Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 31 °C / 26 - 37 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Cảnh báo tai nạn lao động
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Tai nạn lao động: Gia đình nạn nhân chồng chất gánh nặng

Cập nhật: 15:34 ngày 17/11/2017
(BGĐT) - Thời gian gần đây, dư luận nhân dân lo lắng, bất an trước các vụ tai nạn lao động (TNLĐ) chết người liên tiếp xảy ra trên địa bàn tỉnh. TNLĐ là điều không ai mong muốn. Những người không may gặp nạn có thể bị thương tật suốt đời hay đau xót hơn là mất đi cả mạng sống. Còn với người thân ở lại thì giây phút họ nhận tin dữ hoặc những tháng ngày lo lắng, chăm sóc con em trong bệnh viện sẽ là khoảng thời gian đầy ám ảnh.
{keywords}

Đại diện lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh tặng quà cho công nhân bị tai nạn lao động tại Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Ngọc Thiện TJC, xã Ngọc Thiện (Tân Yên).


{keywords}

May mắn giữ được mạng sống

Đã hơn hai tháng trôi qua kể từ ngày anh Nguyễn Đức Tâm (SN 1989), ở thôn Cầu Xi, xã Ngọc Châu (Tân Yên) bị tai nạn khi đang làm việc tại Công ty cổ phần Hưng Thịnh (trước đây là Công ty cổ phần Sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng Ngọc Châu) nhưng những người thân trong gia đình chưa hết bàng hoàng, xót xa. Bà Lương Thị Hoàn (SN 1970), mẹ của Tâm kể: “Chồng tôi mất cách đây 10 năm vì ung thư, một mình cố gắng làm ruộng, chăn nuôi lợn, gà, ai thuê gì làm nấy những mong có đủ tiền lo cho hai con ăn học. Tâm là con cả nên thiệt thòi vì chỉ học hết cấp 3 phải nghỉ đi làm, phụ mẹ để em gái có cơ hội vào đại học”. Những tưởng cuộc sống của 3 mẹ con cứ thế yên bình trôi đi cùng với hy vọng ngày thêm khấm khá thì tai họa ập đến với Tâm khiến người mẹ lam lũ thêm bội phần vất vả.

Tâm vừa xuất viện được hơn 20 ngày, đứng trước mặt tôi là chàng trai mới chỉ thời gian ngắn trước không ai tin nổi là sẽ thoát khỏi bàn tay “tử thần”. Hôm ấy, do bất cẩn, Tâm ngã vào trục băng tải của máy cấp đất trong dây chuyền sản xuất gạch và bị răng cưa cuốn ngang bụng. Anh được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh trong tình trạng sốc, mất máu nặng, suy hô hấp và tổn thương nghiêm trọng thành bụng phải. Tâm chia sẻ: “Tỉnh dậy sau khi phẫu thuật, toàn thân đau đớn rã rời. Thế nhưng, điều khiến tôi ân hận hơn cả là đã làm mẹ lo lắng đến suy sụp”. Sau tai nạn, chính quyền, đoàn thể địa phương đã đến gia đình động viên, tặng quà; đại diện doanh nghiệp cũng thường xuyên thăm hỏi, hứa chi trả toàn bộ chi phí điều trị song những tổn hại lâu dài về sức khỏe cùng với nỗi ám ảnh về tinh thần với Tâm và người thân chưa biết đến khi nào nguôi. Từ một thanh niên khỏe mạnh, là trụ cột trong gia đình giờ đây anh chỉ có thể phụ mẹ công việc nhà.

{keywords}

Sau tai nạn lao động, Nguyễn Đức Tâm chỉ phụ giúp mẹ công việc nhà.

