Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 30 °C / 28 - 40 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

An ninh
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Khi đặt niềm tin nhầm chỗ

Cập nhật: 09:12 ngày 14/05/2018
(BGĐT) - Mặc dù các ngành chức năng đã tích cực tuyên truyền về các thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng nhiều người dân vẫn thiếu cảnh giác, giao tài sản cho các kẻ xấu để rồi tiền mất, tật mang. Hầu hết các vụ việc trên khi được trình báo cơ quan điều tra thì tài sản bị lừa đảo đã bị đối tượng tẩu tán, tiêu xài, không còn khả năng hoàn trả hay thu hồi. 
{keywords}

Công an huyện Tân Yên thẩm vấn đối tượng lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản Nguyễn Ngọc Dần (SN 1974) ở thôn Đông An, xã Lam Cốt (Tân Yên).

Từ đầu năm đến nay, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh) điều tra, khởi tố 12 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền hàng chục tỷ đồng. Cũng trong thời gian này, công an các huyện, TP tiếp nhận gần 40 đơn trình báo về hành vi lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Các vụ án chủ yếu liên quan đến việc huy động cho vay lãi suất cao và lừa đảo xin việc, mượn tài sản rồi đem đi cầm cố, thế chấp. Điển hình như đầu tháng 5, Phòng Cảnh sát hình sự liên tục nhận được đơn trình báo về việc người dân bị một đối tượng tên Bắc ở xã Song Khê (TP Bắc Giang) lừa đảo. Qua xác minh của cơ quan điều tra, người này đã thuê xe tự lái ở nhiều nơi như Việt Yên, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Ninh và TP Hà Nội nhưng không trả lại tài sản mà đem đi cầm cố. Đối tượng đang chấp hành án tù treo về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản nhưng gần nửa năm nay đã không có mặt tại nơi đăng ký hộ khẩu thường trú.

Theo đánh giá của cơ quan công an, thủ đoạn của các đối tượng xấu chủ yếu là huy động lãi suất cao để vay tiền rồi chiếm đoạt; đánh vào lòng tham của người dân nên đưa ra các mức lãi suất hậu hĩnh để dụ dỗ. Trường hợp của ông Lưu Văn Định ở thôn Lương Ban, xã Đông Phú (Lục Nam) là một ví dụ. Vì tin tưởng, cách đây gần một năm ông có đưa 50 triệu đồng cho một đối tượng ở xã Tam Dị (Lục Nam) vay với lãi suất cao. Vài tháng đầu, thấy người này đều đặn chuyển tiền lãi nên ông tin tưởng và rủ thêm người thân mang tiền đưa cho đối tượng. Gần nửa năm qua, lãi chẳng được, gốc cũng theo đó lặn đi khiến ông và người thân như ngồi trên đống lửa. Mặc dù ông đã trình báo cơ quan công an nhưng việc thu hồi chưa có kết quả. Ông tự trách bản thân chỉ vì ham vài đồng lãi cao mà đã không cảnh giác để giờ đây mất hết tài sản tích góp.

Cơ quan chức năng khuyến cáo, người dân cần tự biết cách phòng tránh bằng cách không cho mượn tài sản đối với những người quen biết thông thường, không rõ danh tính và là đối tượng không việc làm. Khi xin việc cần phải đến các cơ quan chức năng, đơn vị tuyển dụng để tìm hiểu. Không nghe theo lời dụ dỗ của các đối tượng trong huy động vốn lãi suất cao để rồi “mất cả chì lẫn chài”, thậm chí vi phạm pháp luật.

Vừa qua, Hội đồng xét xử TAND tỉnh tuyên phạt Ngô Hoàng Lan (SN 1977), trú quán tại thôn Cầu Cao, xã Quý Sơn (Lục Ngạn) 20 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Từ năm 2011 đến khi bị bắt, Lan tự giới thiệu với nhiều người rằng mình có quen biết với cán bộ cao cấp trong quân đội, cơ quan nhà nước nên có thể xin việc, chuyển công tác, chạy điểm để đỗ vào các trường thuộc lực lượng vũ trang... Từ đó có nhiều người tin tưởng trực tiếp hoặc thông qua người khác đưa tiền cho ả và bị chiếm đoạt. Số tiền Lan đã lừa của 37 nạn nhân ở tỉnh Bắc Giang, Hưng Yên, Lạng Sơn, Quảng Bình và Tuyên Quang gần 8 tỷ đồng. Đến nay, dù cơ quan xét xử yêu cầu bị cáo phải bồi thường số tiền đã chiếm đoạt cho những bị hại nhưng bị cáo hầu như không có. Không ít gia đình cũng vì Lan mà rơi vào cảnh nợ nần, bất hòa.

Trên thực tế, có những đối tượng gặp đâu lừa đấy, chỉ cần thấy nạn nhân sơ hở là ra tay. Điển hình như loạt vụ án do Tạ Văn Hoàng (SN 1991) ở thôn Khả Lý Hạ, xã Quảng Minh (Việt Yên) vừa được Công an huyện Việt Yên khám phá. Theo đối tượng khai, từ giữa tháng ba đến nay, Hoàng mượn xe máy của ba người trên địa bàn huyện rồi mang đi cầm cố lấy tiền tiêu xài.

Đại tá Lại Văn Đông, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự cho biết: Đây không phải là loại tội phạm mới, tuy nhiên, sự sơ hở của người dân chính là yếu tố mà các đối tượng lợi dụng hành sự. Vì vậy, lực lượng công an đã đẩy mạnh tuyên truyền, thông báo thủ đoạn hoạt động của các ổ nhóm tội phạm đồng thời khuyến cáo người dân không nên cho mượn tài sản hoặc giao tiền cho người khác một cách tùy tiện hoặc không chắc chắn. Khi phát hiện điều bất thường cần báo ngay cơ quan công an, tránh trường hợp kéo dài để kẻ xấu có thời gian tẩu tán tang vật.

Ngọc Anh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...