Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 28 °C / 28 - 40 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chính trị
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV: Kinh tế đã có mức tăng trưởng ngoạn mục

Cập nhật: 16:00 ngày 25/05/2018
Sáng 25-5, Quốc hội bước vào phiên thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN những tháng đầu năm 2018 (trong đó có kết hợp thảo luận cùng Báo cáo về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017); quyết toán NSNN năm 2016.
{keywords}

Quang cảnh phiên họp sáng 25-5.

Phiên họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp để nhân dân và cử tri theo dõi. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển chủ trì phiên thảo luận. 

Bức tranh KT-XH sáng với những con số ấn tượng 

Đánh giá của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho thấy, báo cáo của Chính phủ có chiều sâu, có số liệu minh chứng thuyết phục. Bức tranh KT-XH năm 2017 và những tháng đầu năm 2018 rất sáng, với những con số ấn tượng, tạo niềm tin lớn cho cử tri và nhân dân. Nói như ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ), kinh tế đã có mức tăng trưởng ngoạn mục. 

Còn ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) dùng từ “ấn tượng” để nói về những con số của năm 2017: GDP tăng 6,81%, có 12/13 chỉ tiêu KT-XH đạt và vượt kế hoạch đề ra. Quý I-2018, GDP tiếp tục duy trì mức cao nhất trong 10 năm qua, đạt 7,38%. Trong sản xuất công nghiệp ổn định, các chỉ số tài chính, tiền tệ, đầu tư phát triển, dịch vụ, du lịch, xuất nhập khẩu đều có mức tăng trưởng khá. Xếp hạng của Việt Nam trong bảng xếp hạng thế giới về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh và đổi mới sáng tạo được cải thiện mạnh mẽ do nỗ lực của Chính phủ giải quyết tốt hàng loạt các vấn đề căn bản. “Kết quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng và quyết tâm chính trị cao của Đảng, Nhà nước đã làm nức lòng người dân cả nước”, ĐB Nguyễn Hữu Cầu nói. Ông cho rằng đó là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, mà trước hết là vai trò lãnh đạo của Trung ương, sự điều hành quyết liệt, sáng tạo của Chính phủ, với sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp và người dân cả nước. Ẩn sau những thành tựu đó, giúp chỉ số lòng tin của nhân dân từng bước được nâng lên, Chính phủ tích lũy được nhiều bài học kinh nghiệm lớn, quý báu trong chỉ đạo điều hành từ đầu nhiệm kỳ đến nay. “Tôi rất kỳ vọng và tin tưởng với đà này, các chỉ tiêu KT-XH năm 2018 tiếp tục thành công như mong đợi”, ĐB Nguyễn Hữu Cầu bày tỏ. 

Các ĐB Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ), Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội), Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) cho rằng sự cố gắng, nỗ lực của Chính phủ trong thời gian vừa qua là rất đáng trân trọng. “Những thành tích từ phía Chính phủ, từ cộng đồng doanh nghiệp và từ mỗi người dân, tôi cũng mong rằng khi chúng ta đánh giá sẽ có những cái nhìn đa chiều để những đánh giá của chúng ta vừa mang tính chính xác nhưng cũng vừa mang tính động viên”, ĐB Vũ Thị Lưu Mai đề nghị. ĐB Vũ Thị Lưu Mai cho rằng, báo cáo của Chính phủ sẽ toàn diện hơn nếu bổ sung nội dung đánh giá hiệu quả chính sách. Bởi, báo cáo về KT-XH không chỉ là bức tranh để phản ánh tình hình KT-XH, báo cáo về ngân sách cũng không chỉ là đơn thuần là những số liệu về thu chi. Nếu thêm phần đánh giá về hiệu quả chính sách, về những chính sách đã đi vào cuộc sống như thế nào, những bất cập, khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện sẽ là cơ sở quan trọng để Chính phủ có định hướng khi hoạch định chính sách thông qua việc ban hành hệ thống pháp luật. Báo cáo của Chính phủ nên đặt trong mối quan hệ tổng thể với những Nghị quyết về tái cơ cấu nền kinh tế, về kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch tài chính 5 năm và đưa ra những đánh giá khó khăn, thuận lợi và giải pháp 3 năm tiếp theo. 

