Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 28 °C / 26 - 37 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Du lịch >> Trong nước - Quốc tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Chạm vào rừng thiêng Đá Húc

Cập nhật: 07:00 ngày 04/02/2018
(BGĐT) - Để về bản Đá Húc, xã Bình Sơn, huyện Lục Nam (Bắc Giang), duy nhất có con đường liên xã nối từ tỉnh lộ 293 dài chừng 8 km. Đi trên con đường gập ghềnh sỏi đá nhưng lòng ai cũng vui bởi khung cảnh thanh bình. Hai bên đường là những nếp nhà mái ngói đã ngả màu rêu phong của đồng bào dân tộc Cao Lan nằm ẩn mình giữa không gian xanh của hoa trái. Rừng lim linh thiêng đang ở phía trước, thật gần...

{keywords}

Nhiều cây lim trong rừng Đá Húc có đường kính 1,8m.

Đình cổ giữa đại ngàn

Càng vào gần bản Đá Húc, cảnh núi rừng hùng vĩ càng hiện rõ; dãy núi cao hai bên đường dường như muốn ôm chặt vào nhau. Xa xa là những rừng bạch đàn giống mới vươn cao, chạy dài từ chân lên đỉnh núi.Thỉnh thoảng, chúng tôi bắt gặp đoàn xe chở cam, quýt vừa được thương lái dưới xuôi thu mua tại vườn của bà con nơi đây. “Đường độc đạo nên công tác bảo vệ rừng nơi đây thuận lợi hơn. Lâm tặc muốn vào khai thác gỗ cũng khó có đường ra”, ông Nguyễn Văn Kích, cán bộ Trạm Kiểm lâm Đồng Đỉnh tâm sự.

Men theo lối mòn qua mấy thửa ruộng xâm xấp nước, chúng tôi chạm vào rừng lim Đá Húc. Những cây lim cổ thụ vươn cành đan vào nhau như chiếc ô che kín quả đồi. Theo ông Nguyễn Văn Kích, khu rừng này thuộc quyền quản lý, bảo vệ của cộng đồng bản Đá Húc, có diện tích 6 ha, chủ yếu là loài lim quý với khoảng 200 cây to, tuổi hàng trăm năm. Nhiều cây có đường kính gốc lên đến 1,8 m, chiều cao thân gần 30 m. Đặc biệt, nằm ngay cửa rừng là ngôi đình cổ thờ thần Cao Sơn, thần Rừng, thần Đất, thần Nông và Cô Bé cửa rừng. Ngôi đình khá đơn giản, rộng chừng 30 m2, mái lợp ngói âm dương, không có tường bao quanh, được dựng bằng 14 cột gỗ lim chắc chắn. Xung quanh đình là vô số cây lim to như bức tường thành bảo vệ cho ngôi đình trường tồn theo thời gian. “Đời ông nội tôi lớn lên đã thấy rừng lim như thế này và ngôi đình cũng xuất hiện từ khi nào không ai rõ”, già làng Trương Văn Vồi, gần 70 tuổi nói.

Đứng từ xa nhìn về bản Đá Húc trong buổi chiều cuối đông, chúng tôi nghe tiếng trẻ gọi nhau í ới vang vào vách núi, vọng trong rừng lim đại ngàn. Mặc dù rừng lim không trực tiếp mang tiền bạc từ việc khai thác gỗ, song lại là nguồn sinh thủy quan trọng đem dòng nước mát tưới những cánh đồng của bản; tạo môi trường sinh thái trong lành cho cả vùng.

Nhà ông Vồi nằm tựa lưng vào rừng lim. Ông được các thế hệ cha ông giao lại trọng trách cùng bà con dân bản trông nom, chăm sóc khu rừng như một báu vật linh thiêng của bản. Đặc biệt, ông Vồi đảm nhiệm phần làm lễ tại đình mỗi khi dân bản có việc trọng đại. Theo thông lệ, bản Đá Húc có 4 lệ lớn trong năm, đó là rằm tháng Ba, mở hội đầu xuân; rằm tháng Năm với lễ xuống ruộng; rằm tháng Bảy, lễ lên ruộng và rằm tháng Tám là lễ cơm mới, tạ ơn trời đất. Riêng ba ngày Tết Nguyên đán, ông Vồi luôn tất bật làm lễ thắp hương tại đình cầu cho năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, dân bản bình an… Trong đó, ngày mồng 2 Tết, mỗi gia đình trong bản cử một người đến nhà già làng Vồi góp ba lạng thịt, một ngách (1/4 lít) rượu để cùng vui đón năm mới rồi vào rừng làm lễ phát quang bụi rậm, nhặt lá, tỉa cành, vệ sinh sân đình…

Những câu chuyện huyền bí

Ngồi dưới sân đình Đá Húc, trong âm thanh lá cây rừng reo với gió, chúng tôi được già làng Vồi kể cho nghe những câu chuyện huyền bí quanh ngôi đình gắn với khu rừng lim linh thiêng. Theo ông Vồi, ngày xưa, mỗi khi gia đình nào trong bản bị mất trâu, ngựa, chỉ cần vào đình thắp hương khấn vái, trâu, ngựa sẽ biết đường tìm về với chủ. “Các cụ kể lại, có người cưỡi ngựa đi chợ Mai Sưu, xã Trường Sơn (cùng huyện), buộc ngựa ở cổng chợ, khi quay ra thì bị kẻ trộm dắt mất. Thấy vậy, ông vội vào rừng làm lễ thắp hương ở ngôi đình này, tự dưng con ngựa hí vang, đá ngã tên trộm rồi nhanh chóng trở về nhà”, ông Vồi kể.

{keywords}

Rừng lim  Đá Húc.

Nhiều câu chuyện ly kỳ khác xung quanh việc kẻ xấu lẻn vào rừng chặt trộm cây lim, mấy ngày sau tự giác mang trả lại rừng bởi có điểm gở báo tai họa sẽ ập đến… “Những người trong bản cũng không lấy bất cứ thứ gì từ rừng. Mọi người luôn coi khu rừng là một phần máu thịt của mình, bất khả xâm phạm”, ông Tơ Văn Lý, người dân bản Đá Húc bày tỏ. Ông Lý cho biết thêm, các thế hệ dân bản từ người già đến trẻ nhỏ luôn có ý thức cảnh giác, cắt cử theo dõi, canh giữ rừng không để kẻ xấu xâm hại. Có lẽ vì thế, rừng lim bản Đá Húc luôn xanh tốt, cho dù nhiều diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn đã bị khai thác, chuyển sang trồng rừng kinh tế.

Đứng từ xa nhìn về bản Đá Húc trong buổi chiều cuối đông, chúng tôi nghe tiếng trẻ gọi nhau í ới vang vào vách núi, vọng trong rừng lim đại ngàn. Mặc dù rừng lim không trực tiếp mang tiền bạc từ việc khai thác gỗ, song lại là nguồn sinh thủy quan trọng đem dòng nước mát tưới cả cánh đồng của bản; tạo môi trường sinh thái trong lành cho cả vùng. “Cả bản Đá Húc hiện có hơn 60 nóc nhà, chủ yếu là đồng bào dân tộc Cao Lan sinh sống. Mặc dù kinh tế của người dân nơi vùng sâu, vùng xa này vẫn còn nhiều khó khăn, song ý thức giữ rừng tự nhiên được nuôi dưỡng và truyền lại cho nhiều thế hệ thật đáng trân trọng”, anh Nguyễn Văn Duy, Hạt phó Hạt Kiểm lâm Lục Nam tâm sự.

Đỗ Thành Nam

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...