Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 33 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Yên Dũng >> Người tốt - Việc tốt
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Ông Nguyễn Văn Mùi - Tỷ phú nông dân bám ruộng làm giàu

Cập nhật: 15:41 ngày 13/09/2022
(BGĐT) - Từng hai lần rời quê hương đi làm ăn xa, nhưng cuối cùng ông Nguyễn Văn Mùi ở thôn Liễu Đê, xã Tân Liễu (Yên Dũng - Bắc Giang) lại lựa chọn trở về. Trên chính đồng đất, mảnh ruộng quê mình, ông đã thành công với mô hình nuôi vịt an toàn sinh học, thu nhập hơn 1 tỷ đồng mỗi năm.

Tiết trời thu se se lạnh, ông Mùi đón tôi ở con dốc nơi triền đê rồi đưa đi thăm khu trang trại nuôi vịt rộng khoảng 2 ha. “Đây là trại 1, xa xa phía kia là trại 2. Tôi chỉ nuôi vịt đẻ, ấp bán trứng lộn và con giống, lợi nhuận gấp đôi so với bán trứng trắng thông thường”- ông Mùi giới thiệu. 

{keywords}

Ông Mùi bên máy ấp trứng.

Được biết mỗi năm gia đình ông thu lãi 1,5 tỷ đồng. Có được thành quả này, vợ chồng ông phải mất gần chục năm vất vả để cải tạo, xây dựng trang trại trên mảnh đất vốn là đồng chiêm trũng. Không nhiều người biết chính trên đồng đất này ông đã suýt bỏ mạng.

Ông kể, Tân Liễu là xã sát đê, đồng ruộng ngập lụt thường xuyên. Trồng lúa chỉ được một vụ, lại bấp bênh năm được, năm mất. Thế nhưng đổi lại nơi này tôm cá nhiều vô kể. “Trước kia, từ tháng 6 đến tháng 11, hai vợ chồng tôi cùng đi kéo te, có đêm kiếm được đến 2 tạ tôm cá, tính ra giá trị bây giờ khoảng 10 triệu đồng. 

Kiếm được nên ham lắm, 5 năm liền cứ dầm mình dưới nước như thế, nên tôi bị thương hàn, hoại tử ruột, cơ thể chỉ còn da bọc xương, phải điều trị mất một năm rưỡi mới hồi phục. Số tiền kiếm được từ nghề kéo te bỏ hết ra chữa bệnh, còn phải vay nợ thêm. Sợ, vợ chồng đành bỏ nghề”-ông Mùi nói. Sau đó, cả hai quay sang buôn bán lợn con. 

Trong một lần đi chở lợn, vợ ông-bà Đỗ Thị Lịm bị tai nạn, chiếc xe Mink đổ vào người khiến chân bị gãy phải đóng cả hàng đinh, lưng bị ảnh hưởng. Không thể theo nghề nặng nhọc này được nữa, năm 2008, vợ chồng ông chuyển sang chăn nuôi lợn. Không may dịch lở mồm long móng khiến lợn chết hàng loạt. 

Vậy là cả nhà 4 người (vợ chồng và hai con lớn) dắt nhau vào miền Nam làm thuê trong 2 năm. Rồi vợ chồng ông và con út lại tiếp tục xuất ngoại sang Đài Loan làm điện tử. 2 năm làm ở đây, ông vẫn nuôi ước mơ trở về quê làm giàu. Có được vốn, cả nhà quay về và thực hiện ước mơ đó. 

Học hỏi, đi thăm nhiều nơi, nhận thấy mô hình nuôi vịt là phù hợp với đồng trũng, năm 2013, ông Mùi bắt tay vào đầu tư, cải tạo khu đất trũng đấu thầu này thành hai khu nuôi vịt đẻ. Nhắc lại những khó khăn, vất vả, bà Lịm lắc đầu: “Gia đình thuê chở 2.500 xe đất, nấu cơm thợ 4 năm liền. Giờ đây cứ mỗi khi nghe thấy tiếng công nông, ô tô là tôi lại ám ảnh”.

{keywords}

Nhờ chăn nuôi vịt, ông Mùi xây dựng được cơ ngơi khang trang.

Nuôi vịt đẻ không phải là cách làm mới ở huyện, ở tỉnh, ông Mùi suy nghĩ nếu theo nghề này phải tính toán rất cẩn thận, nếu không rất dễ trắng tay như hai lần trước. Vợ chồng ông quyết định chọn nuôi vịt theo hướng an toàn sinh học với 3.000 con ở hai khu, mỗi khu được xây tách bằng tường xây và rào lưới, có cổng ra vào riêng, chuồng lắp bể nước sạch, máng ăn chuyên dụng, có đệm lót sinh học, có hố sát trùng sạch sẽ. 

