Thứ tư, 08/05/2024
Bắc giang 27 °C / 24 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Giáo dục
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Quốc hội đồng ý triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới theo hình thức cuốn chiếu

Cập nhật: 10:33 ngày 22/11/2017
Quốc hội đồng ý cho phép lùi thời gian và thực hiện phương thức triển khai cuốn chiếu tuần tự chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới; thời hạn bắt đầu áp dụng chậm nhất là từ năm học 2020-2021 đối với cấp tiểu học, từ năm học 2021-2022 đối với cấp trung học cơ sở và từ năm học 2022-2023 đối với cấp trung học phổ thông.
{keywords}

Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết và hai luật trong chiều 21-11.

Chiều 21-11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết điều chỉnh lộ trình thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông cùng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài và Luật Thủy sản (sửa đổi).

Quốc hội cũng đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội về dự thảo Nghị quyết điều chỉnh lộ trình thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28-11-2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Quốc hội cũng đã nghe Phó Tổng Thư ký Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày dự thảo Nghị quyết điều chỉnh lộ trình thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28-11-2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (GDPT).

Qua thảo luận, phiếu xin ý kiến, hầu hết các đại biểu Quốc hội đồng ý lùi thời gian thực hiện Nghị quyết 88 và thay đổi triển khai chương trình, sách giáo khoa GDPT mới theo hình thức cuốn chiếu tuần tự, năm đầu tiên áp dụng với lớp đầu cấp tiểu học, năm thứ hai đối với lớp đầu cấp trung học cơ sở và năm thứ ba với lớp đầu cấp trung học phổ thông. Hoàn thành quá trình áp dụng chương trình, sách giáo khoa GDPT mới sau 5 năm kể từ năm bắt đầu triển khai.

Về thời điểm bắt đầu triển khai chương trình, sách giáo khoa GDPT mới, có hai loại ý kiến: Nhiều đại biểu đồng tình với phương án Chính phủ đề xuất, bắt đầu thực hiện chương trình, sách giáo khoa GDPT mới từ năm học 2019 -2020, lùi một năm so với thời gian quy định trong Nghị quyết 88 (Phương án 1).

Tuy nhiên, nhiều đại biểu đề nghị bắt đầu áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới từ năm học 2020-2021, lùi hai năm (Phương án 2) vì thực tế thời gian qua các công việc đều chậm tiến độ, trong khi phần việc còn lại là rất lớn, đòi hỏi nhiều thời gian chuẩn bị để bảo đảm chất lượng triển khai chương trình.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến các đại biểu về cả hai nội dung này nhưng kết quả cho thấy, cả hai phương án, chưa có phương án nào có hơn 50% tổng số đại biểu Quốc hội bày tỏ chính kiến.

Vì thế, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho quy định về lộ trình áp dụng theo hướng Quốc hội đồng ý cho phép lùi thời gian và thực hiện phương thức triển khai cuốn chiếu tuần tự chương trình, sách giáo khoa GDPT mới; thời hạn bắt đầu áp dụng chậm nhất là từ năm học 2020-2021 đối với cấp tiểu học, từ năm học 2021-2022 đối với cấp trung học cơ sở và từ năm học 2022-2023 đối với cấp trung học phổ thông.

Dự thảo Nghị quyết cũng được đổi tên thành “Nghị quyết Điều chỉnh lộ trình thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28-11-2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”.

Đã có 445 đại biểu tham gia biểu quyết, 438 đại biểu tán thành, chiếm 90,63%, có 6 đại biểu không tán thành và một đại biểu không biểu quyết.

Theo Nhân dân

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...