Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 34 °C / 26 - 37 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

An ninh
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Liệu có sự tiếp tay của người khác?

Cập nhật: 16:42 ngày 19/07/2018
(BGĐT) - Như tin đã đưa, Nguyễn Thị Thu Thúy (SN 1984), nhân viên Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương chi nhánh Bắc Giang (Vietinbank Bắc Giang) đã lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản của 32 khách hàng với tổng số tiền hơn 21,1 tỷ đồng. TAND tỉnh Bắc Giang vừa tuyên phạt Thúy mức án chung thân và bồi hoàn cho ngân hàng gần 16,6 tỷ đồng. Xung quanh vụ án này, dư luận còn đặt ra nhiều câu hỏi. 
{keywords}

Phiên tòa xét xử Nguyễn Thị Thu Thúy chiếm đoạt tài sản còn nhiều băn khoăn.

Nạn nhân là họ hàng

21 tuổi, Nguyễn Thị Thu Thúy (hộ khẩu thường trú tại TP Bắc Giang) nhận công tác tại VietinBank Bắc Giang. Thúy có chồng và mẹ đẻ đều là cán bộ của ngân hàng này. Gia đình có mấy người làm ở ngân hàng lớn như VietinBank nên những người trong họ đều rất ngưỡng mộ và tin tưởng, đặc biệt là với Thúy- một phụ nữ hiền lành, nói năng nhỏ nhẹ và luôn quan tâm đến mọi người. Chính vì vậy, khi ai đó trong họ có tiền nhàn rỗi muốn gửi tiết kiệm đều nhờ Thúy làm thủ tục để mở tài khoản cho nhanh và thuận tiện. “Cháu mình mà, nhờ nó làm cho nhanh, ai ngờ giờ lại thế này chứ”- một nạn nhân của Thúy tâm sự với tôi bên ngoài phòng xử án.

Nhìn vào danh sách 32 khách hàng bị Thúy chiếm đoạt tiền thì đa số đều có mối quan hệ họ hàng với gia đình Thúy. Tại phiên tòa xét xử, khi được hỏi bị cáo có suy nghĩ gì khi khách hàng là nhiều người thân? Thúy trả lời rằng: “Để nếu chẳng may có rủi ro thì sẽ dễ thỏa thuận”. Với suy nghĩ như vậy nên trong 4 năm (từ 2013 đến 2016), Thúy đã dùng những thủ đoạn khác nhau để chiếm đoạt tiền của 32 người, trong đó có cả người đang đi lao động ở nước ngoài. Người ít nhất 100 triệu đồng, nhiều nhất là 5 tỷ đồng. 

Hành vi phạm tội của Thúy là in lại thẻ tiết kiệm thứ hai có nội dung giống thẻ tiết kiệm của khách hàng quản lý để sử dụng lập chứng từ giao dịch rút tiền chiếm đoạt; nhận tiền gửi của khách hàng sau đó gửi vào tài khoản của khách hàng khác, in thẻ tiết kiệm và giữ lại lập chứng từ. Để tránh bị khách hàng nghi ngờ, Thúy đã tạo ra thẻ tiết kiệm có một mặt in thông tin cá nhân của khách hàng gửi tiền, mặt còn lại in thông tin số tài khoản gửi tiết kiệm của người khác nhưng thể hiện số tiền bằng số tiền khách hàng gửi tiết kiệm. Chưa hết, những khách hàng tin tưởng nhờ Thúy làm thủ tục mở tài khoản mà không trực tiếp đến ngân hàng, Thúy đã sử dụng chính thẻ tiết kiệm do mình giữ lại hoặc sử dụng thẻ tiết kiệm của khách hàng giao cho. Lợi dụng việc khách hàng ký sẵn chứng từ chi tiền (chưa có nội dung) hoặc giả chữ ký khách hàng để lập chứng từ giao dịch để rút tiền. 

Ngoài ra Thúy còn cho khách hàng ký và viết họ tên trước vào chứng từ chi tiền mà chưa có nội dung hoặc tự ký giả chữ ký, họ tên khách hàng để đăng ký chữ ký mẫu khi mở tài khoản gửi tiết kiệm; tự ý in thẻ tiết kiệm và quản lý thẻ này; tự ý lập phiếu lĩnh tiền và ký giả chữ ký khách hàng… Có không ít khách hàng vì tin tưởng Thúy nên đã chủ quan không trực tiếp đến ngân hàng giao dịch mà ủy quyền cho Thúy rút tiền lãi, không thường xuyên kiểm tra tài khoản dẫn đến sơ hở để đối tượng này có cơ hội rút tiền trục lợi.

{keywords}

Bị cáo Nguyễn Thị Thu Thúy. 

