Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 33 °C / 26 - 37 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chính trị
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Bài ca yêu nước nồng nàn

Cập nhật: 07:00 ngày 10/06/2018
(BGĐT) - Năm nay, tròn 70 năm Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc. Đất nước đi qua hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm giành độc lập tự do cho dân tộc, hòa bình thống nhất non sông. 
{keywords}

Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Hải chúc mừng các cá nhân tiêu biểu trong phong trào thi đua tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc. Ảnh: Thanh Hải

Nhân dân ta trải qua những năm tháng gian lao xây dựng và bảo vệ Tổ quốc để có được giang sơn bình yên, từng ngày đổi mới. Sau những chuyển động của thời cuộc, đọc lại Lời kêu gọi thi đua ái quốc, ta vẫn nhận ra rất rõ tư tưởng Hồ Chí Minh, phong cách Hồ Chí Minh trong một bài viết không dài có từ ngày 11- 6-1948.

Tư tưởng Hồ Chí Minh, phong cách Hồ Chí Minh hiển hiện trong Lời kêu gọi thi đua ái quốc đó là cái nhìn thấu suốt về Lực lượng của dân, Tinh thần của dân vì Hạnh phúc cho dân. Thể hiện một phong cách nói và viết khúc chiết, trong sáng, giản dị để nhân dân ai cũng hiểu được, làm được. Không hoa mỹ, rườm rà, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói thẳng vấn đề: Bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh; bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau: Làm cho mau, Làm cho tốt, Làm cho nhiều”...

Với Bác, thi đua là yêu nước. Lòng yêu nước không chung chung, trừu tượng mà được thể hiện bằng hành động cụ thể, thiết thực có lợi cho đất nước và nhân dân qua phong trào thi đua ăn sâu, lan rộng khắp mọi mặt và mọi tầng lớp nhân dân. Với Bác, thi đua là sức mạnh; nhân tố quan trọng làm nên thành công của cách mạng Việt Nam: Với tinh thần quật cường và lực lượng vô tận của dân tộc ta, với lòng yêu nước và chí kiên quyết của nhân dân và quân đội ta, chúng ta có thể thắng lợi, chúng ta nhất định thắng lợi.

{keywords}

Từ các phong trào thi đua, thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện hàng nghìn điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực. Ảnh: Sản xuất giống bằng nuôi cấy mô tại Trung tâm Giống cây trồng tỉnh. Ảnh: Việt Hưng

Tinh thần Thi đua ái quốc của lãnh tụ Hồ Chí Minh đã truyền cảm hứng to lớn vào đồng bào, chiến sĩ ta và bảy mươi năm qua không ít chiến công, kỳ tích, thành tựu là hoa thơm trái ngọt của phong trào này. Nhiều việc tốt, người tốt đã xuất hiện như những bông hoa đẹp trong vườn xuân đất nước. Tuy nhiên, điều ai cũng thấy rõ là để trở thành những bông hoa đẹp của mùa xuân ấm áp họ phải vượt qua giá rét của mùa đông khắc nghiệt như Hồ Chí Minh đã viết trong Ngục trung nhật ký: Ví không có cảnh đông tàn,/ Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân;/ Nghĩ mình trong bước gian truân,/ Tai ương rèn luyện tinh thần thêm hăng. (Nguyên văn chữ Hán: Một hữu đông tàn tiều tụy cảnh/ Tương vô xuân noãn đích huy hoàng;/ Tai ương bả ngã lai đoàn luyện,/ Sử ngã tinh thần cánh khẩn trương.)

Mọi thắng lợi, thành công của phong trào thi đua không đến dễ dàng; nó là kết tinh tâm sức trí tuệ, những cống hiến hy sinh không kể xiết của đồng bào, chiến sỹ ta. Hàng nghìn tập thể, hàng nghìn cá nhân điển hình đã xuất hiện trong phong trào thi đua yêu nước. Thời nào, giai đoạn nào cũng có những tấm gương sáng vì nước, vì dân. 

{keywords}

Phòng học ngoại ngữ tại Trường THCS Thân Nhân Trung (Việt Yên). Ảnh: Hoài Thu.

