Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 33 °C / 26 - 37 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

An ninh
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Phát sinh nhiều vi phạm trong kinh doanh vận tải

Cập nhật: 13:58 ngày 14/06/2018
(BGĐT) - Do mâu thuẫn trong kinh doanh vận tải hành khách, nhiều chủ phương tiện, doanh nghiệp vận tải đã thuê người ngăn chặn xe giữa đường, đập phá tài sản của đối phương. Hành vi này không chỉ gây thiệt hại cho chủ xe mà còn ảnh hưởng đến người tham gia giao thông, tác động tiêu cực đến trật tự an toàn xã hội.
{keywords}

Nguyễn Đình Huân (giữa) và đồng bọn.

Ngày 24-5, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Yên Dũng khởi tố 5 bị can cố ý làm hư hỏng tài sản. Theo điều tra, Nguyễn Đình Huân (SN 1980) ở phường Lê Lợi (TP Bắc Giang) là chủ một doanh nghiệp vận tải với hàng chục đầu xe khách chạy tuyến cố định từ Bắc Giang đi các tỉnh lân cận. Giữa tháng 5, Huân nhờ một nhóm thanh niên ở huyện Lạng Giang bám theo xe khách tuyến Chũ - Gia Lâm do anh Lê Bật Thuận (SN 1985) ở xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn (tỉnh Thanh Hóa) điều khiển rồi ném đá vào xe. 

Tại cơ quan điều tra, Huân khai do xe khách của Công ty Huân thường bị một số người đi xe máy đánh võng ở phía trước nhằm hạn chế tốc độ khiến phương tiện không thể đón khách. Nghi bị chủ xe cùng tuyến chơi xấu nên y đã trả thù để dằn mặt đối phương. Hành vi này không chỉ gây thiệt hại về tài sản mà còn làm một số hành khách bị thương.

Quốc lộ 31 là tuyến đường có nhiều phương tiện vận tải hành khách qua lại nhất tỉnh nên mức độ cạnh tranh giữa các nhà xe khá khốc liệt. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Lục Ngạn đang thụ lý vụ xe khách BKS 98B - 016.71 bị một nhóm thanh niên ném vỡ cửa kính gây hư hỏng tài sản xảy ra ngày 20-4 tại quốc lộ này. Đầu năm 2018, xe khách của một hộ kinh doanh tư nhân ở thị trấn Vôi (Lạng Giang) cũng bị phá hoại tại quốc lộ 31. 

Các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải khi phát hiện những hành vi sai phạm, cạnh tranh không lành mạnh nên kiến nghị với bộ phận thanh tra, quản lý vận tải của Sở Giao thông - Vận tải và trình báo cơ quan công an để có biện pháp xử lý kịp thời hoặc khởi tố vụ án nếu có dấu hiệu hình sự. Tuyệt đối không có những hành vi trả thù.

Anh Phạm Dương (SN 1991) ở thị trấn Chũ (Lục Ngạn) cho biết: "Ba năm làm phụ xe trên tuyến Chũ - Gia Lâm, tôi nhiều lần thấy các nhà xe cùng hành trình cạnh tranh thiếu lành mạnh; vì tranh giành khách mà chửi bới, ẩu đả. Có trường hợp thuê người chặn đầu phương tiện, hành hung lái xe, phụ xe khiến người dân, hành khách trên xe bức xúc, lo lắng".

Không chỉ vậy, để tranh giành khách, tài xế còn bất chấp các yếu tố mất an toàn vượt ẩu, phóng nhanh, chèn ép phương tiện khác gây ra va chạm, tai nạn giao thông. Từ đầu năm đến nay, trên quốc lộ 31 xảy ra gần 20 vụ va chạm, tai nạn, trong đó có nhiều vụ liên quan đến xe khách, xe buýt. Lực lượng cảnh sát giao thông đã xử phạt gần 200 trường hợp dừng đỗ, đón trả khách không đúng quy định.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm như trên là do ý thức chấp hành của một số cá nhân, doanh nghiệp dịch vụ vận tải hạn chế. Nhiều trường hợp biết sai nhưng lại viện lý do áp lực doanh số nên cố tình vi phạm. Tình trạng xe hợp đồng chạy như tuyến cố định và “xe dù, bến cóc” cạnh tranh không lành mạnh dẫn tới bức xúc cho lái xe, chủ phương tiện tuyến cố định. Tuy nhiên, thay vì trình báo cơ quan công an, ngành chức năng, một số người đã tìm cách trả thù dẫn tới vi phạm pháp luật, vướng vào lao lý.

Ông Bùi Thế Sơn, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải, Phó Trưởng Ban ATGT tỉnh cho biết: Để tăng cường công tác bảo đảm trật tự ATGT, cạnh tranh lành mạnh giữa các hãng xe, chúng tôi chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh kiểm tra, xử lý đối với các phương tiện xe dù, bến cóc, xe hợp đồng nhưng chạy theo tuyến cố định, bắt khách dọc đường, không đúng nơi quy định... Đồng thời phối hợp với cơ quan công an nắm danh sách những lái xe, cá nhân, tổ chức kinh doanh vận tải phạm pháp hình sự để thông báo công khai về địa phương, tổ chức, qua đó không tuyển dụng trong thời gian nhất định.

Để hoạt động kinh doanh vận tải hành khách diễn ra lành mạnh, an toàn cần có sự phối hợp, vào cuộc quyết liệt của các đơn vị chức năng, nhất là lực lượng thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông trong tuần tra kiểm soát, tuyên truyền đến chủ phương tiện. Đối với những vụ việc trả thù, cơ quan tố tụng hình sự phối hợp với chính quyền địa phương xét xử điểm nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân. Các doanh nghiệp, cá nhân hoạt động vận tải cần chú trọng việc giáo dục ý thức, văn hóa ứng xử của nhân viên phục vụ cũng như lái xe khi đi đường.

Thái An

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...