ĐB Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) kiến nghị Chính phủ phân tích sâu về chất lượng tăng trưởng GDP và kim ngạch xuất khẩu để giúp QH và cử tri nhìn thấy rõ hơn về tăng trưởng, qua đó cũng giúp Chính phủ xem xét chỉ đạo và đặt ra những mục tiêu tăng trưởng của từng khu vực, nhất là các lĩnh vực có ý nghĩa bảo đảm tăng trưởng bền vững của nền kinh tế. 

Thảo luận tại hội trường, ĐB Trần Văn Lâm, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang đánh giá: Những thành tựu KT-XH của đất nước trong năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018 là nổi bật đáng ghi nhận song bên cạnh đó, nhiều vấn đề phức tạp cũng nảy sinh, nhiều việc tồn đọng, nhiều nguy cơ tiềm ẩn vẫn ở phía trước. Điều đáng nói ở đây là trong những hạn chế, yếu kém hiện nay, có nhiều vấn đề đã tồn tại qua thời gian dài, đã được nhận diện, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã tích cực giải quyết nhưng chưa dứt điểm do thiếu những giải pháp căn cơ, tận gốc, trị bệnh mới lo triệu chứng chứ chưa triệt được nguyên nhân. Ví dụ, việc khai thác cát sỏi gây sạt lở đất đai diễn ra từ Bắc tới Nam, báo chí nói nhiều, người dân bức xúc, chính quyền nhiều nơi vào cuộc kiểm tra, xử lý nhưng dẹp chỗ này, bùng chỗ nọ. Ở đây, trách nhiệm của nhà quản lý, có lẽ không chỉ là việc ngăn chặn xử phạt mà còn phải nghiên cứu, phát triển đưa ra được những giải pháp, vật liệu thay thế đảm bảo chất lượng, giá thành cạnh tranh. Có như vậy mới khắc phục được triệt để vấn đề.

{keywords}

ĐB Trần Văn Lâm, thành viên Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang phát biểu thảo luận.

Cũng theo ĐB Trần Văn Lâm, vấn đề môi trường, xử lý rác thải sinh hoạt đang ngày càng nóng, bức xúc ở nhiều nơi. Có nơi tỉnh, thành phố đứng ra giải quyết, có nơi là huyện, xã, thôn tự lo, thậm chí hộ gia đình nào, hộ đó tự xử lý. Có chỗ rác ngập từ đầu làng tới cuối thôn, có gia đình phải mắc màn ăn cơm vì nhiều ruồi, muỗi do bãi rác chưa xử lý. Các địa phương lo lắng giải quyết nhưng lúng túng chưa biết chọn công nghệ, quy mô thế nào cho hiệu quả. Nếu đầu tư sai hướng thì sau đó khắc phục rất khó, thậm chí đầu tư rồi, nếu có dự án tổng thể bao trùm hơn thì việc đầu tư trước đó lại thành lãng phí. Cơ chế tài chính mỗi nơi mỗi khác, có lẽ đã đến lúc, việc xử lý rác thải sinh hoạt phải trở thành vấn đề quốc gia cần một chiến lược tổng thể, có vậy mới hiệu quả.
Còn vấn đề đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai, hiện nay không giảm mà có xu hướng ngày càng tăng, có nhiều vụ kéo dài hàng chục năm chưa dứt điểm, những công cuộc giải phóng mặt bằng với mong muốn tạo lập những công trình to đẹp nhưng lại dấy lên những làn sóng phản ứng của một bộ phận không nhỏ người dân, tạo nên những bức xúc lớn. Đất đai đã là công sản quốc gia nhưng khi nhà nước cần sử dụng, lấy lại thì rất khó. "Có phải chính sách pháp luật đất đai của chúng ta đến nay đã lạc hậu. Đất nước đã trải qua mấy chục năm đổi mới, lực lượng sản xuất không ngừng phát triển vượt bậc, những quan hệ sản xuất dựa trên nền tảng sở hữu, quản lý, sử dụng đất đai và phân phối lợi ích từ đó mang lại dường như chưa thay đổi kịp, nhiều mâu thuẫn tích tụ. Phải chăng đã đến lúc cần một cuộc cách mạng ruộng đất cho thời kỳ phát triển mới của đất nước"- ĐB Trần Văn Lâm nói.

