Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 30 °C / 26 - 37 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Giáo dục
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Sinh viên cử tuyển vẫn khó "đầu ra"

Cập nhật: 09:00 ngày 21/06/2017
(BGĐT) - Thời gian qua, nhiều con em đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) được cử đi học ở các trường đại học, cao đẳng. Đây là một trong những giải pháp đào tạo đội ngũ cán bộ trẻ có năng lực, trình độ sau này về công tác tại địa phương. Tuy nhiên, nhiều người sau khi tốt nghiệp vẫn không có việc làm.
{keywords}

Anh Tơ Văn Lai sau khi tốt nghiệp đại học vẫn làm nông nghiệp tại gia đình.

Cử tuyển vẫn thất nghiệp

Năm 2007, chị Triệu Thị Ánh Hồng (SN 1985), dân tộc Dao, bản Đồng Vương (Yên Thế) được cử đi học Khoa Dân tộc học, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Sau 4 năm đèn sách, chị Hồng vui mừng cầm trên tay tấm bằng tốt nghiệp trở về quê mong muốn được cống hiến. Vậy mà 5 năm đã trôi qua, niềm mong ước của chị vẫn chưa thành hiện thực. Hồng đã nhiều lần tham gia thi tuyển công chức do tỉnh tổ chức nhưng đều không trúng. Để có một công việc đúng chuyên ngành đào tạo, Hồng xin làm hợp đồng tại Phòng Văn hóa - Thông tin huyện. Làm được hai năm, đơn vị cho nghỉ bởi không có kinh phí trả lương. Loay hoay với nghề, chị tiếp tục nuôi ước mơ bằng cách xin làm hợp đồng tại xã nhưng cũng không còn chỗ. Hiện chị Hồng lập gia đình, trở về với công việc trước khi học cử tuyển là làm ruộng.

Tương tự, anh Tơ Văn Lai (SN 1982), dân tộc Cao Lan, thôn Việt Ngoài, xã Giáo Liêm (Sơn Động) cũng có trong tay tấm bằng cử nhân Sư phạm Toán - Tin, Trường Cao đẳng Ngô Gia Tự Bắc Giang nhưng vẫn thất nghiệp. Tốt nghiệp Trường Dân tộc nội trú tỉnh, anh được địa phương tạo điều kiện cho đi học hệ cử tuyển năm 2004. Anh Lai tâm sự: “Ngày đi học cử tuyển, tôi rất vui với mong muốn sau này trở về quê dạy học. Hoàn thành khóa học, tôi được cán bộ huyện cho biết địa phương không bố trí việc làm, phải thi tuyển nhưng nhiều lần dự thi không đỗ”. Kinh tế gia đình khó khăn, để mưu sinh, anh Lai gác lại ước mơ lên lớp, chăm chỉ làm rừng, phụ hồ kiếm sống. Tiếc vốn kiến thức đã học, tranh thủ lúc rảnh, anh thường phụ đạo, ôn tập cho các cháu trong gia đình.

Chị Hồng và anh Lai chỉ là hai trong hàng trăm sinh viên học cử tuyển nhưng chưa có việc làm. Việc đầu tư cho con em người DTTS đi học rất tốn kém kinh phí, thời gian của bản thân, gia đình và xã hội nhưng ra trường không có việc làm là lãng phí lớn. Ở tỉnh ta, để hoàn thành mỗi khóa học cử tuyển, Nhà nước phải chi trả từ 1 đến 3 tỷ đồng. Ngoài ra, nhiều gia đình DTTS còn vay thêm tiền để đầu tư cho con ăn học, thậm chí có trường hợp bị một số đối tượng "cò mồi" lừa xin việc khiến họ lâm vào cảnh nợ nần.

{keywords}

Chị Triệu Ánh Hồng, xã Đồng Vương (Yên Thế) ra trường nhiều năm nhưng hiện chưa có việc làm.

