Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 35 °C / 27 - 35 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chính trị
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai - Vai trò của cán bộ cơ sở: Kỳ II - Đề cao trách nhiệm, giải quyết việc từ gốc

Cập nhật: 09:23 ngày 28/12/2017
(BGĐT) - Lãnh đạo chính quyền cơ sở chưa thực sự quan tâm chỉ đạo sát sao; năng lực, trình độ chuyên môn của một bộ phận cán bộ, công chức còn hạn chế; công tác tuyên truyền, hòa giải vẫn chưa được chú trọng... là nguyên nhân chính khiến giải quyết đơn thư KNTC về đất đai ở một số nơi chưa đạt kết quả như mong muốn. Để khắc phục tình trạng này đòi hỏi những giải pháp đồng bộ.
{keywords}

Người dân phường Lê Lợi (TP Bắc Giang) được cán bộ tuyên truyền, giải thích về dự án khu đô thị Đồng Cửa 2.

Tin liên quan {keywords}

Đơn xoay vòng, vượt cấp

Có thể nói, mặc dù công tác giải quyết KNTC về đất đai ở cấp xã thời gian qua đã có chuyển biến tích cực song qua tìm hiểu ở một số địa phương, tình trạng đơn thư xoay vòng, vượt cấp, phát sinh KNTC vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự tại địa phương. Tình trạng một bộ phận công dân bỏ nhiều thời gian, công sức đến các cơ quan công quyền theo đuổi các vụ KNTC vẫn xảy ra. Nguyên nhân chính là do cơ chế chính sách, hệ thống pháp luật trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai, bồi thường GPMB thường xuyên thay đổi, còn có những bất cập; một số vụ việc xảy ra đã lâu, hồ sơ tài liệu không đầy đủ. Việc triển khai nhiều dự án, công trình trọng điểm với quy mô lớn phục vụ phát triển KT-XH liên quan đến thu hồi, bồi thường GPMB ảnh hưởng tới quyền lợi của người dân. Một bộ phận công dân trình độ nhận thức còn hạn chế, có những vụ việc đã được các cơ quan chức năng giải quyết thấu lý, đạt tình, được tuyên truyền, vận động, giải thích nhiều lần song vẫn không chấp hành, cố tình đưa ra đòi hỏi không chính đáng...

Ông Đào Xuân Trường, Trưởng Ban Tiếp công dân huyện Việt Yên chia sẻ: Hầu hết đơn thư gửi lên UBND huyện vài năm gần đây đều liên quan đến đất đai. Không ít vụ việc chỉ là tranh chấp lối đi, tường bao, rãnh thoát nước giữa các hộ cũng được gửi đến Thanh tra và Ban Tiếp công dân huyện. "Chúng tôi đã phải trả lại nhiều hồ sơ thuộc thẩm quyền giải quyết của xã", ông Trường nói.

Trở lại huyện Lục Nam- địa phương được coi là một trong những huyện "nóng" về đơn thư KNTC liên quan đến đất đai cho thấy, thực trạng giải quyết vẫn khó khăn, phức tạp. Trong ba năm (từ 2015-2017), toàn huyện tiếp 2.373 lượt người đề nghị giải quyết 591 vụ việc; tiếp nhận 1.749 đơn thư phản ánh, KNTC. Các địa phương có khiếu kiện nhiều như: Đông Hưng, Bắc Lũng, Cẩm Lý, Chu Điện, Nghĩa Phương, Bảo Đài, Đan Hội và thị trấn Đồi Ngô... Dù tỷ lệ giải quyết đơn thư ở cấp xã trung bình đạt 91% nhưng vẫn có không ít đơn tập thể và cá nhân gửi lên cấp trên, kéo dài như vụ việc của công dân thôn Đào Lạng, xã Bắc Lũng (năm 2015) đề nghị xem xét việc bí thư chi bộ, trưởng thôn có sai phạm trong việc thu hồi đất nông nghiệp của các hộ dân xây dựng kênh tiêu Bãi Dài; đơn của ông Đào Đăng Dũng, thôn Quán Bông, xã Cẩm Lý khiếu nại việc ông Phạm Đình Hoan, thôn Trại Giữa ở cùng xã xây quán bán hàng trái phép, giáp ranh với nhà ông Dũng (năm 2013) khiến cho cơ quan chức năng tốn nhiều công sức, thời gian xử lý.

Theo ông Hà Quốc Hợp, Chủ tịch UBND huyện Lục Nam, những vụ việc thuộc thẩm quyền cấp xã nếu xem xét ngay từ đầu sẽ không gây khó cho cấp trên. "Giả sử một hộ có dấu hiệu xây dựng công trình sai, từ khi họ đào móng, xây tường, chính quyền sở tại phối hợp cơ quan chức năng xác minh, lập biên bản (nếu sai) và xử lý sẽ đơn giản nhưng nếu để họ xây thành nhà 4-5 tầng kiên cố rất khó khắc phục", ông Hợp nói. UBND huyện Lục Nam từng có văn bản yêu cầu Chủ tịch UBND một số xã tạm dừng công tác quản lý một thời gian với lý do trì trệ trong giải quyết đơn thư KNTC hoặc giải quyết không đến nơi, đến chốn, chưa hết trách nhiệm khiến công dân khiếu kiện vượt cấp.

