Thứ bảy, 11/05/2024
Bắc giang 29 °C / 25 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

An ninh
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Ngăn chặn tình trạng bỏ giấy phép lái xe, trốn nộp phạt

Cập nhật: 11:34 ngày 10/08/2018
(BGĐT) - Thời gian qua, tình trạng chủ phương tiện bỏ lại giấy phép lái xe (GPLX), không đến giải quyết theo giấy hẹn trên địa bàn tỉnh Bắc Giang diễn ra khá phổ biến. Đây là vấn đề rất đáng lưu tâm bởi nếu không xử lý nghiêm dễ dẫn đến "nhờn" luật.

{keywords}

Nhiều hồ sơ xử lý vi phạm có giấy phép lái xe được Đội CSGT (Công an TP Bắc Giang) lưu giữ từ năm 2009 vì  người vi phạm chưa đến nộp phạt.

Nhiều GPLX bị... bỏ quên

Theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, sau khi lập biên bản xử lý, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) sẽ tạm giữ giấy tờ liên quan, chủ yếu là GPLX. Sau khi người vi phạm nộp phạt mới được nhận lại. Tuy nhiên, hiện ở hầu hết các đơn vị CSGT trong tỉnh đều có tình trạng tồn đọng GPLX, chủ yếu là GPLX mô tô do người vi phạm không đến nhận quyết định xử lý và nộp phạt.

Kho lưu trữ của Đội Xử lý vi phạm (Phòng CSGT, Công an tỉnh) hiện đang lưu trữ gần 1.000 hồ sơ xử lý vi phạm có GPLX bị tạm giữ. Hồ sơ được xếp đầy trong các ngăn tủ, trên kệ và được phân thành từng năm. Những hồ sơ này đều đã quá thời hạn xử lý mà người vi phạm không đến làm thủ tục nộp phạt. 

Đại úy Nguyễn Văn Ngọc, Đội trưởng cho biết: "Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ là một năm kể từ ngày vi phạm. Tình trạng quá thời hiệu thực hiện quyết định xử phạt nhưng người vi phạm không tới làm việc đã ảnh hưởng đến việc răn đe, phòng ngừa tai nạn giao thông. Theo quy định, đối với những trường hợp trên, chúng tôi chỉ có thể gửi thông báo đến người vi phạm chứ không thể cưỡng chế thực hiện".

Thống kê của Đội CSGT Công an TP Bắc Giang, từ năm 2011 đến tháng 7-2018, đơn vị đang lưu giữ 5.600 hồ sơ xử lý vi phạm kèm GPLX. Có biên bản xử phạt được lập từ năm 2009, đến nay người vi phạm vẫn chưa đến giải quyết. Đơn cử, ông Nguyễn Văn Vượng ở thôn Tiên Hưng, xã Đức Thắng (Hiệp Hòa) bị lực lượng chức năng lập biên bản xử phạt vi phạm vượt đèn tín hiệu giao thông từ ngày 17-12-2009. 

Mức phạt ghi trong biên bản là 150 nghìn đồng nhưng đến nay chủ phương tiện vẫn chưa nộp phạt để nhận lại GPLX. Tại các địa phương khác, tình trạng người vi phạm bỏ lại GPLX trốn nộp phạt cũng diễn ra phổ biến. Hồ sơ xử lý chủ yếu là các lỗi có mức xử phạt cao như: Chạy quá tốc độ, điều khiển phương tiện khi có nồng độ cồn vượt quá quy định...

Phối hợp ngăn chặn

Qua tìm hiểu được biết, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là do phối hợp giữa các cơ quan còn chưa chặt chẽ. Thông thường, khi lực lượng chức năng gửi thông báo những trường hợp vi phạm bị thu giữ hay tước GPLX đến Phòng Vận tải, Phương tiện và Người lái, Sở Giao thông- Vận tải (GTVT), đơn vị sẽ cập nhật ngay vào phần mềm hệ thống quản lý vi phạm GPLX thống nhất trên toàn quốc. 

Từ đó dễ dàng phát hiện những trường hợp bị tước GPLX xin cấp lại. Tuy nhiên, hệ thống này được Tổng cục Đường bộ Việt Nam phân cấp trong phạm vi ngành, chưa liên thông với ngành công an buộc lực lượng CSGT phải gửi thông tin về các trường hợp vi phạm sang Sở GTVT để cùng giám sát.

Ông Vũ Xuân Thành, Phó Trưởng phòng Vận tải, Phương tiện và Người lái cho biết: Nhằm quản lý chặt chẽ GPLX do bị xử lý vi phạm, tháng 10-2017, Sở GTVT đã có công văn đề nghị các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ trong việc cung cấp dữ liệu vi phạm để cập nhật vào phần mềm quản lý chung.

Thông báo cần ghi rõ các nội dung như: Số GPLX, ngày cấp, hạng, họ và tên, năm sinh, địa chỉ của người vi phạm; số thông báo, số quyết định, địa chỉ, số điện thoại, email của đơn vị xử lý và lập danh sách GPLX vi phạm thu giữ. Dù vậy, hiện rất ít đơn vị duy trì việc thực hiện gửi đầy đủ các nội dung thông báo, nếu có thì chỉ gửi danh sách vi phạm nên không đủ thông tin nhập vào hệ thống. Lợi dụng bất cập này, nhiều người tham gia giao thông bị CSGT giữ GPLX khi lỗi phạt lên tới tiền triệu sẵn sàng bỏ GPLX và đến Sở GTVT xin làm thủ tục cấp lại. 

Đại úy Giáp Văn Khương, Đội trưởng Đội CSGT, Công an TP Bắc Giang nói: Khắc phục việc trốn nộp phạt, ngoài thông báo trên Đài truyền thanh TP, đơn vị cũng thành lập riêng một tổ xử lý có trách nhiệm gửi thông báo liên quan đến vi phạm về tận nơi cư trú. Thế nhưng do GPLX mô tô được cấp phép không thời hạn nên nhiều địa chỉ ghi trên GPLX không trùng với địa chỉ thường trú của người vi phạm khiến việc gửi thông báo vi phạm còn gặp khó khăn.

Để hạn chế tình trạng người vi phạm bỏ lại GPLX, trốn nộp phạt, nhiều ý kiến cho rằng, hai ngành GTVT và Công an cần nghiên cứu, sớm thực hiện việc liên kết mạng trực tuyến để tăng hiệu quả thực thi nhiệm vụ, bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật.

Tuần đầu cao điểm kiểm soát xe quá khổ, quá tải tại Bắc Giang: Xử lý 229 trường hợp vi phạm
(BGĐT) - Theo Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh Bắc Giang), sau một tuần thực hiện cao điểm kiểm soát, xử lý xe ô tô chở hàng quá tải, quá khổ (từ 1 đến 7-8), các tổ công tác của đơn vị phát hiện, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 59 trường hợp vi phạm. 
 
Xe vi phạm bỏ chạy trên quốc lộ, cảnh sát huy động container chặn đầu
Hai xe container được điều động chắn ngang quốc lộ 18 ở Quảng Ninh để chặn bắt xe vi phạm.
 
Kiên quyết xử lý xe quá khổ, quá tải; giảm ít nhất 10% cả ba tiêu chí về tai nạn giao thông
(BGĐT) - Ngày 17-7, đồng chí Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh Bắc Giang chủ trì hội nghị sơ kết công tác bảo đảm trật tự ATGT 6 tháng đầu năm. Cùng dự có đồng chí Lại Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Thường trực Ban ATGT tỉnh; thành viên Ban ATGT tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành tỉnh và các huyện, TP.
 

Tuệ An

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...