Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 35 °C / 27 - 39 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chính trị
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm: DN, người dân có thể kinh doanh bất cứ lĩnh vực nào pháp luật không cấm

Cập nhật: 11:03 ngày 21/05/2020
(BGĐT) - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, sáng nay (21-5), Quốc hội dành phần lớn thời gian thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Tại điểm cầu Bắc Giang, ông Trần Văn Lâm, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang thảo luận một số nội dung liên quan. 

Trước hết, đại biểu Trần Văn Lâm đánh giá cao những nỗ lực của cơ quan soạn thảo trong việc tiếp thu rất xác đáng các ý kiến tham góp của ĐBQH về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) từ kỳ họp trước tới lần trình Quốc hội lần này.

{keywords}

Đại biểu Trần Văn Lâm thảo luận dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). 

Đại biểu Trần Văn Lâm cho biết, qua nắm bắt tình hình thực tế ở địa phương, cộng đồng doanh nghiệp Bắc Giang bày tỏ đồng tình rất cao với những nội dung sửa đổi và cho rằng, nội dung sửa đổi tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp đơn giản hóa các khâu ra nhập thị trường, rút ngắn thời gian, chi phí đã hiện thực hóa đầy đủ hơn quyền tự do kinh doanh của các chủ thể kinh tế; doanh nghiệp, người dân được làm những gì pháp luật không cấm.

Cùng đó, nhiều điểm thay đổi đã khắc phục được những khuyết điểm, hạn chế của Luật hiện hành. Từ đó tiếp tục hoàn thiện, cải thiện, đồng bộ hệ thống pháp luật và nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh, thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp.

Về một số vấn đề đang còn ý kiến khác nhau, đại biểu Trần Văn Lâm đề nghị việc đưa đối tượng hộ kinh doanh vào điều chỉnh trong dự án luật lần này là cần thiết, có ý nghĩa quan trọng để bảo đảm bình đẳng giữa các loại hình chủ thể kinh doanh.

Thực tế Luật Doanh nghiệp trước đều đã đề cập tới hộ kinh doanh, giao Chính phủ quy định chi tiết. Việc sửa đổi lần này tiếp tục cụ thể hóa, bổ sung, hoàn thiện các quy định cần thiết để chính danh hóa, luật hóa một số nội dung hỗ trợ, bảo vệ loại hình tổ chức kinh doanh này, để hộ kinh doanh phát huy tốt tiềm năng và đóng góp tích cực hơn nữa vào nền kinh tế; cũng như tăng cường trách nhiệm, vai trò của loại hình tổ chức kinh doanh này trong việc thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và với người lao động; đồng thời hướng tới nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với khu vực kinh tế rộng lớn có 5 triệu hộ, hàng chục triệu lao động, chiếm 30% GDP của đất nước.

Đại biểu Trần Văn Lâm cho rằng, dự thảo Luật lần này đưa ra quy định rõ ràng hơn địa vị pháp lý và trách nhiệm dân sự; bãi bỏ một số hạn chế của quy định hiện hành đối với hộ kinh doanh như giới hạn về số lượng lao động sử dụng; hạn chế việc mở văn phòng đại diện.

Tuy nhiên, đại biểu Trần Văn Lâm cũng thẳng thắn nêu, dự thảo tới nay vẫn chưa đưa ra được nhiều chính sách, quy định hướng tới cởi mở, thuận lợi hơn trong quản lý đối với hộ kinh doanh, tạo bình đẳng hơn giữa hộ và doanh nghiệp như xã hội kỳ vọng; cũng như khuyến khích chuyển đổi mô hình từ hộ kinh doanh lên doanh nghiệp.

Những quy định, chính sách hiện hành (nhất là về thuế, kế toán, đất đai, lao động…) vẫn khiến hộ kinh doanh ngần ngại khi chuyển từ mô hình hộ cá thể sang mô hình doanh nghiệp; đề nghị Luật và sau này là Nghị định cần tiếp tục hoàn thiện theo hướng này.

Về doanh nghiệp nhà nước, đại biểu Trần Văn Lâm nhấn mạnh, trong những lần sửa đổi Luật trước đây, chúng ta đã có những bước tiến trong việc xóa bỏ sự phân biệt doanh nghiệp giữa các thành phần kinh tế, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các loại hình, do vậy đã khơi dậy nguồn lực to lớn của xã hội đóng góp cho phát triển kinh tế xã hội đất nước tới nay.

Trong sửa đổi Luật lần này, đại biểu đề nghị tiếp tục tiến tới xóa bỏ triệt để sự phân biệt về thành phần kinh tế, về tính chất sở hữu trong các mô hình tổ chức kinh doanh; bỏ hẳn các quy định về Doanh nghiệp nhà nước ra khỏi Luật này và không nên có một chương riêng về doanh nghiệp nhà nước trong Luật. Vì như vậy sẽ tạo tiền đề bất bình đẳng giữa doanh nghiệp nhà nước với các doanh nghiệp do các thành phần kinh tế khác sở hữu; hoặc tạo ra nghi ngờ không cần thiết. Những vấn đề của doanh nghiệp nhà nước nên quy định trong “Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp” hiện hành; nếu cần thiết thì có thể sửa luật này.

Về tiếp tục mở rộng quyền tự do kinh doanh, hiện nay, trong các quy định hiện hành về đăng ký doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh quy định, các chủ thể khi đăng ký phải xác định rõ mã ngành mình hoạt động kinh doanh, 4 cấp. “Tôi cho rằng đây là một trong những trở ngại trong thực hiện quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp và người dân có thể kinh doanh bất cứ lĩnh vực nào mà pháp luật không cấm, không có quy định điều kiện. Sửa luật lần này có lẽ cần bỏ quy định trên, để doanh nghiệp có thể kinh doanh bất kỳ những ngành nghề nào mà pháp luật không quy định điều kiện kinh doanh”, đại biểu Trần Văn Lâm nhấn mạnh.

Theo đại biểu, điều này sẽ đơn giản hóa thủ tục hành chính; đột phá thủ tục đăng ký kinh doanh; doanh nghiệp sẽ dễ dàng, nhanh chóng chớp thời cơ thị trường để linh hoạt chuyển đổi ngành nghề kinh doanh mà không sợ vi phạm quy định của pháp luật, nếu ngành kinh doanh chuyển sang đó không quy định phải có điều kiện.

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV: Trên 3.300 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Quốc hội
Sáng 20/5, kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV chính thức khai mạc. Tại phiên khai mạc kỳ họp, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân.
Khai mạc trọng thể kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV: Tạo động lực để đất nước vượt qua khó khăn, tiếp tục tiến bước
Sáng 20/5, kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Những nội dung chính của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIV
Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV khai mạc vào ngày 20/5/2020 theo đúng thông lệ và tổ chức kỳ họp thành 2 đợt kéo dài 19 ngày.
Phương Ngân (ghi)
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...