Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 29 °C / 26 - 28 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Du lịch >> Trong nước - Quốc tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Cần 'chắp cánh' cho du lịch làng nghề

Cập nhật: 18:27 ngày 11/10/2017
Để tồn tại và phát triển, bên cạnh việc xây dựng mẫu mã, chất lượng, phát triển du lịch đang được xem là giải pháp hữu hiệu nhằm khai thác thế mạnh của các làng nghề thủ công truyền thống Việt Nam.

{keywords}

Hình ảnh tại một làng nghề truyền thống. Ảnh minh họa

Nhiều tiềm năng

Nghề thủ công truyền thống Việt Nam với 11 nhóm nghề chính là: Dệt, gỗ, cói, sơn mài, gốm sứ thủy tinh, thêu ren, mây tre đan, giấy thủ công, tranh in khuôn gỗ, chạm khắc đá, kim khí đúc đồng, chạm bạc, đã tạo nên hàng nghìn làng nghề phân bố khắp cả nước, trong đó có hơn 2.000 làng nghề thủ công đã được công nhận.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Hương (Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam), với hệ thống các làng nghề phong phú, đa dạng như vậy, rõ ràng du lịch làng nghề đang là một tiềm năng, thế mạnh của Việt Nam. Theo nhận định của một số chuyên gia du lịch quốc tế thì sự kết hợp giữa du lịch và nghề thủ công truyền thống tại Việt Nam dường như phổ biến hơn so với ở các nước ASEAN khác. Đây chính là điều kiện thuận lợi để du lịch Việt Nam khai thác tạo ra lợi thế cạnh tranh với các nước cùng khu vực.

Du lịch làng nghề cũng được nhiều nhà nghiên cứu, các chuyên gia đánh giá là một loại hình du lịch văn hóa chất lượng cao bởi lẽ làng nghề truyền thống được xem như một tài nguyên du lịch nhân văn có ý nghĩa, một “bảo tàng sống”, nơi lưu giữ kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vừa phong phú, đa dạng, vừa sinh động, cụ thể, góp phần làm nên hệ giá trị của văn hóa dân tộc.

Bên cạnh đó, thông qua việc giữ gìn, phát triển tiềm năng du lịch các làng nghề truyền thống, sẽ giải quyết đáng kể công ăn việc làm, giúp ổn định cuộc sống cho hàng chục nghìn lao động, góp phần tạo động lực thúc đẩy xã hội ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn.

Tuy nhiên, hoạt động du lịch làng nghề hiện vẫn còn nhiều khó khăn, phát triển manh mún, chưa xứng tầm với những lợi thế sẵn có. Nguyên nhân là do hầu hết các làng nghề đều phát triển tự phát, thiếu quy hoạch. Cơ sở hạ tầng ở các khu vực làng nghề còn chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại, tham quan và lưu trú của khách du lịch.

Một yếu tố có tác động mạnh đến tâm lý của du khách là tình trạng ô nhiễm môi trường ở nhiều làng nghề hiện nay. 

Bên cạnh đó, việc thả nổi chất lượng sản phẩm ở một bộ phận hộ dân làng nghề hiện nay đã vô tình kéo lùi sự phát triển của thủ công mỹ nghệ trong phát triển du lịch. Ngoài ra, theo đánh giá của các chuyên gia, công tác tuyên truyền, quảng bá giới thiệu làng nghề cũng chưa thực sự có hiệu quả, nhiều địa phương có tiềm năng du lịch làng nghề rất lớn nhưng chưa được đầu tư khai thác.

"Đường băng" nào cho du lịch làng nghề

Từ thực tế đó, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Hương cho rằng, muốn khai thác phát triển du lịch làng nghề theo hướng bền vững thì cần phải bảo đảm hiệu quả trên các mặt kinh tế, xã hội và môi trường sinh thái. Trong đó, việc đầu tiên là mỗi người dân làng nghề phải được giáo dục về văn hóa du lịch.

Cùng đó, mỗi làng nghề cần lựa chọn và phục dựng lại những nét văn hóa đặc sắc của làng để tạo điểm nhấn thu hút du khách. Ngoài ra, chính quyền địa phương cần quan tâm tới việc thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, hệ thống khách sạn, nhà hàng, ngân hàng, viễn thông, các dịch vụ giải trí và đẩy mạnh hợp tác với các đơn vị du lịch, lữ hành...

Đặc biệt, cần phải chú trọng đến công tác vệ sinh môi trường ở các làng nghề. Tạo thiện cảm cho du khách từ không gian sản xuất gọn gàng, sạch sẽ đến những phương án xử lý để không ảnh hưởng đến môi trường chung. Xây dựng các quy định về môi trường ở các làng nghề truyền thống trên cơ sở Luật Bảo vệ môi trường và Luật Du lịch.

Tình hình mới, đòi hỏi các hộ sản xuất phải không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, thay đổi mẫu mã hàng, xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm. Nếu như trước đây, sản phẩm chủ yếu phục vụ cuộc sống như ấm, chén, bát, đĩa, niêu... thì nay, nhiều hộ đã chú trọng đến sản xuất các sản phẩm trưng bày có giá trị cao như lục bình, tranh gốm, lọ hoa, tượng hay những sản phẩm lưu niệm nhỏ gọn, dễ vận chuyển nhưng vẫn chứa đựng tinh hoa và nghệ thuật truyền thống… phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của khách du lịch trong và ngoài nước.

Theo Báo Chính phủ

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...