Những băn khoăn từ vụ án

Trong suốt 3 ngày xét xử (16 đến 18-7), nhiều người để ý đến một phụ nữ ngồi ở dãy giữa, ngay sát bục khai báo. Đó là bà Thân Thị Thu Thà (SN 1960), mẹ đẻ bị cáo Nguyễn Thị Thu Thúy. Bà Thà là cán bộ lâu năm của VietinBank Bắc Giang đã nghỉ hưu. Suốt từ khi con gái bị bắt (ngày 20-12-2016), chưa ngày nào bà có một giấc ngủ ngon.

Trong vụ án này, bà Thà không chỉ là người thân của bị cáo mà còn là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Bà nhận thấy có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm và làm đơn kiến nghị những người có trách nhiệm ở VietinBank Bắc Giang đã buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm mà không được cơ quan tố tụng xem xét xử lý.

Bà Thà cho rằng “Là một cán bộ của Ngân hàng, tôi hiểu các quy định, quy trình nghiệp vụ của Ngân hàng Công thương Việt Nam là rất chặt chẽ. Tất các giao dịch như gửi tiền, rút tiền, chuyển tiền... đều phải kiểm soát trước, trong và sau khi giao dịch; kiểm soát phê duyệt trên máy đối chiếu chứng từ giấy; một giao dịch ít nhất phải qua 2 cấp kiểm soát; tất cả các chứng từ phát sinh đều phải được kiểm soát và xử lý ngay trong ngày, sau đó các giao dịch còn được hậu kiểm từng nghiệp vụ. Tôi khẳng định chắc chắn rằng với các quy định và quy trình nghiệp vụ chặt chẽ như vậy, nếu lãnh đạo và các kiểm soát viên thực hiện đúng, đầy đủ trách nhiệm thì rủi ro sẽ không xảy ra. Một đồng của Ngân hàng, của khách hàng cũng không bị thất thoát; một cá nhân, một vị trí không thể lấy được tiền từ hệ thống. Vậy mà số lượng giao dịch sai phạm rất nhiều, xảy ra một thời gian dài với số tiền rất lớn mà không ai phát hiện ra dẫn đến hậu quả như vậy là vô lý". Bên cạnh đó, thời điểm Thúy rút tiền từ 3 thẻ tiết kiệm trị giá gần 6 tỷ đồng của 2 khách hàng trong lúc họ vẫn đang ở nước ngoài và quản lý thẻ tiết kiệm, chứng minh nhân dân, hộ chiếu mà kiểm soát viên vẫn phê duyệt cho rút tiền là điều không tưởng???

Trong số 32 khách hàng gửi tiền tiết kiệm và có tài khoản thanh toán tại VietinBank Bắc Giang bị Nguyễn Thị Thu Thúy lợi dụng chiếm đoạt tiền, VietinBank Bắc Giang đã đứng ra thanh toán, trả hết tiền gốc và lãi cho 24 khách hàng; một khách hàng đang ở nước ngoài chưa có đề nghị nên đơn vị chưa thực hiện việc chi trả tiền. Còn lại 7 khách hàng đã được gia đình Thúy trả xong trước khi vụ án bị khởi tố. 

Bà Thà cho biết thêm: Sau khi nghe tin con gái như vậy, bà rất hoang mang và liên lạc với Ngân hàng thì được khẳng định số tiền Thúy làm thất thoát chỉ khoảng 5 tỷ đồng. Đại diện Ngân hàng xuống nhà nhiều lần và gọi bà lên cơ quan ba lần họp bàn để vận động bồi thường, khắc phục hậu quả. Cam kết sau khi gia đình hoàn trả đủ số tiền trên thì coi như đã khắc phục thiệt hại xong, sự việc không liên quan đến pháp luật, Thúy sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự và Ngân hàng cam kết sẽ cho Thúy tiếp tục đi làm bình thường.

"Thương hoàn cảnh con tôi còn 2 cháu nhỏ phải nuôi nấng, chăm sóc, không thể thiếu mẹ nên gia đình tôi muốn bồi thường khắc phục hậu quả cho con. Số tiền này đối với tôi là quá lớn, do vậy, gia đình đã phải chạy vạy khắp nơi vay mượn, thế chấp hết tài sản để có tiền khắc phục hậu quả. Theo ý kiến của Ngân hàng, để giữ uy tín thì việc gia đình tôi bồi thường, khắc phục phải kín đáo, ngoài ban lãnh đạo và những người liên quan không ai được biết"- bà Thà nói. Tổng số tiền mà bà Thà chi trả cho các khách hàng và thông qua VietinBank Bắc Giang là 3,92 tỷ đồng. Ngoài ra còn có 500 triệu đồng của cá nhân bà đến nhà khách hàng trả trực tiếp. Thế nhưng sau đó, cơ quan điều tra đã đưa ra hàng loạt sổ tiết kiệm khống mà Thúy đã lập với tổng số tiền thất thoát là hơn 21,1 tỷ đồng. Với số tiền này thì gia đình bà hoàn toàn bó tay, không có khả năng chạy vạy. Vì vậy bà cho rằng đã bị VietinBank đưa ra thông tin sai sự thật ép bà phải trả tiền thay cho con gái.

                                                                                        Nhóm PV Nội chính

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...