Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 31 °C / 26 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chính trị
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Tự hào truyền thống quê hương, vững vàng trên chặng đường mới

Cập nhật: 09:31 ngày 30/05/2020
(BGĐT) - Ngày 1/6/1945, Hiệp Hòa là địa phương khởi nghĩa giành chính quyền cấp huyện đầu tiên ở tỉnh Bắc Giang, mở màn cho cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám 1945 thắng lợi. Phát huy truyền thống cách mạng, anh hùng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hiệp Hòa đã đoàn kết, tập trung phát triển KT-XH, xây dựng huyện ngày càng vững mạnh.

Vùng đất giàu truyền thống cách mạng

Tháng 8/1938, đồng chí Ngô Tuấn Tùng, đảng viên ở Phủ Lạng Thương (nay là TP Bắc Giang) nhận nhiệm vụ bí mật đưa đồng chí Hoàng Quốc Việt, Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ từ Phủ Lạng Thương về làng Vân Xuyên, xã Hoàng Vân gây dựng cơ sở cách mạng. Dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Bắc Kỳ, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã tổ chức các Hội quần chúng cách mạng. Phong trào cách mạng lan nhanh từ Vân Xuyên sang các làng, xã thượng huyện Hiệp Hòa và huyện Phú Bình, Phổ Yên (Thái Nguyên). Năm 1940, đồng chí Lê Hoàng, Xứ ủy viên được cử về phụ trách huyện Hiệp Hòa. Thời kỳ này, Mặt trận Việt Minh ra đời. Các tổ chức đoàn thể như: Nông dân, thanh niên, phụ nữ, phụ lão cứu quốc ở các làng bí mật thành lập, tuyên truyền giác ngộ cách mạng, xóa bỏ chế độ áp bức bóc lột.

{keywords}

Đồng chí Nguyễn Thanh Quất, lão thành cách mạng; lãnh đạo huyện Hiệp Hòa và cán bộ, đảng viên thăm Nhà bia Nội Đống Mú, nơi Chi bộ Hoàng Vân - Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Hiệp Hòa được thành lập.

Qua rèn luyện thử thách, ba quần chúng ưu tú là: Nguyễn Văn Cường, Ngô Văn Thạch, Ngô Văn Triệu được kết nạp đảng, do đồng chí Lê Hoàng làm Bí thư. Đây là Chi bộ Đảng đầu tiên của Đảng bộ Hiệp Hòa. Năm 1940-1942, Trung ương (T.Ư) mở các lớp học quân sự, chính trị đào tạo cán bộ cho các tỉnh, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp cách mạng. Các hoạt động của ta bị lộ, bọn mật thám nhiều lần khủng bố, đàn áp, một số cán bộ, đảng viên bị bắt, chỉ riêng làng Vân Xuyên có 5 người bị bắt, đày lên nhà tù Sơn La. Mặc cho kẻ thù khủng bố, vây bắt, cơ sở của ta vẫn giữ vững, các gia đình vẫn dũng cảm nuôi giấu, bảo đảm an toàn cho cán bộ T.Ư và tổ chức đảng ở địa phương. Đó là những thử thách, thể hiện tinh thần yêu nước rất cao của quần chúng, là điều kiện để năm 1943, T.Ư chọn nơi đây làm An toàn khu II của Xứ ủy Bắc Kỳ. Từ đây, Hiệp Hòa không ngừng phát huy, xây dựng cơ sở Đảng, các đoàn thể Mặt trận Việt Minh và lực lượng dân quân tự vệ.

Trước yêu cầu đấu tranh cách mạng, tại đình làng Vân Xuyên, ngày 25/2/1945, đội tự vệ vũ trang đầu tiên của Hiệp Hoà ra đời gồm 11 đồng chí là những cán bộ, thanh niên dũng cảm, hăng hái, tiêu biểu nhất do đồng chí Lê Văn Đoan (tức Thu) làm đội trưởng, đồng chí Nguyễn Văn Quang (tức Nguyễn Thanh Quất) làm đội phó đã hỗ trợ nhân dân nổi dậy đấu tranh chống lại chính quyền thực dân tay sai và phát xít Nhật. Ngày 12/3/1945, ngay sau hội nghị Ban Thường vụ T.Ư Đảng ra chỉ thị lịch sử "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, tại đình làng Xuân Biều, xã Xuân Cẩm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quần chúng nhân dân tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền, phá kho thóc của Nhật chia cho dân nghèo. Đây là một trong những cuộc khởi nghĩa giành chính quyền cấp xã sớm nhất trong cả nước.

