Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 29 °C / 26 - 37 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

An ninh
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Đưa pháp luật tới nơi dân cần

Cập nhật: 18:32 ngày 10/10/2018
(BGĐT) - Những năm gần đây, công tác trợ giúp pháp lý được quan tâm triển khai ở một số xã vùng khó khăn. Đầu tháng 10 năm nay, các cán bộ Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) Nhà nước tỉnh Bắc Giang đã trực tiếp về tư vấn, giúp đỡ nhiều người dân ở huyện Lục Nam tháo gỡ vướng mắc trong một số vụ việc cụ thể. 

Hay tin đoàn công tác đến TGPL, bà Nguyễn Thị Vinh (65 tuổi), thôn Thọ Sơn có mặt ở trụ sở UBND xã Lục Sơn từ sớm. Bà Vinh có hai người con, con gái đã yên bề gia thất, con trai lấy vợ và đang sinh sống ở huyện Lục Ngạn. Tuổi cao nhưng bà vẫn ở một mình trong gian nhà cũ, tự chăm sóc bản thân, thi thoảng bán mớ rau lấy đồng ra đồng vào. Bà nhờ cán bộ giải đáp giúp trường hợp của mình có thuộc diện hưởng chính sách đối với người già cô đơn không nơi nương tựa không?

{keywords}

Ông Trần Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh tư vấn pháp luật cho người dân xã Bảo Sơn (Lục Nam).

Sau khi lắng nghe bà chia sẻ về hoàn cảnh cụ thể của bản thân và các con, anh Thân Văn Lợi, trợ giúp viên Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh giải đáp trường hợp của bà Vinh nằm trong diện được hỗ trợ. Anh Lợi cũng hướng dẫn bà thực hiện những thủ tục cần thiết để hoàn thiện hồ sơ.

Còn anh Trần Đức Giang ở thôn Chồi, xã Lục Sơn thì nhờ các trợ giúp viên giải đáp điều kiện và thủ tục để được hưởng chế độ nhiễm chất độc da cam. Anh Hoàng Trọng Nghĩa, trợ giúp viên cho biết: "Theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, một số giấy tờ cần thiết anh Giang phải chuẩn bị là quyết định phục viên, xuất ngũ, giấy chuyển thương, chuyển viện hoặc giấy điều trị; bản sao một số giấy tờ tùy thân, giấy xác nhận của cơ quan chức năng về phiên hiệu, ký hiệu, thời gian cũng như địa bàn hoạt động của đơn vị. Sau khi hoàn thiện hồ sơ, cơ quan chức năng sẽ xem xét và giải quyết". 

Anh Trần Đức Giang chia sẻ thêm: “Tôi vẫn cất giữ cẩn thận các giấy tờ cần thiết nên sẽ sớm hoàn thiện hồ sơ theo hướng dẫn để được hưởng chế độ chính sách. Tôi rất cảm ơn sự tư vấn của đội ngũ trợ giúp viên”.

Phần lớn những người đến nhờ tư vấn đều tuổi từ trung niên trở lên, hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có điều kiện để tìm hiểu kiến thức pháp luật. Ngoài những vướng mắc về chế độ chính sách, người dân nơi đây còn thắc mắc một số vấn đề về đất đai, hôn nhân và gia đình.

Bà Nguyễn Thị Định ở thôn Mới, xã Trường Sơn có một mảnh đất rộng 100m2, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên bà. Hiện bà muốn chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho em gái. Bà không rõ trong quá trình thực hiện có cần xin chữ ký của chồng và hai người con không. Tư vấn cho bà Định, trợ giúp viên pháp lý trình bày rằng, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải được công chứng theo quy định của pháp luật và có hiệu lực từ thời điểm đăng ký. 

Bên chuyển nhượng trong hợp đồng gồm tất cả những người có quyền sử dụng đất đó. Vì bà Định đứng tên trong sổ đỏ nên không cần các con ký. Tuy nhiên, mảnh đất đó thuộc tài sản chung của bà và chồng, nên theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình, hồ sơ cần có chữ ký của chồng. Ngoại trừ trường hợp hai bên tự thỏa thuận đây là tài sản riêng của một bên thì không cần chồng bà ký tên vào các văn bản theo quy định.

Ở xã Bảo Sơn, một số người dân thắc mắc về thủ tục xuất khẩu lao động, ly hôn, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đều được ông Trần Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh giải đáp nhiệt tình. Vài năm trở lại đây, tại huyện Lục Nam số vụ ly hôn đang gia tăng. Nắm rõ điều đó, đồng chí lồng ghép tuyên truyền về Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Hòa giải ở cơ sở.

4 ngày đi 6 xã: Lục Sơn, Trường Sơn, Bình Sơn, Vô Tranh, Tam Dị, Bảo Sơn của huyện Lục Nam tư vấn, TGPL, các trợ giúp viên được UBND xã đón tiếp, chuẩn bị cơ sở vật chất chu đáo. Người dân sau khi đến đều ra về với tâm trạng phấn khởi do khúc mắc được tháo gỡ. Chị Nguyễn Hồng Ngọc ở xã Bình Sơn nói: “Chỉ trong thời gian ngắn, chúng tôi được hướng dẫn, giải đáp chi tiết các quy định của pháp luật. Tôi hy vọng các trợ giúp viên của Trung tâm sẽ quay trở lại địa phương nhiều lần nữa để giúp bà con hiểu hơn về pháp luật”.

Trợ giúp pháp lý cho cựu chiến binh huyện Việt Yên
(BGĐT)-Ngày 9-10, tại Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện Việt Yên, Đoàn Luật sư tỉnh tổ chức tuyên truyền pháp luật và trợ giúp pháp lý miễn phí cho gần 200 cựu chiến binh huyện Việt Yên. 
 
Trợ giúp pháp lý miễn phí cho người dân xã Bảo Sơn (Lục Nam)
(BGĐT) - Ngày 29-9, tại xã Bảo Sơn, huyện Lục Nam (Bắc Giang), Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh phối hợp tổ chức trợ giúp pháp lý miễn phí cho người dân. 
 
Kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Tổ chức trợ giúp pháp lý
(BGĐT) - Chiều 6-9, Sở Tư pháp tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Tổ chức trợ giúp pháp lý (TGPL) 6-9 (1997-2017). Đến dự có các đồng chí: Lại Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Từ Minh Hải, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; đại diện Bộ Tư pháp.
 
Đổi mới hoạt động trợ giúp pháp lý theo hướng chuyên nghiệp
Sáng 1-6, tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ 3, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi). Dự thảo Luật này đã được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2.
 

Mạc Yến

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...