Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 36 °C / 27 - 34 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Du lịch >> Điểm đến
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Tiếng gọi non cao Tây Yên Tử

Cập nhật: 14:23 ngày 05/02/2018
(BGĐT) - Từ góc nhìn địa - văn hóa có thể nhận thấy quốc lộ 31 làm thành một vòng cung  (đối sánh với con đường tâm linh Tây Yên Tử 293) cũng là miền đất địa linh nhân kiệt, có cảnh quan sinh thái kỳ vĩ, vùng đất cổ non cao với nhiều điểm di tích lịch sử, đền, chùa độc đáo. 
{keywords}

Đường lên  Tây Yên Tử. Ảnh: Hương Giang

Từ TP Bắc Giang, tỉnh lộ 293 - đường tâm linh Tây Yên Tử có chiều dài toàn tuyến 74 km. Nếu tính từ trung tâm huyện Lục Nam, tuyến đường chính này sẽ qua các điểm Suối Mỡ, Mai Sưu, Đám Trì, Đèo Bụt, Tuấn Mậu, Đồng Thông. 

Tuy nhiên, cũng tính từ huyện Lục Nam, còn có thể đến chùa Tây Yên Tử theo đường 31, qua Cầu Từ - Phượng Sơn, Kim - Quý Sơn, Chũ, Hồng Giang, Giáp Sơn, Tân Hoa, Biển Động (Lục Ngạn), vượt Cẩm Đàn, Yên Định, An Châu, từ đây theo quốc lộ 279 qua các xã An Châu, An Lạc, Dương Hưu đến Thanh Sơn - Tuấn Mậu đều thuộc huyện Sơn Động… 

Từ góc nhìn địa - văn hóa có thể nhận thấy tuyến đường 31 làm thành một vòng cung (đối sánh với đường 293) cũng là miền đất địa linh nhân kiệt, cảnh quan sinh thái kỳ vĩ với nhiều điểm di tích lịch sử, đền, chùa độc đáo. Xin nói thêm, sự khảo sát này chỉ bao theo tuyến đường 31 nối một phần quốc lộ 279 chứ không nhằm mô tả toàn bộ cơ sở địa - văn hóa hai huyện Lục Ngạn - Sơn Động.

Bên cạnh những đền miếu vọng thờ các thánh Cao Sơn, thánh Mẫu, công chúa Mị Nương, Kim Chân đời các vua Hùng, hiện còn nhiều di chỉ khảo cổ, dấu tích văn hóa vật thể và hệ thống truyền thuyết nối dài các đời sau. Vào thời nhà Lý (1010-1225), vùng đất Động Giáp - Na Ngạn (Lục Ngạn) còn là miền non cao, biệt lập, xa trung tâm, dễ dẫn đến tình trạng cát cứ. Chính vì thế, các vua nhà Lý đã tính đến việc cai trị và thu phục nhân tâm người vùng cao bằng cách gả công chúa, gây tình hòa hiếu với các phò mã như Thân Thiệu Thái, Thân Cảnh Phúc. 

Tính đến nay, trong tổng số 40 di tích lịch sử - văn hóa xếp hạng cấp tỉnh trên địa bàn huyện thì có đến một nửa xa gần liên quan đến việc thờ Thân Cảnh Phúc. Đền Hả đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia và tổ chức lễ hội hằng năm vào ba ngày 6-8 tháng Giêng, trở thành sự kiện văn hóa trọng đại của nhân dân trong vùng. 

Vùng đất cổ Lục Ngạn còn được hiển thị bằng chùa Am Vãi - Am Ni (xã Nam Dương), tạm hiểu là chùa của sư nữ, ni sư. Chùa núi cao 700 m trên mực nước biển, vào đầu thế kỷ trước vẫn còn hổ, báo. Nhìn bốn xung quanh là trùng trùng lớp lớp những núi, những đồi, cánh rừng, sông suối cuối triền Yên Tử - Đông Triều… Chùa Am Vãi còn lưu giữ ký ức với tháp đá cổ và những truyền thuyết, chuyện cổ dấu chân Phật trên đá, bàn cờ tiên, núi Hàm Rồng, giếng Cần, hang Tiền, hang Gạo, vũng Chị, vũng Em… Đến nay, chùa Am Vãi trở thành điểm du lịch tâm linh sinh thái nổi tiếng. Hội chùa được tổ chức vào ngày 23 - 3 âm lịch hằng năm, thu hút đông đảo khách thập phương về dự. 

{keywords}

Du khách khám phá suối Nước Vàng dưới chân Yên Tử.

Vào thời nhà Trần, trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ hai đầu năm Ất Dậu (1285), sau khi được phong Quốc công tiết chế, Trần Quốc Tuấn đã đặt đại bản doanh tại ải Nội Bàng. Đến ngày 2 - 2 -1285, quân giặc từ phía Bắc đánh tràn xuống. Mặc dù không phá được giặc nhưng quân đội nhà Trần và thủ lĩnh Vi Hùng Thắng đã chiến đấu ngăn bước quân thù cho đại quân rút lui an toàn. Địa danh Nội Bàng và tấm gương hy sinh của Vi Hùng Thắng đã được hậu thế ghi nhận như một trong những trang sử bi hùng và còn truyền lại trong lễ hội đền Quan – Khánh Vân cho đến ngày nay.

