Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 31 °C / 26 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Giáo dục
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Đánh vần tiếng Việt “lạ”: Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thẩm định

Cập nhật: 19:58 ngày 28/08/2018
“Hội đồng thẩm định quốc gia đã thẩm định và chấp nhận cho phép địa phương nào muốn thì tổ chức dạy học theo tài liệu của chương trình này. Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cũng không xác minh đây là trường học nào hay cô giáo nào bởi họ dạy theo yêu cầu của tài liệu Tiếng Việt 1 Công nghệ Giáo dục”.
{keywords}

Cô giáo dạy học sinh cách đánh vần "lạ" (Ảnh: Từ clip).

Trên đây là trao đổi của ông Nguyễn Đức Hữu, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) với báo chí, về việc giáo viên có cách đánh vần “lạ” đang gây xôn xao cộng đồng mạng.

Được biết, cách đánh vần “lạ” này là theo tài liệu của Chương trình Công nghệ Giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại.

Cũng theo ông Hữu, chương trình Công nghệ giáo dục (CNGD) của GS Hồ Ngọc Đại nghiêng về ngữ âm học cho nên người ta dạy theo hướng đó và Hội đồng thẩm định quốc gia của Bộ GD&ĐT đã thẩm định là không sai khi đưa ra một cách tiếp cận mới, nhưng khác hay như các phụ huynh nói là “lạ” với cách của chương trình đại trà hiện hành.

Được biết, CNGD là đề tài nghiên cứu cấp quốc gia của GS Hồ Ngọc Đại, được áp dụng thí điểm từ năm 1978 tại Trường Thực nghiệm (nay là PTCS Thực nghiệm) Hà Nội dưới sự quản lý, giám sát của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam- Bộ GD&ĐT.

Từ đó đến năm 1985, chương trình được mở rộng ra các tỉnh có nhu cầu. Đến năm 1990, đề tài của GS Đại được nghiệm thu, thành lập Trung tâm Công nghệ giáo dục, chương trình này bắt đầu chuyển sang giai đoạn đại trà, thực hiện ở 43 tỉnh thành tính đến năm 2000.

Do quy định một chương trình, một bộ sách giáo khoa cùng với việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2000 nên CNGD phải dừng lại vào năm 2001.

Năm 2008, Lào Cai là tỉnh duy nhất ở phía Bắc cùng với 5 tỉnh phía Nam tiếp tục quay lại chương trình này.

Năm học 2010 - 2011, Bộ GD&ĐT cho phép thí điểm thêm một phương pháp, một tài liệu dạy tiếng Việt cho học sinh lớp 1 (gọi tắt là tiếng Việt 1 - CNGD) với địa phương nào có nhu cầu và đăng ký với Bộ.

Năm học 2013-2014, có 37 tỉnh thành trong cả nước tự nguyện đăng ký và chính thức áp dụng CNGD nên Bộ GD&ĐT không gọi thí điểm nữa mà cho phép triển khai nếu địa phương có nhu cầu. Bộ GD&ĐT là cơ quan chịu trách nhiệm trong việc cho phép lưu hành bộ sách giáo khoa tiếng Việt CNGD.

Ngày 27-8, trao đổi với báo chí, GS Hồ Ngọc Đại cho hay, cách đánh vần này được dạy theo bộ sách Tiếng Việt lớp 1 CNGD, được xây dựng trên tinh thần giải pháp công nghệ giáo dục do ông khởi xướng. Cách đánh vần theo bộ sách này đến nay đã được triển khai ở 49 địa phương với hơn 800.000 học sinh theo học.

Theo Dân trí

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...