Vì vậy đàn vịt của vợ chồng ông Mùi ít bị bệnh, tỷ lệ sống cao, chất lượng tốt. Từ nuôi vịt lấy thịt, dần dần ông chuyển sang nuôi lấy trứng, rồi học ấp trứng lộn. Ông Mùi kể: “Ở đâu có nuôi vịt là vợ chồng tôi đến học hỏi, nhưng họ giữ nghề lắm, phải học nhiều người để rút kinh nghiệm cho mình. 

May mắn là chúng tôi được một anh nhà ở gần chợ Bỉ (Tân Yên) hướng dẫn rất nhiệt tình, thậm chí về tận gia đình “cầm tay chỉ việc”. Tôi được hướng dẫn cách để vịt con nở ra được đẹp; giải thích nguyên nhân trứng chết phôi, cách khắc phục”. Nghề dạy nghề, những kinh nghiệm đó dần được ông Mùi tích lũy và áp dụng. Khi có được số vốn kha khá, ông mua 5 máy ấp trứng. Gia đình thường xuyên nuôi 5.000 vịt bố mẹ. 

Ngày 13/9 tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức Hội nghị biểu dương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ VI, giai đoạn 2017-2022 . Ông Nguyễn Văn Mùi là 1 trong 100 gương mặt “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2022. Ông cũng vinh dự được lựa chọn tham gia Diễn đàn Nông dân quốc gia.

Hằng ngày, đàn vịt đẻ khoảng 4.200 trứng, tất cả đều cho vào lò ấp, vừa sản xuất con giống vừa ấp trứng lộn. Sau 2 năm tìm kiếm thị trường, giờ đây sản phẩm của trang trại đã có nơi tiêu thụ ổn định. 

Vậy là những chân ruộng trũng năm ấy nhờ có cơ chế, chính sách của Nhà nước cho đấu thầu, đặc biệt là sự năng động, đột phá trong tư duy, ông Mùi đã có thu nhập mỗi tháng hơn 100 triệu đồng.

Trải qua thất bại, đắng cay, giờ đây "hái được quả ngọt", hơn ai hết vợ chồng ông Mùi thấm thía những gian truân, khó nhọc của người nông dân. Năm 2021, khi dịch Covid-19 bùng phát, là người duy nhất trong xã có xe ô tô được cấp giấy thông hành, ông đã đứng ra bao tiêu nông sản, vận chuyển đi tiêu thụ cho người dân. 

Mới đây, huyện Yên Dũng ra mắt “Câu lạc bộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh, trung ương” gồm 8 thành viên do ông Mùi làm chủ nhiệm. “Chúng tôi muốn tập hợp những người giỏi làm kinh tế VAC ở huyện để cùng trao đổi kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, đưa phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của huyện phát triển hơn nữa ”- ông Mùi cho biết.

Bài, ảnh: Thu Phong

Làm giàu từ nuôi chim bồ câu
(BGĐT) - Năng động, dám nghĩ, dám làm, anh Trần Văn Quý (SN 1983) ở tổ dân phố Khiêu, thị trấn Phương Sơn, huyện Lục Nam (Lục Nam) đã thành công từ mô hình chăn nuôi chim bồ câu, hằng năm cho thu lãi hơn 1,2 tỷ đồng. 
Bệnh binh Đinh Văn Vững vượt khó làm giàu
(BGĐT) - Phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, bệnh binh Đinh Văn Vững, thôn Tòng Lệnh 1, xã Trường Giang, huyện Lục Nam (Bắc Giang)  không ngừng nỗ lực vươn lên trở thành tấm gương làm kinh tế giỏi ở địa phương.
Chị Trương Thị Hương Dung vượt khó làm giàu
(BGĐT) - Năm 2003, chị Trương Thị Hương Dung (SN 1982) quê ở huyện Yên Dũng (Bắc Giang) kết duyên với anh Giáp Văn Long ở thôn Hà Phú 12, xã Tam Dị (Lục Nam) và được bố mẹ chồng cho ở riêng cùng 5 sào ruộng khoán. Cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ gặp nhiều khó khăn do kinh tế phụ thuộc vào mấy sào ruộng nhưng vụ được, vụ mất.
Làm giàu nơi đất khó
(BGĐT) - Nhiều năm nay, anh Trần Văn Vàng (SN 1970), dân tộc Nùng, hội viên cựu chiến binh (CCB) thôn Trại Trầm, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự xã Tam Dị (Lục Nam - Bắc Giang) là một trong những người tiêu biểu, đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế, làm giàu trên mảnh đất quê hương mình. 
Làm giàu từ mô hình chăn nuôi kết hợp
(BGĐT) - Sinh ra và lớn lên ở vùng quê chiêm trũng ven đê, anh Nguyễn Trung Kiên (SN 1979) ở tổ dân phố Phấn Lôi, thị trấn Nham Biền, huyện Yên Dũng (Bắc Giang) là một trong những tấm gương nông dân vượt khó, vươn lên làm giàu. Với quyết tâm cao, anh đã xây dựng thành công mô hình chăn nuôi kết hợp cá - lợn.
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...