Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 31 °C / 26 - 37 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phòng, chống dịch Covid-19
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

CDC Bắc Giang - những đêm trắng của cán bộ, nhân viên y tế

Cập nhật: 10:12 ngày 26/03/2020
(BGĐT) - Nằm khuất sâu trong góc phố nhỏ, các phòng xét nghiệm và những cán bộ làm công tác xét nghiệm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Giang đang sát cánh cùng với đồng nghiệp trong tỉnh và cả nước chiến đấu với SARS-CoV-2, kẻ thù không thể nhìn được bằng mắt thường song vô cùng tinh vi, nguy hại để bảo vệ an toàn sức khỏe nhân dân.

Căng mình chạy đua với thời gian 

Xét nghiệm SARS-CoV-2 là khâu quan trọng nhằm phát hiện sớm và chính xác các tác nhân gây bệnh, hỗ trợ rất lớn cho việc chẩn đoán và kịp thời triển khai các biện pháp phòng chống, dịch bệnh, khống chế không để lây lan rộng ra cộng đồng. 

{keywords}

Kỹ thuật viên làm việc tại phòng xét nghiệm chẩn đoán virus SARS-CoV-2 của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Bắc Giang.

Bắc Giang có thuận lợi lớn là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã xây dựng hệ thống phòng xét nghiệm đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học cấp II, cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực đạt quy chuẩn. Đơn vị lại vừa được tiếp nhận hệ thống tách chiết mẫu tự động do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) trao tặng phục vụ xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2. 

Nhờ đó, từ ngày 21/2/2020 Trung tâm đã bắt đầu triển khai áp dụng kỹ thuật sinh học phân tử (Realtime RT-PCR) vào thực hiện xét nghiệm chẩn đoán virus gây bệnh viêm phổi cấp. Hiện Trung tâm đã hoàn thiện hồ sơ để được Bộ Y tế cho phép xét nghiệm khẳng định.

Bác sĩ chuyên khoa II Đặng Thanh Minh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Kể từ khi dịch Covid - 19 diễn biến phức tạp tại Trung Quốc, có nguy cơ xâm nhập qua biên giới vào Việt Nam, đơn vị đã phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Viện Pasteur bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho hệ thống xét nghiệm; chuẩn bị sẵn sàng về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân sự, sinh phẩm hóa chất để triển khai công tác xét nghiệm nhanh chóng, kịp thời đáp ứng công tác phòng, chống dịch bệnh”. 

{keywords}

Những đêm trắng của các y bác sĩ, kỹ thuật viên tại Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Bắc Giang.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, các cán bộ, nhân viên y tế làm công tác xét nghiệm luôn phải đối mặt với rất nhiều những áp lực trong công việc. Nhất là trong thời gian gần đây, số mẫu bệnh phẩm tăng nhanh, cao điểm có ngày đơn vị lấy hơn 100 mẫu để xét nghiệm. 

Theo báo cáo từ Trung tâm, tại thời điểm chiều ngày 25/3, số người đang được cách ly tại các khu cách ly tập trung của tỉnh là 649 người, trước đó đã có 406 người đã hết thời gian cách ly không có biểu hiện bệnh được loại trừ; 18 người nghi nhiễm còn đang được cách ly theo dõi tại cơ sở y tế, chờ kết quả xét nghiệm. 

Do vậy, những kỹ thuật viên xét nghiệm tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh luôn phải căng mình chạy đua với thời gian để có thể đưa ra kết quả sớm nhất và chính xác để phục vụ kịp thời cho công tác điều trị, chăm sóc bệnh nhân, phòng, chống dịch. 

Các hộp dụng cụ với đầy đủ trang thiết bị cần thiết luôn trong tư thế sẵn sàng, chỉ cần có thông báo là các cán bộ của khoa lập tức mang đồ bảo hộ và lên đường. Không quản ngày, đêm, mưa gió, mỗi người một nhiệm vụ, họ đến tận nơi để lấy mẫu và nhanh chóng chuyển ngay về Trung tâm để triển khai thực hiện các xét nghiệm. 

 “Đây là công việc đòi hỏi độ chính xác cao. Từ khâu lấy bệnh phẩm, tách chiết vật liệu di truyền, chạy máy, phân loại, thông tin cá nhân, ghi phiếu dịch tễ… đều phải chuẩn xác. Chỉ cần lơ là một chút mà bỏ qua hoặc thao tác không chính xác dù chỉ một bước nhỏ trong quy trình xét nghiệm cũng sẽ làm sai lệch kết quả, rất nguy hiểm, ảnh hướng trực tiếp đến công tác phòng, chống dịch”-Thạc sĩ Dương Thị Hiển, Trưởng khoa Xét nghiệm.

