Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 28 °C / 28 - 40 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

An ninh
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Giả danh cán bộ điều tra, lừa đảo hàng tỷ đồng qua điện thoại

Cập nhật: 09:43 ngày 07/08/2017
(BGĐT) - Phòng Cảnh sát hình sự (PC45) Công an tỉnh Bắc Giang vừa phát đi cảnh báo về một thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại xuất hiện trên địa bàn tỉnh vào cuối tháng 7. Các đối tượng xấu giả danh là cán bộ điều tra đang thụ lý vụ án ma túy, rửa tiền lớn, yêu cầu bị hại chuyển tiền vào tài khoản rồi chiếm đoạt. Thủ đoạn này tuy không mới nhưng nhiều người nhẹ dạ vẫn dễ dàng mắc bẫy.
{keywords}
Ảnh minh họa.

Sau cú điện thoại, sổ tiết kiệm còn 0 đồng

Chiều 4-8, Trung tá Trịnh Nguyên Lượng- Phó trưởng Phòng PC45 cho biết, đơn vị vừa tiếp nhận trình báo của một số nạn nhân bị lừa mất tiền thông qua điện thoại. Tổng số tiền các bị hại khai báo 3,4 tỷ đồng. Người bị lừa nhiều nhất 2 tỷ đồng, ít vài chục triệu.

Anh T ở phường Ngô Quyền (TP Bắc Giang), con trai nạn nhân N- người vừa bị lừa đảo 46 triệu đồng kể: Khoảng 14 giờ ngày 27-7-2017, bố mẹ tôi đang ở nhà thì nhận được điện thoại gọi đến hỏi có phải là nhà ông N, có chứng minh nhân dân và điện thoại như thế này không? Nghe xong, thấy đúng là thông tin của mình nên ông N đáp là phải. Người gọi điện cho biết anh ta là sĩ quan công tác tại Bộ Công an đang điều tra một chuyên án ma túy lớn. Quá trình điều tra, đối tượng phạm tội khai báo bố tôi có liên quan đến đường dây này. Chúng đã chuyển “tiền bẩn” vào tài khoản của ông ở ngân hàng. Nếu muốn chứng minh không liên quan đến vụ án, bố tôi phải hợp tác với “cơ quan điều tra” bằng cách chuyển toàn bộ tiền trong sổ tiết kiệm của ông vào tài khoản "ban chuyên án" tại một ngân hàng. Nếu không sẽ ảnh hưởng đến danh dự và cuộc sống của gia đình, thậm chí đe dọa đến tính mạng, phải ngồi tù. Hoảng sợ, bố tôi thanh minh nhưng bị “cán bộ điều tra” liên tục chặn lại. Chúng còn bồi thêm là quá trình xác minh, nếu thấy đây là tiền "sạch", hôm sau chúng sẽ thông báo và trả lại toàn bộ số tiền vào tài khoản của ông như ban đầu không thiếu một xu.

Ngay sau đó ít phút, vào chiều 27-7, ông N đã một mình ra ngân hàng chuyển toàn bộ 46 triệu đồng trong sổ tiết kiệm sang cho một tài khoản mang tên Trần Thị Ngọc Nhung, số tài khoản 101867052286 tại Ngân hàng Vietinbank - Chi nhánh Cẩm Phả (Quảng Ninh). Hôm sau, không thấy “cơ quan điều tra” liên hệ lại, cũng chẳng thấy tiền được trả lại tài khoản, ông N gọi vào số máy của “cán bộ điều tra” thì thấy đã ngắt mọi thông tin. Biết là bị lừa, một tuần sau ông mới tâm sự với các con.

Cùng thời điểm, trên địa bàn TP Bắc Giang còn có 4 nạn nhân khác cũng đến trình báo bị lừa bằng thủ đoạn tương tự như với ông N. Các nạn nhân đều rất khổ sở khi cả đời tích cóp được một khoản tiền để dưỡng già, chữa bệnh, có nạn nhân giữ tiền cho con gửi về từ nước ngoài cũng bị các đối tượng lừa đảo một cách dễ dàng.

Thủ đoạn lừa đảo

Để có thêm thông tin điều tra vụ án, đề nghị ai biết nhóm đối tượng này ở đâu, ai là bị hại đến Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh) trình báo. Mọi thông tin trao đổi với đồng chí Đỗ Văn Tiến, Đội trưởng đội 7, điện thoại 0904.093666.

Theo thông tin từ các bị hại và cơ quan điều tra, nạn nhân phần lớn là những người cao tuổi, có tiền gửi tiết kiệm ở ngân hàng, thời gian gọi điện vào giờ hành chính khi con cái, người thân đi làm. Thủ đoạn của đối tượng lừa đảo là gọi điện thoại đến số máy cố định của bị hại, tự xưng là cán bộ công an, Viện kiểm sát thông báo tài khoản của bị hại mở tại ngân hàng có liên quan đến đường dây buôn bán ma túy, kinh tế, rửa tiền...Yêu cầu bị hại rút tiền trong tài khoản cá nhân của mình chuyển vào tài khoản của cơ quan Công an (tài khoản do đối tượng đưa ra) để kiểm tra. Nếu không có vấn đề gì sẽ trả lại. Bị hại tưởng thật chuyển tiền vào tài khoản do đối tượng cung cấp và bị chiếm đoạt.

Một thủ đoạn khác là thông qua mạng xã hội như Facebook, Zalo, Skyper, các đối tượng chủ động làm quen, giả vờ yêu đương, hứa hẹn kết hôn. Sau đó chúng đưa thông tin lừa dối là sẽ tặng quà có giá trị cao từ nước ngoài gửi về Việt Nam rồi giả danh nhân viên ngân hàng, hải quan nói hàng đã cập bến, đề nghị bị hại nộp các khoản cước, thuế... qua tài khoản ngân hàng để nhận quà. Bị hại tin tưởng nên chuyển tiền vào tài khoản do chúng bịa ra rồi chiếm đoạt.

Để phòng ngừa tội phạm lừa đảo qua điện thoại, cơ quan công an cảnh báo người dân khi gặp những tình huống tương tự cần cảnh giác. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân như chứng minh nhân dân, tài khoản, số điện thoại di động... cho các đối tượng lạ, nhất là đối với những người chỉ gọi qua điện thoại. Các cơ quan pháp luật như công an, viện kiểm sát, tòa án... khi làm việc với công dân đều gửi giấy mời hoặc giấy triệu tập. Việc tạm giữ tài sản của công dân được thực hiện bằng văn bản, không yêu cầu người dân tự chuyển vào tài khoản mang tên cá nhân.

Thu Phong

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...