Tên tuổi nhiều anh hùng, dũng sĩ trong các cuộc kháng chiến toàn dân toàn diện vẫn còn được nhắc mãi đến hôm nay như La Văn Cầu, Nguyễn Thị Chiên, Cù Chính Lan, Ngô Mây, Tô Vĩnh Diện, Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót... (thời kỳ chống Pháp); Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Viết Xuân, Trần Dưỡng, Tạ Thị Kiều, Hồ Kan Lịch, Mẹ Suốt, chị Út Tịch, Nguyễn Bá Ngọc... (thời kỳ chống Mỹ). Thời đại “Ra ngõ gặp anh hùng, về nhà gặp dũng sĩ” là một hiện thực sống động, ngời sáng trong những tháng năm dân tộc Lớp cha trước, lớp con sau/ Đã thành đồng chí chung câu quân hành như Tố Hữu đã viết.

Sau chiến tranh chống Mỹ, đất nước phải gồng mình bảo vệ non sông bờ cõi thiêng liêng và những cái tên như Lê Đình Chinh, Trần Văn Phương... là biểu tượng cho khí phách Việt Nam lẫm liệt. Trên mặt trận lao động sản xuất, xây dựng đất nước, phong trào thi đua cũng sản sinh ra những tấm gương sáng như Ngô Gia Khảm, Tạ Quang Bửu, Lương Định Của, Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Ngữ, Hoàng Hanh, Cù Thị Hậu... Cho đến bây giờ, chúng ta còn rưng rưng nhắc lại chuyện vợ chồng ông bà Trịnh Văn Bô hiến tặng 5.000 lượng vàng cho Tổ quốc trong những ngày nước Việt Nam dân chủ cộng hòa mới khai sinh đầy khó khăn, thiếu thốn. Còn bao nhiêu người lính, người dân vô danh khác đã lặng lẽ làm nên đất nước này. 

Với từng con người, không giá trị nào cao quý hơn, thiêng liêng hơn lòng yêu nước. Mà, yêu nước chính là thi đua, thi đua là yêu nước như Bác Hồ kính yêu khẳng định. Thi đua lay gọi, chuyển hóa tinh thần và năng lượng sạch cho mỗi người và không phải là cái gì cao siêu, xa lạ. Thi đua nhân lên cái tốt đẹp, đẩy lùi sự xấu xa, góp phần quan trọng làm cho xã hội tươi sáng hơn.

Họ đã hăng hái thi đua Diệt giặc đói,/ Diệt giặc dốt,/ Diệt giặc ngoại xâm từ những ngày đầu trong mùa thu Cách mạng 1945 khi chính quyền về tay nhân dân, trong suốt ba mươi năm kháng chiến trường kỳ đánh thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, trong những năm tháng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đầy thử thách éo le với muôn vàn cam go tưởng chừng không vượt qua nổi. Và, làm sao quên được chặng đường hơn ba mươi năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta không để cho thi đua lụi tàn, trái lại vẫn kiên trì giữ lửa cho phong trào ngày càng có hiệu quả hơn.

Biết bao câu chuyện cảm động về lòng tốt, sự tử tế, những hành động vì nước vì dân của đồng bào, chiến sĩ ta được truyền lưu mỗi ngày. Những việc tốt, dù bé dù lớn cũng đều góp phần làm ấm áp hơn, tươi sáng hơn cuộc sống hôm nay. Nó có sức cảm hóa con người như là cái đẹp sẽ cứu rỗi thế giới, như là ánh sáng sẽ đẩy lùi bóng tối, như là cái tốt sẽ tấn công, đẩy lùi cái xấu...

Ý nghĩa nhân văn của phong trào thi đua nằm ở đó, đâu chỉ là chuyện thành tích thấp cao, biểu dương công trạng. Với từng con người, không giá trị nào cao quý hơn, thiêng liêng hơn lòng yêu nước. Mà, yêu nước chính là thi đua, thi đua là yêu nước như Bác Hồ kính yêu khẳng định. Thi đua lay gọi, chuyển hóa tinh thần và năng lượng sạch cho mỗi người và không phải là cái gì cao siêu, xa lạ. Thi đua nhân lên cái tốt đẹp, đầy lùi sự xấu xa, góp phần quan trọng làm cho xã hội tươi sáng hơn. Mỗi người tốt là một bông hoa đẹp. Mỗi việc tốt là một bông hoa đẹp. Cả đất nước ta sẽ là một rừng hoa đẹp.

Thi đua làm cho đất nước bốn mùa xuân. Đó cũng là bài ca yêu nước không bao giờ mất!

Nguyễn Hữu Quý

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...