Trong quá trình hiện đại hóa dưới thời thực dân Pháp, ngay tại đồn Đầm thuộc xã Phượng Sơn đã sinh ra hai thi nhân, văn sĩ nổi tiếng là Tương Phố Đỗ Thị Đàm (1896- 1973) và Bùi Huy Phồn (1911- 1990). Tiểu thuyết gia Bùi Huy Phồn từng có bài thơ "Ra đời" in trên Tiểu thuyết thứ Năm với giọng trào tiếu: Hai mươi năm trước buổi giao thời,/ Phong cảnh đồn Đầm ngẫm chửa nguôi./ Phố xá rộn ràng Tây đá lính,/ Ngàn dâu khúc khích đĩ ve bồi./ Đỉnh đồi mây đuổi trăng thua chạy,/ Mặt sóng thuyền neo lửa tập bơi./ Bỗng chó xua ma, gà rủa cáo,/ Đầu làng tiếng khóc: mẹ sinh tôi…

Có thể xác định tuyến đường thượng đạo Tây Yên Tử đã được tạo dựng với truyền thống lịch sử - văn hóa lâu đời và ngày nay đã trở thành điểm du lịch tâm linh và sinh thái giàu tiềm năng. Trên phương diện giao thương, khách thập phương có thể đến Tây Yên Tử bằng cả hai tuyến đường, hoặc đi lối này về theo lối kia và ngược lại, thời thỏa nguyện thăm thú được cả hai.

Theo đường 31, từ thị trấn Chũ qua xã Biển Động (Lục Ngạn), vượt xã Cẩm Đàn, Yên Định tới thị trấn An Châu- trung tâm huyện Sơn Động. Có thể nói thung lũng Cẩm Đàn - An Châu là nơi cư dân cổ vùng cao tụ họp thành làng bản tương đối đông đúc trước khi nhập vào những cánh rừng đại ngàn. Tại An Châu hiện còn đình, chùa Chẽ, nghè Chải, đền Vua Bà thờ công chúa Ngọc Dung con gái Hùng Vương có công đánh giặc và phối thờ mẫu Liễu Hạnh, đức thánh Trần, đền Vua Ông. Đặc biệt ở nơi nguồn sông non cao này còn có lễ hội bơi chải Ba Chẽ truyền thống, được tổ chức vào ngày 15-4 hằng năm. Thị trấn An Châu cũng là điểm giao cắt, trung chuyển của hai tuyến đường liên tỉnh quan trọng: Ngược đường 31 khoảng 60 km lên Đình Lập (Lạng Sơn), xuôi ngang theo đường 279 sẽ gặp đường tâm linh 293 rồi nối sang Hoành Bồ (Quảng Ninh)…

Sơn Động là vùng du lịch sinh thái đặc sắc, hấp dẫn và còn nhiều tiềm năng. Trước hết, Sơn Động còn diện tích rừng tự nhiên khá lớn với nhiều loại gỗ quý như lim, lát, sến, táu, vàng tâm, dẻ và nhiều cây thuốc quý hiếm. Thêm nữa, gần cận quanh An Châu còn có chí ít hai điểm du ngoạn hấp dẫn. Thứ nhất là núi cỏ Đồng Cao (có người gọi là cao nguyên, đồi cỏ, đều chưa đúng), trên đỉnh núi cao lại có những bãi cỏ, ghềnh đá. Đồng Cao được xem là một trong bốn núi cỏ đẹp nhất Việt Nam. Hầu như quanh năm đều có phượt thủ và những nhóm tham quan, cắm trại, du hành, du ngoạn, leo núi và ngắm sao trời. Chỉ cầu mong cõi tiên Đồng Cao mãi mãi mãi hoang sơ, thanh vắng thế này… Thứ nữa là rừng nguyên sinh Khe Rỗ với những bản người Tày, Nùng, Dao Thanh Phán, Cao Lan, Sán Chí thưa vắng; những lối mòn yên tĩnh và tiếng chim hư ảo giữa rừng già…

Đến đây xin dẫn giải tiếp tuyến đường 279 từ thị trấn An Châu qua xã An Châu, An Lạc, Dương Hưu và gặp đường tâm linh 293 Tây Yên Tử ở Long Sơn, kết nối sang Thanh Luận - Thanh Sơn - Tuấn Mậu. Tuyến đường chưa đầy ba chục cây số, qua cầu Yên Định đầu nguồn sông Lục, men theo những dãy núi, bờ sông. 

Phía bên kia là bạt rừng già, tre nứa, tưởng như đang đi bên đường núi Sơn La, Hà Giang. Phía bên này thấy nhiều rừng nhân tạo với những bạch đàn, keo lá mít, tai tượng xanh tốt. Ngang qua xã Dương Hưu có di tích lịch sử - văn hóa đình Mục phối thờ đức thánh Cao Sơn - Quý Minh đại vương, Ngọc Hoa công chúa, Lý Tử Thôi - Lý Hoài Nam và đức Trần Hưng Đạo; tiếp đến xã Long Sơn lại có đình Lục Liễu thờ thánh Cao Sơn - Quý Minh đại vương và Đào Khai Trân Ngọc (tướng quân đời nhà Trần)…

Đến điểm cuối vòng cung Lục Ngạn, qua An Châu tới thị trấn Thanh Sơn và xã Tuấn Mậu (Sơn Động) là đã nhập vào tuyến đường tâm linh 293 Tây Yên Tử. Có thể xác định tuyến đường thượng đạo Tây Yên Tử nói trên đã được tạo dựng với truyền thống lịch sử - văn hóa lâu đời và nay đã trở thành điểm du lịch tâm linh, sinh thái giàu tiềm năng. Trên phương diện giao thương, du khách có thể đến Tây Yên Tử bằng cả hai tuyến đường, thời thỏa nguyện thăm thú được cả hai.

Một ngày xuân, một mùa xuân, một thời vận xuân đang về với vùng tâm linh non thiêng Tây Yên Tử…

Nguyễn Hữu Sơn

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...