Tăng trưởng không dựa vào khai khoáng 

Phân tích kỹ về các chỉ số tăng trưởng trong năm 2017, ĐB Hoàng Quang Hàm cho rằng, nếu khai thác dầu thô không vượt kế hoạch đầu năm, thêm 1,29 triệu tấn thì không đạt mục tiêu tăng trưởng. “Báo cáo của Chính phủ tăng trưởng đang giảm dần việc lệ thuộc vào khai thác tài nguyên dầu thô. Năm 2017, công nghiệp khai khoáng thực hiện vượt kế hoạch nhưng cũng chỉ bằng 93,6% của năm 2016. Tuy nhiên, một triệu tấn dầu thô đóng góp khoảng 0,2 đến 0,3 điểm tăng trưởng GDP nên nếu không có 1,29 triệu tấn dầu tăng thêm thì tăng trưởng chỉ khoảng 6,4-6,6%. Như vậy, tuy tăng trưởng vượt mục tiêu nhưng tăng trưởng từ nội lực, sản xuất kinh doanh dịch vụ của nền kinh tế không được như kỳ vọng phải bù đắp, khai thác thêm dầu. Đây là "khoảng lặng" của tăng trưởng năm 2017 cần phải được nhìn nhận”, ĐB Hàm phân tích. 

ĐB Hoàng Quang Hàm cũng cho rằng, tăng trưởng vượt mục tiêu nhưng quy mô tăng trưởng khoảng 5 triệu tỷ đồng, chỉ gần bằng mục tiêu chúng ta đặt ra cho năm 2016 khoảng 5,1 triệu tỷ đồng, tức là phải phấn đấu 2 năm mới gần đạt chỉ tiêu kỳ vọng của năm trước. Khi quy mô tăng trưởng không đạt như kỳ vọng thì tích lũy của nền kinh tế cũng như động lực đà tăng trưởng cũng sẽ không được như kỳ vọng. Với một nền kinh tế đang khát khao vươn lên thì quy mô GDP khoảng 5 triệu tỷ đồng là còn khiêm tốn. Đây là vấn đề cần nhìn nhận thỏa đáng, đại biểu Hàm cho hay.

Không đồng tình với quan điểm của ĐB Hoàng Quang Hàm, ĐB Trần Quang Chiểu (Nam Định) cho rằng, nhìn nhận việc tăng trưởng dựa vào khai khoáng là không thỏa đáng. Dẫn số liệu từ báo cáo của Chính phủ gửi ĐBQH, ĐB Trần Quang Chiểu đánh giá, năm 2016 khai thác 15,2 triệu tấn. Năm 2017 kế hoạch khai thác 13,28 triệu tấn, thực hiện 13,55 triệu tấn. Như vậy, nếu so kế hoạch, chỉ khai thác tăng 200.000 tấn, ít hơn năm 2016 là 1,643 triệu tấn. Một triệu tấn dầu thô đóng góp 0,25 điểm tăng trưởng, như vậy là nếu so với năm 2016 là tăng trưởng âm về dầu thô. Cũng như vậy, với khai thác than, so với kế hoạch, lượng khai thác hụt 1,963 triệu tấn. “Điểm ấn tượng nhất của tôi trong điều hành của Chính phủ năm 2017 là năm đầu tiên tăng trưởng không dựa vào khai thác tài nguyên và khai khoáng”, ĐB Chiểu khẳng định. 

Tranh luận lại, ĐB Hoàng Quang Hàm cho biết ông thống nhất với báo cáo của Chính phủ là chúng ta đang giảm tăng trưởng lệ thuộc vào dầu thô và khoáng sản. “Tôi đánh giá rất cao Chính phủ trong việc chúng ta thoát dần khỏi lệ thuộc vào dầu thô, khoáng sản vì đây là của để dành”. Cho rằng chúng ta đã thanh toán và khai thác vượt 1,29 triệu tấn, thực ra thanh toán này mới ảnh hưởng đến GDP, đại biểu Hoàng Quang Hàm đề nghị nhìn nhận thực chất về bức tranh tăng trưởng, “Vì tăng trưởng của dầu thô là khai thác tài nguyên, không phải xuất phát từ sản xuất kinh doanh, từ nội lực của nền kinh tế, đây là vấn đề cần phải lưu ý”. ĐB Hàm cũng đề nghị trong báo cáo của Chính phủ nên có những chỉ tiêu để ĐB  nhìn nhận phù hợp hơn như quy đổi ra giá và từng tỷ trọng của từng yếu tố tăng trưởng để so sánh. 

Theo TTXVN-Văn Hân


Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...