Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 36 °C / 27 - 39 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Giáo dục
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Đổi mới giáo dục phổ thông mang tính mở, khơi dậy sáng tạo

Cập nhật: 08:47 ngày 10/08/2018
Ngày 9-8, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc họp với các chuyên gia để góp ý kiến về Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ Giáo dục và Đào tạo. 
{keywords}

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)

Dự buổi làm việc, còn có các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực gồm văn hóa, giáo dục, văn học nghệ thuật... 

Cần tính toán mức độ dạy tích hợp 

Các đại biểu dự họp đã cho ý kiến về một số nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau trong dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể do Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố. 

Với kinh nghiệm tham gia vào hai lần xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông, Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Kiều, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đánh giá Chương trình lần này mang tính mở thể hiện ở chương trình khung, chương trình địa phương, kế hoạch giáo dục của từng trường. 

Lần đầu tiên Chương trình xác định mục tiêu phát triển năng lực, phẩm chất của từng học sinh và giải quyết mong muốn này bằng những giải pháp cụ thể từ dạy, học, đánh giá, xây dựng môi trường học tập. 

Những tranh luận, góp ý cho một chương trình giáo dục phổ thông không bao giờ hết. Vì vậy, quá trình tồn tại và triển khai Chương trình cần điều chỉnh, bổ sung, phát triển chứ không phải ban hành xong mà ngưng lại, đóng kín mà luôn thể hiện tính mở. 

Nhiều ý kiến cũng đề nghị Ban Phát triển Chương trình xem xét, cân nhắc hai phương pháp dạy "tích hợp" và "tổ hợp" trong điều kiện của Việt Nam hiện nay. 

Cần đánh giá đầy đủ, toàn diện yêu cầu giảm tải chương trình 

Theo Nhà giáo nhân dân Trần Tiến Dũng, Hiệu trưởng THCS, THPT Thăng Long, tình trạng quá tải chương trình học hiện nay có nguyên nhân sâu xa là do không đủ thời gian giảng dạy.

Cũng theo một số chuyên gia, nguyên nhân quá tải của chương trình phổ thông hiện nay đang "thừa cái không cần, thiếu cái cần, phương pháp dạy học mang tính nhồi nhét, cơ sở vật chất không đủ…"

Vì vậy, nhiều chuyên gia đề nghị việc cắt giảm kiến thức để giảm tải cần xem xét thận trọng để lựa chọn được những khối kiến thức cần thiết, bổ ích. 

Về lâu dài phải bảo đảm đầy đủ cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, thay đổi phương pháp giảng dạy, đánh giá… mới tạo hứng thú cho học sinh. Bên cạnh đó phải làm sao để giáo viên không bị quản quá chặt theo khuôn mẫu. 

Thực hiện thận trọng, tiếp thu, giải trình đầy đủ các luồng ý kiến 

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tiếp thu các ý kiến chuyên gia. 

Đồng thời, khi công bố Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể phải làm rõ với 2 nguyên tắc lớn: Chương trình đổi mới lần này mang tính mở, khơi dậy sáng tạo, tự chủ của địa phương, nhà trường, giáo viên và thường xuyên được cập nhật. 

Sau khi công bố Chương trình, khi triển khai biên soạn sách giáo khoa, tài liệu học tập bên dưới cần phát động đồng thời phong trào giáo viên biên soạn bài giảng theo Chương trình mới.

Đồng thời, hình thành mạng lưới các chuyên gia, nhà khoa học và ban soạn thảo Chương trình để tiếp tục góp ý, điều chỉnh, bổ sung. 

Theo Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về việc điều chỉnh lộ trình thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, chuẩn bị đến thời điểm Bộ Giáo dục và Đào tạo phải công bố Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Đây là trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng đây là một khâu rất quan trọng trong đổi mới giáo dục cần thực hiện thận trọng, tiếp thu, giải trình đầy đủ các luồng ý kiến. 

Dù đã chuẩn bị công bố song vẫn có nhiều chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan tổ chức, cá nhân… tiếp tục có đóng góp tâm huyết và mong muốn được gặp gỡ, trao đổi với lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban Phát triển Chương trình. 

Đổi mới là quá trình cọ xát rất nhiều luồng ý kiến và không thể làm hài lòng hết tất cả nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tiếp thu một cách cầu thị, theo sát các nội dung, yêu cầu của Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, các Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa. 

Chương trình phải kế thừa những thành tựu phát triển trước đây, không sao chép nguyên xi mô hình bên ngoài mà phải đúng xu thế quốc tế, phù hợp với điều kiện của Việt Nam, Phó Thủ tướng lưu ý. 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị bên cạnh việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất theo lộ trình, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần làm tốt công tác tư tưởng cho thầy cô giáo; chú trọng hoạt động thông tin, tuyên truyền. 

Bên cạnh đó, Bộ cần tiếp tục tiếp nhận ý kiến của chuyên gia, đặc biệt là các hội chuyên ngành về lịch sử, sinh học, toán học, văn học… đến trước thời điểm công bố để phân loại mức nào tiếp thu, mức nào giải trình, phân tích lại.

Theo Vietnamplus

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...