Anh Đỗ Sơn Lâm, sinh năm 1973, trú tại thôn 4, xã Phương Sơn (Lục Nam) từng làm việc tại Công ty cổ phần chế biến gỗ Cẩm Lâm do người Trung Quốc làm giám đốc, trụ sở tại xã Đại Lâm (Lạng Giang) từ tháng 9-2016. Không may vào tháng 12-2016, trong quá trình làm việc anh bị tai nạn lao động cụt mất 3 ngón tay ở bàn tay trái. Công ty đã đưa anh Lâm đi bệnh viện điều trị, thanh toán các khoản viện phí và hỗ trợ, bồi dưỡng tổng số tiền là 55 triệu đồng. Hiện nay, anh tiếp tục làm đơn yêu cầu Công ty thực hiện đúng trách nhiệm, giải quyết toàn bộ chế độ quyền lợi theo quy định.

Nỗi đau còn mãi

Không may mắn như Tâm và Lâm, anh Trần Văn Công (SN 1972), thôn Ri, xã Vô Tranh (Lục Nam) bị tai nạn lao động cướp đi sinh mạng vào buổi chiều ngày 5-11. Trong quá trình thi công nhà ở cho một gia đình ở phường Thọ Xương (TP Bắc Giang), anh ngã từ tầng 4 xuống đất khi với tay buộc ròng rọc kéo gạch. Dù đã được nhanh chóng đưa vào viện cấp cứu nhưng do vết thương quá nặng, anh tử vong vài tiếng sau đó. Gia cảnh người đàn ông xấu số rất khó khăn. Mấy năm trước, vợ chồng anh ly dị, anh nhận nuôi hai con trai. Cuộc sống chỉ trông vào mấy sào vườn nên cái nghèo đeo bám mãi. Để con ở nhà cho mẹ già chăm sóc, anh lên TP Bắc Giang làm thuê để kiếm thêm thu nhập. Công việc vất vả song bù lại, tiền kiếm được vừa đủ để anh trang trải cuộc sống. Anh Trần Văn Tuyên, em ruột anh Công nói: “Số phận anh tôi đã chẳng may mắn, nay tai họa lại ập đến. Người thì đã mất rồi nhưng điều mà gia đình tôi xót xa, trăn trở là anh đi làm không có hợp đồng lao động nên khi xảy ra sự việc khó đòi hỏi trách nhiệm từ phía chủ thầu công trình”. Những người thân của anh Công cho biết thêm, chủ thầu và chủ công trình xây dựng đã đến hỏi thăm, hỗ trợ 20 triệu đồng lo hậu sự nhưng đến nay họ chưa có ý kiến chính thức về việc đền bù thiệt hại với gia đình.

Cùng gặp rủi ro như anh Công, chị Hà Thị Thủy (SN 1975) bị thiệt mạng vì ngã từ tầng cao trong lúc làm phụ hồ xây dựng nhà ở tại phường Dĩnh Kế, TP Bắc Giang đầu tháng 8-2017. Buổi chiều muộn, tôi tìm đến thôn Lẻ, xã Xuân Hương (Lạng Giang). Trong căn nhà đổ trần 1 tầng mới xây khá rộng rãi song trống tuềnh toàng, tường trát xi măng, bà Nguyễn Thị Nhung, 70 tuổi, mẹ chồng chị Thủy nghẹn ngào kể: “Ở tuổi gần đất xa trời như tôi bây giờ lẽ ra chẳng còn phải lo lắng gì thì nay phải phụ con trai trông nom nhà cửa, ruộng vườn, gánh món nợ hơn 300 triệu đồng vay ngân hàng, lo cho cháu gái lớn đang học năm thứ năm Đại học Y - Dược Thái Nguyên”. Chị Tạ Thị Hoàn (em chồng chị Thủy) ngậm ngùi cho biết dù không phải người khỏe mạnh nhưng chị Thủy gánh vác mọi việc trong nhà. Chồng chị, anh Tạ Văn Luyện sức khỏe yếu, từng bị tai nạn lao động gãy chân lại không được nhanh nhẹn, hoạt bát. Từ khi vợ mất, anh càng suy sụp song vẫn cố gắng đi làm vì mỗi tháng đều đặn phải lo cho cháu lớn 4,5 triệu đồng ăn học xa nhà. Là chủ gia đình, việc làng, việc họ đều đến tay nên mỗi tháng cố lắm anh cũng chỉ đi phụ xây được khoảng 15 ngày công, khó khăn chồng chất khó khăn. Hỏi đến việc bên chủ thầu xây dựng có hỗ trợ hay bồi thường cho gia đình về mất mát này không, bà Nhung cho biết người chủ tốp thợ là em rể chị Thủy, mới tách ra làm nhóm riêng. Nhóm cũng chỉ có 4 người, toàn là anh em ruột thịt trong nhà, mới nhận ngôi nhà ở Dĩnh Kế là công trình thứ hai. Khi lo đám tang chị Thủy, người em rể đưa cho gia đình 20 triệu đồng. “Là người nhà, hoàn cảnh chú ấy cũng chả khấm khá, tôi sao nỡ nói gì, làm gì bây giờ hả chị?” - bà Nhung xót xa.

