọi nguồn lực tài trợ xây mới hoặc cải tạo NVS trường học. Nhờ vậy, ở một số địa phương, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và nhà trường không còn quan niệm NVS là “công trình phụ”. Từ đầu năm đến nay, các cơ sở giáo dục có hàng chục công trình NVS mới hoàn thiện, đưa vào sử dụng. Riêng tại huyện Hiệp Hòa cũng có gần 20 trường được cải tạo, xây NVS từ nguồn vốn ngân sách địa phương và các tổ chức phi chính phủ tài trợ. Tại TP Bắc Giang, UBND TP quyết tâm xóa NVS bẩn, xuống cấp ở 18 trường học. Đến nay đã có 7 trường gồm: Mầm non Song Mai, Sao Mai (phường Trần Phú), Bình Minh (phường Xương Giang), Dĩnh Kế, Dĩnh Trì; Tiểu học Trần Phú và THCS Song Mai được ốp, lát lại nền, thay đường ống nước... Bà Lê Thị Kiểm, Phó trưởng Phòng Quản lý Đô thị TP cho biết, với các Trường Tiểu học Dĩnh Trì, THCS Trần Phú, Ngô Sĩ Liên, Tiểu học Tân Mỹ có sĩ số học sinh tăng nhanh, công trình NVS xây từ hàng chục năm nay xuống cấp nghiêm trọng sẽ được TP xây mới toàn bộ từ ngân sách TP, giá trị từ 1,2 - 1,4 tỷ đồng/công trình. 

Theo tổng hợp của Sở Giáo dục và Đào tạo, năm học 2017-2018, trong số hơn 3,4 nghìn NVS tại các cơ sở giáo dục thì chỉ có 2,3 nghìn công trình xây dựng kiên cố (chiếm 67,3%), còn lại 830 NVS bán kiên cố, 190 NVS tạm. Tình trạng NVS xuống cấp, hư hỏng xảy ra ở tất cả các cấp học.

Tương tự, trước thực trạng NVS Trường Tiểu học Tân Dĩnh (Lạng Giang) đã xuống cấp, 8 học sinh khuyết tật vẫn phải sử dụng chung NVS với các bạn, cấp ủy, chính quyền đã trích kinh phí đầu tư tu bổ, sửa chữa. Theo ông Đào Tiến Học, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Dĩnh, bằng nhiều nguồn, địa phương đã đầu tư hơn 4,5 tỷ đồng tăng cường cơ sở vật chất, trong các hạng mục xây dựng có công trình NVS.  

Đề cập đến vấn đề khắc phục NVS xuống cấp, ông Nguyễn Văn Thêm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT nói: “Để có những công trình vệ sinh bảo đảm chất lượng, các cơ sở giáo dục cần đẩy mạnh tuyên truyền, kêu gọi cấp ủy, chính quyền, các tổ chức, cha mẹ học sinh tích cực vào cuộc. Người đứng đầu cơ sở giáo dục cần đánh giá đúng tầm quan trọng của NVS trường học, dành kinh phí tu sửa, cải tạo nâng cấp công trình vệ sinh. Cùng đó, lồng ghép tuyên truyền, giáo dục học sinh nâng cao ý thức sử dụng, bảo quản, giữ gìn thiết bị, vệ sinh sạch sẽ.

Học sinh cấp ba sáng chế mô hình nhà vệ sinh trường học tự động
Mô hình nhà vệ sinh trường học tự động sẽ giải quyết rất nhiều vấn đề cấp thiết và bất cập hiện nay. 
 
Samsung hỗ trợ 6,7 tỷ đồng xây nhà vệ sinh trường học ở Bắc Giang
Trong một thông báo, Công ty Samsung Việt Nam cho biết sẽ đầu tư 6,7 tỷ đồng xây mới 26 nhà vệ sinh cho trường tiểu học và trung học cơ sở ở các huyện khó khăn của tỉnh Bắc Giang.
 
Nhà vệ sinh trường học: Không thể xem nhẹ
(BGĐT) - Do chưa được quan tâm đúng mức nên hệ thống nhà vệ sinh (NVS) ở nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Bắc Giang trong tình trạng thiếu hoặc có cũng như không. 
 

Hải Vân

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...