Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 27 °C / 27 - 40 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Giáo dục
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Lắng nghe để hoàn thiện chính sách giáo dục phổ thông

Cập nhật: 19:26 ngày 22/09/2017
Hội thảo Giáo dục 2017 tập hợp những ý kiến thực sự tâm huyết, chia sẻ nhiều quan điểm, cách nhìn, giúp nhận thức rõ hơn thực trạng chất lượng giáo dục phổ thông Việt Nam, diễn ra ngày 22-9 tại Hà Nội.
{keywords}

Hội thảo Giáo dục 2017. Ảnh: VGP/Phương Liên

Hội thảo do Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội tổ chức, với 150 đại biểu, trong đó 50% là người làm chính sách và quản lý, 30% là nhà nghiên cứu giáo dục, 20% là thầy cô trực tiếp giảng dạy.

Chất lượng giáo dục phổ thông là một chủ đề lớn luôn được xã hội quan tâm và đặt ra nhiều vấn đề cần trao đổi. Trong giới hạn của thời gian, Hội thảo được triển khai thành 2 mảng lớn. Phần báo cáo chung được trình bày qua ba nội dung chính: Khuynh hướng giáo dục trên thế giới và những vấn đề của Việt Nam; quản lý giáo dục phổ thông tại Việt Nam; những vấn đề cần quan tâm từ thực tế nhằm nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông. Phần thứ hai là ba phiên trao đổi và thảo luận tập trung vào nội dung chính: Chương trình giáo dục phổ thông; đội ngũ giáo viên phổ thông; quản lý trong giáo dục phổ thông.

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình: “Đa số đại biểu đều có tham luận, cho thấy họ có ý tưởng khi đến cùng Hội thảo, nhưng khi phát biểu mỗi người chỉ được tối đa 5 phút để nhiều đại biểu được phát biểu. Chúng tôi muốn tạo không khí tranh luận sôi nổi và cách tổ chức hội thảo mang tính tương tác cao. Chúng tôi cần những người thực sự tâm huyết với chất lượng giáo dục phổ thông”.

Chương trình giáo dục phổ thông luôn là tiền đề cho quá trình đổi mới. Theo ông Phan Thanh Bình, chúng ta đang đứng trước những yêu cầu rất bức bách của quá trình phát triển đất nước và hội nhập quốc tế trong một thế giới đang thay đổi và phát triển nhanh chóng. Và chúng ta vẫn đang chuẩn bị những con người Việt Nam trí thức cho một đất nước Việt Nam phát triển văn minh, hội nhập. Một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Những vấn đề đặt ra từ mục tiêu đến những khái niệm nghĩ và nói thì dễ nhưng triển khai vẫn là những thử thách: đạo đức/năng lực, tích hợp/tổ hợp, địa phương/tổng thể, nhu cầu/điều kiện,…

Đội ngũ giáo viên phổ thông là nội dung thảo luận thứ hai nhưng lại là yếu tố có tính chất quyết định đến chất lượng giáo dục phổ thông. Các thầy, cô là những người đưa con chữ đến với trẻ em, là những người dẫn những bước đi ban đầu chập chững và góp phần hình thành nhân cách, đạo đức, nhận thức xã hội cho các em. Cái tâm của người thầy, sự sáng tạo, bản lĩnh chuyên môn và kinh nghiệm nghề nghiệp của người thầy là những gì đâu chỉ đến từ sự phấn đấu từ bản thân các thầy cô, mà còn là sự đào tạo của hệ thống Trường Sư phạm, từ chế độ chính sách và cả sự quan tâm, nhận thức của xã hội.

Quản lý trong giáo dục phổ thông là chuyên đề thảo luận cuối của Hội thảo với nhiều vấn đề phải nhìn nhận, đổi mới. 

Từ hội thảo này, các đại biểu Quốc hội trong Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội sẽ hiểu rõ thực trạng giáo dục-đào tạo phổ thông ở Việt Nam, phong phú hơn nhận thức của mình, hoàn thiện ý tưởng, góp phần xây dựng những chính sách một cách thực tế hơn.

Theo Báo Chính phủ

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...