{keywords}

Một nạn nhân bị kẹt trong máy làm gạch phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng sốc, mất máu nặng, tháng 6-2017.

Còn với vụ sập trần nhà đang xây dựng xảy ra tại thôn Quyết Tiến, xã Tiền Phong (Yên Dũng) ngày 13-11 làm bà Nguyễn Thị Đạt (SN 1963) phụ hồ tử vong tại chỗ, ông Thân Văn Sử (SN 1965), thợ xây bị gãy chân, tay; anh Thân Văn Ánh vừa là chủ nhà vừa là chủ thầu xây dựng chưa hết bàng hoàng. Cuộc sống, công việc bỗng chốc rối bời song anh và người thân vẫn đang cố gắng cùng với các gia đình bị nạn thu xếp hậu sự cho người chết; cứu chữa người bị thương.

Quá trình tác nghiệp thực hiện bài viết này, đọng lại trong chúng tôi là nỗi  day dứt, trăn trở. Mỗi người lao động bị thương tật hay mất đi để lại cho gia đình sự thương tiếc khôn nguôi, gánh nặng suốt đời, mất đi chỗ dựa, gia sản kiệt quệ không biết khi nào mới vực dậy nổi. Cuộc sống, công việc của chủ thầu xây dựng, chủ công trình cũng bị đảo lộn. Trước khi chờ đợi những biện pháp từ phía chính quyền, cơ quan chức năng, hơn ai hết người lao động cần tự bảo vệ mình, phòng tránh rủi ro để không nối dài thêm những nỗi đau.

{keywords}

Ông Nguyễn Thế Dũng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

"Hiện nay việc quản lý an toàn lao động đối với lao động làm việc không theo hợp đồng tại các công trình xây dựng, đặc biệt ở các công trình nhà dân còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do họ không chịu sự ràng buộc pháp lý nào với người sử dụng lao động; việc tham gia tự phát, rủ nhau cùng làm khi có mối quan hệ họ hàng, bạn bè, thích thì đi làm, hưởng tiền công, không thích có thể nghỉ việc. Theo quy định tại khoản 4, Điều 6, Luật An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) thì người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động chịu trách nhiệm về ATVSLĐ đối với công việc do mình thực hiện theo quy định của pháp luật; bảo đảm ATVSLĐ đối với những người có liên quan trong quá trình lao động; thông báo với chính quyền địa phương để có biện pháp ngăn chặn kịp thời các hành vi gây mất ATVSLĐ. Tuy nhiên để các lao động làm việc không theo hợp đồng tiếp cận và nắm được đầy đủ các biện pháp kỹ thuật an toàn trong xây dựng thì cần phải có một quá trình tuyên truyền, phổ biến kiến thức thường xuyên và lâu dài"

Kim Hiếu - Đỗ Quyên

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...