Ngoài ra, công tác tuyên truyền về chính sách bồi thường khi thu hồi dự án ở một số nơi hiệu quả thấp; quy chế dân chủ ở cơ sở làm chưa tốt; sự vào cuộc của MTTQ và các đoàn thể chưa tích cực... cũng gián tiếp làm gia tăng đơn thư. Bà Hoàng Thị Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bắc Giang cho biết: Trong 5 năm qua, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang đã có 169 cuộc tiếp xúc cử tri, tập trung chủ yếu ở cấp xã. Qua các đợt tiếp xúc nổi lên nhiều đơn thư của công dân phản ánh, KNTC về đất đai mà phần lớn do người dân chưa hiểu hết quy định của nhà nước, có những vụ việc kéo dài 5-10 năm nhưng chưa được xử lý dứt điểm. "Nếu cấp xã thông tin, tuyên truyền, hòa giải tốt, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, người dân sẽ không bức xúc viết đơn thư", bà Hoa chia sẻ.

Cán bộ cơ sở là gốc

{keywords}

Ở nơi nào cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm sát sao đến công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC thì tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, tạo động lực để KT-XH phát triển. Do vậy, người đứng đầu phải thường xuyên nắm bắt tình hình thực tế, xử lý kịp thời các sự vụ phát sinh một cách linh hoạt, vừa bảo đảm quyền lợi chính đáng của công dân, vừa tuân thủ quy định của pháp luật".


Ông Nguyễn Sơn Hồng, Phó Chánh Thanh tra tỉnh

Tại các diễn đàn bàn về giải pháp nâng cao chất lượng giải quyết KNTC, hạn chế đơn vượt cấp, nhiều ý kiến cho rằng, thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch, làm tốt công tác hòa giải cơ sở có vai trò quan trọng. Khi nhân dân được biết, bàn, tuyên truyền, giải thích một cách có lý, có tình sẽ không phát sinh những vấn đề phức tạp. Ví như ở phường Lê Lợi (TP Bắc Giang), khi xây dựng dự án khu đô thị Đồng Cửa 2, diện tích GPMB khoảng 5 ha của 60 hộ. Việc xác định nguồn gốc đất rất phức tạp; nhiều hộ thất lạc giấy tờ từ vài chục năm, mô hình quản lý HTX ở những giai đoạn trước thường xuyên thay đổi; các văn bản chồng chéo, phức tạp... UBND phường đã tổ chức nhiều cuộc họp dân, tăng cường tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh thông báo công khai chủ trương, kế hoạch, văn bản pháp luật của nhà nước để dân biết. Đối với trường hợp tranh chấp lâu năm, các đoàn thể ở tổ dân phố như phụ nữ, thanh niên và MTTQ đến tận gia đình hòa giải... Vì vậy, hầu hết các hộ dân chấp hành để dự án triển khai đúng tiến độ.

Liên quan đến vấn đề này, ông Lâm Xuân Thủy, Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cho biết: Trong quá trình tiếp công dân phản ánh, khiếu nại về đất đai, không ít trường hợp được Thanh tra Sở giải thích, công dân hiểu và tự rút đơn. Điều đó cho thấy, nếu như cấp cơ sở nắm chắc văn bản pháp luật, xem xét vụ việc thấu đáo ngay từ đầu sẽ hạn chế đáng kể đơn thư vượt cấp.

Từ thực tiễn rút ra một số bài học kinh nghiệm, đó là: Chính quyền cấp cơ sở phải làm tốt chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của mình; phát huy tính dân chủ; bảo đảm công khai, minh bạch theo phương châm "Dân biết, dân bàn". Đồng thời, cán bộ cơ sở phải thực sự gần dân, hiểu tâm tư, nguyện vọng của dân, làm tốt công tác hòa giải ngay tại địa phương. Các vụ việc liên quan đến KNTC đều  phát sinh từ cơ sở, đây là nơi gần dân, sát dân nhất. Do đó, khi có KNTC, UBND cấp xã giải quyết kịp thời, đúng pháp luật sẽ không gây bức xúc cho dân; ngược lại, nếu chậm trễ thì vụ việc sẽ trở nên phức tạp, phát sinh thành điểm nóng, gây mất ổn định, ảnh hưởng xấu đến sự đoàn kết của cộng đồng dân cư.

Muốn làm được điều đó, lãnh đạo UBND cấp xã, công chức chuyên môn và những người tham gia hòa giải ở cơ sở cần không ngừng bồi dưỡng năng lực lãnh đạo quản lý, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; thường xuyên cập nhật, nghiên cứu các văn bản pháp luật. Khi tiếp xúc với công dân phải kiên trì, khéo léo, khách quan, bình tĩnh, giữ được hòa khí. Theo ông Đào Duy Trọng, Phó Chủ tịch UBND TP Bắc Giang, chủ tịch UBND cấp xã cần trực tiếp đối thoại với công dân, trực tiếp chỉ đạo giải quyết vụ việc phức tạp, kéo dài; thường xuyên rà soát, xây dựng kế hoạch, phân công trách nhiệm rõ ràng, cụ thể; nâng cao ý thức, trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức.

Giải quyết KNTC, nhất là các vấn đề đất đai ở cơ sở là việc làm khó, đòi hỏi sự quan tâm chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là vai trò, trách nhiệm người đứng đầu. Làm tốt công tác này không những giúp các cơ quan nhà nước kịp thời phát hiện sai sót, hạn chế trong hoạt động để uốn nắn, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân mà còn góp phần quan trọng giữ vững an ninh, trật tự trị an, thúc đẩy KT-XH phát triển.

Thành Nam - Công Doanh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...