Chung tay gỡ khó
Từ năm 2004 đến 2007, toàn tỉnh có 207 sinh viên cử tuyển, phần lớn là người DTTS, tập trung chủ yếu tại các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam và Yên Thế. Tuy nhiên, tỷ lệ sinh viên cử tuyển sau khi tốt nghiệp được xếp việc làm còn thấp.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), từ năm 2004 đến 2007, toàn tỉnh có 207 sinh viên cử tuyển, phần lớn là người DTTS, tập trung chủ yếu tại các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam và Yên Thế. Trong đó, 67 trường hợp thuộc diện cử đi theo Nghị định 134/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định chế độ cử tuyển, nghĩa là sau khi ra trường, địa phương có nhiệm vụ bố trí việc làm. Tuy nhiên, tỷ lệ sinh viên cử tuyển sau khi tốt nghiệp được xếp việc làm còn thấp.

Trao đổi với ông Tạ Văn Ánh, Trưởng Phòng Giáo dục hướng nghiệp - Giáo dục thường xuyên (Sở GD&ĐT) được biết, bố trí công việc cho người học cử tuyển sau ra trường còn vướng bởi địa phương không có quyền đề xuất, xây dựng các ngành nghề, trường học theo sát sự thiếu hụt nhân lực của từng huyện mà do Chính phủ phân bổ. Vì vậy, số học sinh DTTS được đào tạo không phù hợp với nhu cầu thực tiễn rất nhiều. Ví như tại huyện Sơn Động, từ năm 2004 đến 2007, địa phương có nhu cầu lớn tuyển dụng công chức địa chính, kế toán, toàn huyện có 24 người đi học theo Nghị định 134 nhưng phần lớn là ngành sư phạm và kỹ thuật, không phù hợp. Đến nay, huyện vẫn còn 5 người chưa có việc làm, số còn lại phần lớn xin việc tại các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, một số vị trí dự kiến dành cho đối tượng cử tuyển thì sinh viên chưa ra trường. Những năm gần đây, chỉ tiêu biên chế CCVC các cấp, ngành trong tỉnh giảm. Thêm vào đó, tỉnh đang thực hiện lộ trình tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ. Hầu hết chất lượng chuyên môn của người cử tuyển thấp, khó đáp ứng được yêu cầu công việc trong khi xã hội còn đông đảo kỹ sư, cử nhân ra trường vẫn chưa có việc làm khiến các địa phương do dự tuyển dụng. Bởi vậy, Bắc Giang chỉ có chế độ cộng điểm ưu tiên (30 điểm) cho thí sinh thuộc diện cử tuyển khi tham dự các kỳ thi tuyển dụng CCVC.

Nhận thấy bất cập trên, từ năm 2008, tỉnh đã dừng việc cử tuyển đối tượng học sinh DTTS. Thay vào đó, UBND tỉnh giao cho Sở Y tế chủ trì việc thực hiện đào tạo theo yêu cầu của ngành y. Đối tượng được chọn đi học là người có điểm thi đại học sát với điểm trúng tuyển của các trường đại học y trong cả nước. Sinh viên tham gia khóa học này không được hưởng bất kỳ chế độ trợ cấp hay chính sách ưu đãi riêng nào sau khi ra trường. Hiện Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với Sở GD&ĐT, Sở Nội vụ rà soát, lập danh sách đối tượng cử đi học cử tuyển theo Nghị định 134 đến nay chưa có việc làm và có hướng đề xuất. UBND tỉnh sẽ xem xét có cơ chế phù hợp giải quyết việc làm cho đối tượng cử tuyển.

"Việc tiếp nhận, phân công công tác cho người được cử đi học theo chế độ cử tuyển sau khi tốt nghiệp như sau:

Hàng năm, các cơ sở giáo dục gửi danh sách, bàn giao hồ sơ và bằng tốt nghiệp của người học theo chế độ cử tuyển tốt nghiệp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức tiếp nhận và phân công công tác cho người được cử đi học theo chế độ cử tuyển sau khi tốt nghiệp.

Thời gian người học theo chế độ cử tuyển chờ phân công công tác theo quy định tại khoản 2 điều này tối đa là 6 tháng, kể từ ngày được công nhận tốt nghiệp. Quá thời hạn 6 tháng không nhận được sự phân công theo quy định của Nghị định này thì người học theo chế độ cử tuyển có quyền tự đi tìm việc làm và không phải bồi hoàn học bổng, chi phí đào tạo".

Nguồn: Trích Điều 11, Nghị định 134-/2006/NĐ-CP quy định chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

Hoàng Phương

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...