Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 30 °C / 26 - 37 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

An ninh
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Nhớ một thời "gác bút nghiên" ra trận

Cập nhật: 08:54 ngày 20/11/2017
(BGĐT) - Ngày 20-7-1967, trước yêu cầu cấp bách của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đại đội Giáo dục Ngô Gia Tự được thành lập với sự tham gia của 155 giáo viên, giáo sinh tỉnh Hà Bắc. Hơn 50 năm đã qua nhưng ký ức về một thời “gác bút nghiên” ra trận vẫn còn in đậm trong trí nhớ những người thầy - người lính năm ấy.
{keywords}

Sinh viên Trường Cao đẳng Ngô Gia Tự nghe các CCB Đại đội Giáo dục Ngô Gia Tự kể chuyện về thời kháng chiến. Ảnh tư liệu.

Từ bục giảng ra chiến trường

Năm 1967, khi Trưởng ty Giáo dục Hà Bắc Ngô Trí Nhạ có sáng kiến thành lập một đại đội gồm các giáo viên, giáo sinh để chi viện cho chiến trường miền Nam, hàng trăm lá đơn tình nguyện nhập ngũ được gửi đến. Sau khi sàng lọc, 155 chiến sĩ tham gia Đại đội Giáo dục Ngô Gia Tự. Trong đó có không ít người bị gia đình ngăn cản hay thuộc diện được hoãn như ông Trịnh Trung Hòa (TP Hà Nội), ông Nguyễn Hữu Tiếm, xã Dĩnh Trì (TP Bắc Giang)... Ông Hòa làm đơn tình nguyện nhập ngũ khi bố và em trai đang chiến đấu ở chiến trường miền Nam, nhà chỉ còn mẹ và bà ngoại. Còn ông Tiếm là con trai duy nhất trong nhà lại là trưởng họ nên khi biết ông nhập ngũ cả họ đều ngăn cản. Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, các ông đã tạm dừng việc học tập, giảng dạy, chia tay gia đình, người thân, khoác ba lô lên đường vào Nam đánh giặc.

Sau 5 tháng huấn luyện, ba tháng hành quân "xẻ dọc Trường Sơn", Đại đội Giáo dục Ngô Gia Tự đã có mặt tại chiến trường Thừa Thiên - Huế. Do yêu cầu của cấp trên, chiến sĩ Đại đội bổ sung vào nhiều đơn vị khác nhau. Ở đơn vị, vị trí nào, các chiến sĩ Đại đội Giáo dục Ngô Gia Tự vẫn luôn là tấm gương sáng trong chiến đấu. Chiến sĩ Hoàng Tuân dũng cảm vác khẩu B40 chạy lên đỉnh núi gần sân bay A Sầu (Thừa Thiên - Huế) bắn rơi máy bay trực thăng tuần tra của địch, tiêu diệt ba tên giặc lái; chàng trai trẻ Giáp Văn Mạo bị tra tấn dã man, cắt cụt một chân vẫn không đầu hàng giặc là biểu tượng của lòng dũng cảm, sự mưu trí của những người thầy giáo trên chiến trường... Trong suốt những năm tháng chiến đấu, các chiến sĩ Đại đội Giáo dục Ngô Gia Tự đã được tặng thưởng hàng trăm huân, huy chương cùng bằng dũng sĩ diệt Mỹ, diệt Ngụy, diệt cơ giới, trực thăng...

Buông tay súng, chắc tay cày, tay bút

Kết thúc chiến tranh, trở về quê hương, các chiến sĩ lại bắt tay vào công cuộc kiến thiết đất nước. Trao đổi với ông Nguyễn Hữu Tiếm được biết, hòa bình lập lại, đam mê với nghiệp “trồng người” nên ông tiếp tục đi học và trở thành giáo viên dạy Toán ở Trường THCS Đại Lâm và THCS Thái Đào (Lạng Giang). Hơn 11 năm đứng trên bục giảng, ông đã dạy dỗ nhiều thế hệ học sinh nên người. Đến năm 1989, trong điều kiện kinh tế khó khăn chung, lương giáo viên không đủ để nuôi sống gia đình, ông quyết định nghỉ dạy tập trung làm kinh tế. Làm đủ nghề từ nuôi lợn, gà đến buôn chiếu, gỗ... nhưng đam mê với nghề giáo nên ông Tiếm vẫn dành thời gian đi làm gia sư. Với ông, làm gia sư không chỉ để kiếm tiền mà còn là cách để bắt bộ óc vận động nhiều hơn, cập nhật thông tin, kiến thức mới. Không chỉ vậy, ông còn tham gia hoạt động của thôn, xã. Ông có một khóa làm Trưởng thôn và đến nay đang tham gia Ban Chấp hành Hội Nạn nhân chất độc da cam, đioxin của xã. Trên tất cả, thành công nhất với ông Tiếm chính là 5 người con đều chịu khó học tập và đến nay đã thành tài, có cơ ngơi của riêng mình.

Còn ông Lê Hồng Du ở xã Tăng Tiến (Việt Yên), sau khi kết thúc chiến tranh, ông tiếp tục theo nghiệp nhà binh. Trải qua nhiều cương vị, đơn vị trong Quân đoàn 2, đến năm 1987, ông nghỉ hưu và tiếp tục tham gia công tác kế hoạch hóa gia đình, thương binh - xã hội của xã. 11 năm phụ trách công tác kế hoạch hóa gia đình, người dân xã Tăng Tiến có lẽ quá quen với hình ảnh ông Du rong ruổi khắp mọi ngóc ngách để vận động người dân thực hiện sinh đẻ kế hoạch, tập trung nuôi dạy con, cải thiện kinh tế gia đình. Sự nhiệt tình, trách nhiệm của người cựu binh đã góp phần không nhỏ trong việc giảm tỷ lệ hộ sinh con thứ ba của xã, phát triển kinh tế địa phương.

Riêng đối với thương binh ¼ Giáp Văn Mạo ở xã Song Mai (TP Bắc Giang), kết thúc chiến tranh, trở về địa phương với đôi chân không còn lành lặn nhưng với phẩm chất người lính Cụ Hồ, không đầu hàng trước khó khăn, ông luôn tìm cách cải thiện kinh tế gia đình. Đi lại không thuận lợi lại thường xuyên chịu những cơn đau từ vết thương nhưng ông Mạo vẫn tìm hiểu những mô hình trồng trọt, chăn nuôi phù hợp. Đến nay, ông là chủ một trang trại hoa ở xã Song Mai rộng gần 3 ha. Trang trại của ông được quy hoạch từng khu, xây nhà lưới để trồng các loại hoa chất lượng cao như: Ly, loa kèn, hồng... phục vụ cho khách hàng. Ngoài ra ông còn xây dựng kho bảo quản nông sản và củ hoa. Mỗi năm trừ chi phí, gia đình ông thu lãi khoảng 700 triệu đồng, tạo việc làm ổn định cho 8 lao động địa phương.

Sau ngày thống nhất đất nước, mỗi chiến sĩ trong Đại đội Giáo dục Ngô Gia Tự đều tự chọn con đường đi cho riêng mình. Với mỗi người, ký ức một thời tuổi trẻ "xếp bút nghiên" luôn là niềm tự hào, là động lực để họ vượt qua khó khăn, thử thách, phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, cần cù lao động, tích cực đóng góp cho sự phát triển KT-XH địa phương.

Việt Anh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...