Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 30 °C / 26 - 37 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Giáo dục
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Sơn Động: Tháo gỡ khó khăn trong xây dựng trường chuẩn quốc gia

Cập nhật: 10:36 ngày 22/03/2017
(BGĐT) - Với 44/64 trường đạt chuẩn quốc gia (chiếm 68,7%), Sơn Động (Bắc Giang) đang đứng cuối tỉnh. Huyện tập trung chỉ đạo ngành giáo dục và đào tạo, các xã, thị trấn huy động nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, củng cố đội ngũ cán bộ, giáo viên, từng bước nâng cao chất lượng. 
{keywords}

Điểm chính của Trường Tiểu học Dương Hưu khang trang nhưng chưa đạt chuẩn quốc gia do thiếu phòng học.

Nhiều xã không có trường chuẩn

Dương Hưu, Thạch Sơn, Tuấn Mậu là các xã chưa có trường đạt chuẩn quốc gia ở cả ba bậc mầm non, tiểu học và THCS. Trường Phổ thông dân tộc bán trú Dương Hưu có 8 lớp, 235 học sinh nhưng chỉ có 4 phòng học nên phải tổ chức dạy 2 ca/ngày. Các phòng đang sử dụng được xây dựng từ nhiều năm trước, nay đã xuống cấp. Tháng 9-2014, từ ngân sách huyện, trường triển khai dự án xây dãy nhà 2 tầng do Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Thiên Phúc (Hà Nội) thi công, kế hoạch đến tháng 4-2015 hoàn thành. Vậy nhưng giữa tháng 3-2017, khi chúng tôi đến, công trình mới xong phần thô, xung quanh ngổn ngang gạch đá, cát sỏi. Do không đủ phòng học nên nhà trường đành sử dụng khu nhà chưa hoàn thiện để tổ chức ôn tập cho học sinh. 

Thầy giáo Giáp Đại Dương, Hiệu trưởng nhà trường nói: "Đã quá thời gian bàn giao công trình nhưng nhiều tháng qua đơn vị thi công không trở lại cũng không liên lạc gì với trường. Nếu tình trạng này kéo dài, chúng tôi khó đạt chuẩn quốc gia vào năm học 2018-2019 như dự kiến". Cách đó vài chục mét, khu chính của hai trường Mầm non và Tiểu học Dương Hưu có khuôn viên khang trang, rộng rãi. Tuy nhiên, do cơ sở vật chất nhiều điểm lẻ nằm phân tán ở các thôn, bản còn thiếu thốn nên hai trường này cũng chưa đạt chuẩn quốc gia. Ông Lã Xuân Giang, Chủ tịch UBND xã nói: "Để đầu tư xây dựng các hạng mục "cứng" theo tiêu chí trường chuẩn quốc gia như trường có tường rào, cổng, biển trường kiên cố, có đủ phòng, lớp đủ diện tích, số lượng để tổ chức hiệu quả hoạt động quản lý, dạy học và sinh hoạt... cần kinh phí lớn, lên đến hàng chục tỷ đồng. Do số thu ngân sách của xã không đáng kể nên chúng tôi gặp khó khăn trong xây dựng trường chuẩn". 

Ông Nguyễn Đức Dụng, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết: Thời gian qua, một số nơi cán bộ quản lý trường học chưa tích cực tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương các giải pháp tháo gỡ khó khăn. Những xã, thị trấn có nhiều điểm trường lẻ, việc đầu tư vốn dàn trải nên hiệu quả chưa cao. Trước những hạn chế này, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu với UBND huyện kế hoạch từ nay đến năm 2020 sẽ tập trung giải quyết vướng mắc, tồn tại.

Lồng ghép, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn

Rút kinh nghiệm từ những năm trước, giai đoạn 2015-2020, UBND huyện đã khảo sát năng lực, kế hoạch của các xã, thị trấn, trường học, từ đó bố trí vốn tập trung. Huyện ưu tiên xây dựng chuẩn quốc gia cho các trường có số học sinh đông, đã hoàn thành cơ bản 4/5 tiêu chí gồm: Chất lượng giáo dục; tổ chức và quản lý, đội ngũ giáo viên; công tác xã hội hóa; phối hợp với gia đình, địa phương trong hoạt động giáo dục học sinh. Mục tiêu đến năm 2020, toàn huyện có thêm 12 trường đạt chuẩn quốc gia (mỗi bậc 4 trường), tổng vốn đầu tư gần 70,5 tỷ đồng lồng ghép từ vốn trái phiếu Chính phủ, các chương trình mục tiêu, ngân sách tỉnh, huyện và nguồn tài trợ, huy động khác... 

Với Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Dương Hưu, hiện nay UBND huyện đã xem xét phương án thanh lý hợp đồng với Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Thiên Phúc, khẩn trương hoàn thiện các hạng mục còn lại để đưa công trình vào sử dụng trong năm học tới. Từ năm 2016 đến nay, UBND thị trấn Thanh Sơn phối hợp với đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường Tiểu học thị trấn gồm: 12 phòng học, 8 phòng hiệu bộ, 1 nhà đa năng. Kinh phí thực hiện khoảng 16 tỷ đồng từ sự kết hợp của các nguồn vốn do Tổng Công ty Hóa chất Việt Nam, Dự án SEQAP (hỗ trợ giáo dục vùng khó khăn của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam) và ngân sách huyện tài trợ. Tháng 2 vừa qua, Trường Tiểu học thị trấn Thanh Sơn được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. 

Bên cạnh thiếu cơ sở vật chất, chất lượng giáo dục trên địa bàn huyện còn hạn chế, chưa huy động được sự tham gia đóng góp của cộng đồng, xã hội. Trong 20 trường chưa đạt chuẩn quốc gia hiện nay chỉ 20% trường đạt tiêu chí về chất lượng giáo dục, 30,4% trường có triển khai xã hội hóa giáo dục nhưng hiệu quả chưa cao. Ở xã Thạch Sơn và xã Tuấn Mậu dân cư thưa, số học sinh không nhiều. Trường Tiểu học và THCS Thạch Sơn có hơn 70 học sinh, Trường Tiểu học và THCS Tuấn Mậu là gần 300 em, chủ yếu là người dân tộc thiểu số. Bên cạnh khó khăn về cơ sở vật chất thì chất lượng giáo dục nơi đây chưa đáp ứng yêu cầu do nhận thức học sinh hạn chế, năng lực của cán bộ, giáo viên chưa cập với yêu cầu thực hiện đổi mới phương pháp dạy học theo tiêu chí do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.  

Theo ông Giáp Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND huyện, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020 xác định đầu tư cải thiện chất lượng giáo dục là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, yêu cầu người đứng đầu cấp ủy, chính quyền huyện, xã quyết tâm thực hiện. Với các xã đăng ký xây dựng trường chuẩn nếu không đạt sẽ trừ điểm thi đua người đứng đầu. 

Cùng với giải pháp trên, UBND huyện chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo tăng cường thực hiện kỷ cương, nền nếp, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động giáo dục trong các nhà trường. Tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ cán bộ quản lý và giáo viên, sàng lọc, phân công, sắp xếp lại công việc với đội ngũ năng lực hạn chế, đồng thời chú trọng thi đua, khen thưởng với các trường, địa phương làm tốt.

Hải Vân

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...