Giữa lúc khí thế chuẩn bị giành chính quyền trong cả nước lên cao, T.Ư Đảng chọn Hiệp Hòa làm địa điểm họp Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ lần thứ nhất do đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư của Đảng chủ trì. Tại hội nghị này, T.Ư đặt nhiệm vụ quân sự vào vị trí đặc biệt quan trọng, cấp thiết để chuẩn bị tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.

Dưới sự chỉ huy của Ban Cán sự Đảng tỉnh, lực lượng vũ trang (LLVT) của tỉnh và tự vệ Hoàng Vân đã đánh phá huyện lỵ Hiệp Hòa, khởi nghĩa giành chính quyền cấp huyện sớm nhất tỉnh. Hội nghị đại biểu nhân dân huyện Hiệp Hòa đã thành lập Ủy ban giải phóng dân tộc, bầu đồng chí Ngô Tuấn Tùng làm Chủ tịch. Đây là chính quyền cách mạng cấp huyện đầu tiên của tỉnh. Với những đóng góp to lớn đó, Đảng bộ, chính quyền, LLVT và nhân dân huyện Hiệp Hòa; 4 xã (Hoàng Vân, Xuân Cẩm, Hoàng An và Hòa Sơn) vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT.

Những thành tựu trên chặng đường mới

Phát huy truyền thống cách mạng, Đảng bộ, nhân dân Hiệp Hòa tập trung phát triển KT-XH, đạt được những thành tựu quan trọng. Giai đoạn 2015- 2020, tổng giá trị sản xuất bình quân đạt 13.271 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 16,3%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp- TTCN- thương mại và dịch vụ. Từ huyện thuần nông, Hiệp Hòa trở thành trung tâm thu hút đầu tư phát triển công nghiệp phía Tây của tỉnh, đã xây dựng, quy hoạch 6 KCN và 8 CCN; hoàn thành 100% chỉ tiêu chủ yếu của nhiệm kỳ, trong đó 10/14 chỉ tiêu hoàn thành vượt mức. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2016-2020 ước đạt trên 16.250 tỷ đồng, vượt 3.250 tỷ đồng so với mục tiêu. Các lĩnh vực y tế, văn hóa, xã hội có bước tiến bộ. Sự nghiệp giáo dục-đào tạo đạt kết quả toàn diện, tiếp tục giữ vững vị trí tốp đầu của tỉnh. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 9,27% năm 2015 xuống còn 3,02% năm 2019.

{keywords}

Thị trấn Thắng hôm nay. Ảnh: Phương Nhung

Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và đảng viên nâng lên. Từ một chi bộ ban đầu thành lập cách đây 80 năm với 3 đảng viên, nay toàn huyện có 9.028 đảng viên, sinh hoạt ở 48 tổ chức cơ sở đảng. Hiệu lực, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành của bộ máy chính quyền các cấp được phát huy. Hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, quốc phòng, quân sự địa phương được tăng cường. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được triển khai sâu rộng. Bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống nhân dân nâng lên. Đặc biệt, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, trong 5 năm toàn huyện vận động nhân dân hiến hàng nghìn m2 đất, ngày công, huy động hơn 354 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp hơn 126 tỷ đồng. Hết năm 2019 có 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới, vượt 4 xã so với mục tiêu đại hội. Những kết quả đạt được đánh dấu bước phát triển toàn diện, là tiền đề để Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Hiệp Hòa vững bước trên chặng đường mới.

Phát huy truyền thống của quê hương, cán bộ, đảng viên và nhân dân Hiệp Hòa nguyện giữ vững niềm tin với Đảng, chung sức, đồng lòng khắc phục khó khăn, phát huy tiềm năng, lợi thế, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tạo ra những đột phá mới trong phát triển KT-XH, xây dựng quê hương Hiệp Hòa ngày càng giàu đẹp, sớm trở thành trung tâm động lực phát triển phía Tây tỉnh Bắc Giang và đạt đô thị loại IV vào năm 2025.

Tháo gỡ khó khăn về mặt bằng, sớm hoàn thiện Khu công nghiệp Hòa Phú
(BGĐT) - Ngày 27/5, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang Lại Thanh Sơn làm việc tại Khu công nghiệp (KCN) Hòa Phú (Hiệp Hòa), nắm tình hình, tiến độ triển khai dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng.
Hiệp Hòa: Nhiều công trình chào mừng đại hội Đảng
(BGĐT) - Hiện nay, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) đã và đang thực hiện nhiều công trình, phần việc trọng điểm góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển. Đây là những món quà ý nghĩa chào mừng đại hội Đảng các cấp.  
Ngô Tiến Dũng

Bí thư Huyện ủy Hiệp Hòa

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...