Một áp lực lớn nữa đối với những cán bộ làm công tác xét nghiệm là phải làm việc trong môi trường tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro lây nhiễm do tiếp xúc trực tiếp với các đối tượng và các mẫu bệnh phẩm. Do đó đòi hỏi những cán bộ làm xét nghiệm phải có kinh nghiệm vững vàng, thao tác thành thạo, được trang bị đầy đủ các phương tiện phòng hộ cá nhân cũng như tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn sinh học. Không được phép để xảy ra bất cứ sai sót nào dù là nhỏ nhất. 

Theo thạc sĩ Dương Thị Hiển, Trưởng Khoa Xét nghiệm của Trung tâm - người đã có nhiều năm kinh nghiệm từng trải qua rất nhiều đợt chống dịch như  H5N1, H1N1, sốt xuất huyết hay đại dịch SARS nhưng chưa bao giờ chị thấy công việc lại nhiều áp lực như trong cuộc chiến chống Covid-19 này, đây thực sự là một cuộc chiến đầy cam go.

Sáng đèn bất kể ngày đêm

Từ khi thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Khoa Xét nghiệm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh luôn phải huy động toàn bộ nhân lực làm việc với cường độ cao nhất để vừa đáp ứng kịp thời công tác phòng, chống, dịch Covid -19, vừa bảo đảm các nhiệm vụ chuyên môn khác của khoa. Nhờ sự đoàn kết cùng những nỗ lực, cố gắng và trách nhiệm, cán bộ, nhân viên trong khoa đã phối hợp nhịp nhàng, từng bước khắc phục khó khăn để đáp ứng yêu cầu cấp bách trong công tác phòng, chống dịch bệnh hiện nay. 

{keywords}

Thực hiện tách chiết mẫu trong hệ thống xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Giang.

Hiện khoa đang bố trí đội ngũ nhân lực gồm 14 người tập trung cao cho công tác xét nghiệm, chia thành 3 nhóm: Lấy mẫu bệnh phẩm, tách chiết và chạy máy, phân tích kết quả. Do nguồn nhân lực ít mà khối lượng công việc lớn nên tất cả các thành viên trong 3 nhóm đều phải làm việc liên tục mà không có sự phân ca. Mỗi người một việc làm theo dây chuyền từ khâu lấy mẫu, vào sổ, xử lý mẫu, tách chiết, mic sinh phẩm xét nghiệm, chạy máy... Tính đến hết ngày 25/3, đơn vị đã lấy 962 mẫu bệnh phẩm và đã xét nghiệm được 636 mẫu. 

Khó khăn lớn nhất hiện nay là thiếu máy móc, trang thiết bị. Hệ thống tách chiết tự động chỉ thực hiện được 12 mẫu trong 2 giờ. Mà với số lượng mẫu bệnh phẩm lớn như hiện nay thì ngoài việc tăng cường cán bộ trực tiếp tham gia tách chiết bệnh phẩm còn phải tăng cường độ làm việc một cách tối đa. Bởi vậy từ nhiều tuần nay, Khoa Xét nghiệm luôn trong trạng thái sáng đèn bất kể ngày đêm, máy móc và các phương tiện hoạt động không ngừng nghỉ. 

Để đáp ứng yêu cầu công việc, chị Hiển và các đồng nghiệp phải làm việc liên tục không có ngày nghỉ, thậm chí là làm việc xuyên trưa và đến 23 giờ đêm mới ngơi tay để chợp mắt. Riêng bộ phận chạy máy thì phải làm việc 24/24 giờ. Trắng đêm trong phòng xét nghiệm, sáng hôm sau họ lại bắt nhịp với guồng quay mới. Việc ăn uống, nghỉ ngơi chỉ diễn ra trong chốc lát. 

Công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ và thận trọng nên dù mỗi lần phải ở trong phòng xét nghiệm liên tục nhiều tiếng đồng hồ trong trang phục bảo hộ nóng nực, bức bối, nhưng các cán bộ xét nghiệm luôn tập trung cao để có kết quả nhanh nhất, chính xác nhất. Đa phần cán bộ, nhân viên ở đây đều là nữ, các con còn nhỏ lại đang trong giai đoạn nghỉ học ở nhà, thậm chí có bé còn chưa đầy 7 tháng tuổi. 

Chị Bùi Thị Thanh Vân cho biết: “Tôi phải tranh thủ giờ nghỉ ít ỏi vội vàng về cho bé bú. Trông bé tội lắm, thấy mẹ mắt cứ ngơ ngác nhìn mãi như người lạ vì mẹ đi suốt”. Tham gia vào cuộc chiến này, tất cả họ đã không quản ngại khó khăn, vất vả và hy sinh. Gửi con nhỏ nhờ ông bà và chồng ở nhà chăm sóc, có nhà thì đứa lớn trông đứa bé, anh em tự chăm sóc nhau. Chị Đoàn Thị Thanh Nhàn, Phó trưởng khoa Xét nghiệm chia sẻ: “Đã nhiều đêm nay không về nhà, con cái đều phải phó mặc cho chồng. Nhưng rất may mắn là gia đình luôn thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ, động viên nên tôi yên tâm làm việc.” 

Bởi vậy, dù phải làm việc trong điều kiện đầy áp lực và vất vả nhưng họ vẫn luôn giữ tinh thần lạc quan, nhiệt huyết, tin tưởng sẽ thành công và chiến thắng trong trận chiến này.

Ông Đặng Thanh Minh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật xúc động nói: “Thực sự rất cảm động khi tận mắt chứng kiến hình ảnh người chồng hằng ngày lặng lẽ mang cơm vào cho vợ, những cán bộ vội vàng ăn hộp mì tôm để còn kịp tiếp tục trở lại công việc. Họ làm việc miệt mài trong các phòng xét nghiệm bất kể ngày đêm và tuyệt nhiên không phàn nàn, đòi hỏi gì.”

Tối 24/3, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương, cùng đại diện lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở Y tế đã đến thăm và động viên, chia sẻ với những khó khăn, vất vả và nỗ lực của cán bộ làm công tác xét nghiệm. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh đây là nhiệm vụ rất quan trọng trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid - 19, đặc biệt trong thời gian tới sẽ mở rộng phạm vi xét nghiệm để kịp thời ngăn chặn nguy cơ bùng phát trong cộng đồng nên công tác xét nghiệm càng phải được quan tâm nhiều hơn nữa.

Có thể nói, trong cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19, những người làm công tác xét của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, dù công việc thầm lặng với nhiều áp lực, khó khăn và không ít những nguy hiểm, song chính nhờ lòng nhiệt huyết, trách nhiệm với nghề của mỗi cá nhân đã góp phần không nhỏ trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Khuyến khích nhập khẩu trang thiết bị y tế, test kit chẩn đoán SARS-CoV-2
Bộ Y tế vừa ban hành văn bản số 1532/BYT-TB-CT gửi các đơn vị sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu sản xuất, nhập khẩu trang thiết bị y tế, sinh phẩm chẩn đoán in vitro chẩn đoán virus SARS-CoV-2.
Thế giới có trên 20.000 người tử vong vì dịch Covid-19
Tới rạng sáng 26/3 (theo giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận trên 20.000 người thiệt mạng vì dịch Covid-19.
Italia thêm gần 700 ca tử vong, Covid-19 bắt đầu lan xuống miền Nam
Trong ngày 25/3, Italia có thêm 683 bệnh nhân tử vong vì dịch Covid-19 và 3491 ca nhiễm mới.
Hôm nay, Bộ Y tế sẽ ban hành phác đồ điều trị bệnh nhân mắc Covid-19
Bộ Y tế đã hoàn thiện phác đồ điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 và dự kiến ban hành trong ngày 26/3, sau đó sẽ tập huấn phổ biến cho các tuyến.
“Bệnh viện Bạch Mai nguy cơ thành ổ dịch như Bệnh viện Daegu ở Hàn Quốc”
Chủ tịch UBND TP Hà Nội lo lắng: Bệnh viện Bạch Mai có thể trở thành ổ dịch giống Bệnh viện ở Daegu (Hàn Quốc) và giống như Viện Dưỡng lão ở New York (Mỹ).
Hội Doanh nghiệp huyện Việt Yên ủng hộ 50 triệu đồng phòng, chống dịch Covid-19
(BGĐT) - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) huyện Việt Yên vừa tổ chức tiếp nhận kinh phí ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn huyện. 
Bài hát lạc quan chống dịch Covid-19 của nhạc sĩ khiếm thị
Nhạc sĩ Thanh Bình đã sáng tác bài hát “Cười lên Việt Nam” như lời động viên cộng đồng, hãy lạc quan hơn để cùng vượt qua đại dịch Covid-19.
20 gương mặt trẻ Việt Nam 2019 trích tiền thưởng ủng hộ chiến dịch chống Covid-19
10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu và 10 gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng năm 2019 thuộc 9 lĩnh vực đã được hội đồng xét tặng giải thưởng tuyên dương sáng nay 25/3.

 Việt Nga

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...